Bệnh vẩy nến

PostFri Oct 28, 2011 10:52 am

VOA - Health












<!--IMAGE-LEFT-->Chúng tôi có nhận được email của một thính giả ký tên là Phan Tấn Công hỏi về bệnh vẩy nến. Nhận thấy đây là một căn bệnh khá phổ biến mà nhiều người muốn biết thông tin, chúng tôi đã xin bác sĩ Hồ văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia giải thích cặn kẽ như sau:
Bịnh vẩy nến (Psoriasis)
Bịnh vẩy nến (psoriasis, tiếng Hy lạp, có nghĩa: ngứa) là một bịnh da mãn tính, do hiện tượng tự miễn nhiễm (autoimmune disease), hệ miễn nhiễm rối loạn chống lại chính cơ thể mình, làm một số tế bào da sanh sản quá nhanh, đồng thời gây ra các hiện tượng viêm (inflamation) trong da cũng như một số bộ phận khác như khớp xương và mắt. Chừng 1-3% dân số mắc bịnh này, tùy theo địa phương. Ảnh hưởng di truyền đóng vai trò quan trọng. Đa số phát bịnh lúc tuổi đã trưởng thành (trung bình 28 tuổi) tuy trẻ em cũng có thể mắc bịnh. Stress về tâm lý, thương tích ngoài da có thể làm bịnh bộc phát hoặc nặng thêm. Bịnh khó chữa dứt, hay tái đi tái lại.
Triệu chứng:
Dạng thường gặp là những mảng đỏ hồng (màu thịt cá hồi salmon), có lắn ranh rỏ rệt, trên mặt phủ bằng những vảy ly ty, màu bạc, có lẽ giống các vẩy đèn cầy (đèn sáp, nến) nên chúng ta gọi tên như vậy trong tiếng Việt. Thường gặp ở da đầu, cùi chỏ, đầu gối, lòng bàn tay, lòng bàn chân, và bộ phận sinh dục. Móng tay, móng chân lốm đốm những lổ nhỏ (pitting). Một số bịnh nhân còn bị viêm khớp (psoriatic arthritis). Một số bịnh nhân (10%) còn có triệu chứng ở mắt. Bịnh nhân psoriasis dễ bị trầm cảm (depression) cũng như dễ mắc chứng “hội chứng chuyển hóa” (metabolic syndrome, gồm áp huyết cao, mập, mỡ trong máu cao, đường máu cao, dễ bị bịnh tim mạch). Xin nhấn mạnh các điều sau đây chỉ có tính cách thông tin. Bịnh psoriasis khó trị, tia cực tím cũng như những thuốc được dùng có thể có phản ứng phụ, tác dụng qua lại với nhau. Bịnh nhân cần bác sĩ gia đình cũng như bs bịnh da định bịnh, chữa trị và theo dõi.
Trị liệu:
1) Bịnh nhẹ, với một số mảng nến (plaque) lớn, thường bác sĩ dùng những kem thoa có chất corticoid (hormone do vỏ tuyến thượng thận tiết ra, có khả năng làm giảm viêm) cực mạnh (ultra high potency corticosteroid) trong 2-3 tuần, sau đó dùng trong những “xung kích“ (pulse) ngắn cuối tuần, rồi dần dần chuyển qua corticoid loại trung bình, yếu hơn.
Tuy nhiên, corticoid chỉ cho thuyên giảm tạm thời, nên đồng thời người ta cũng dùng một thuốc thoa da (ointment, cream, lotion) thứ nhì tên calcipotriene (Dovonex) là một analog của vitamin D (vitamin D cũng làm psoriasis thuyên giảm, nhưng có tác dụng phụ nhiều hơn ở liều cao). Một số thuốc thoa kết hợp chất corticoid betamethasone với calcipotriol (Taclonex, Dovobet).
2) Đối với những mảng nhỏ phân phối rải rác ở một vùng rộng lớn hơn, thoa thuốc corticoid trở thành bất tiện và người ta dùng ánh sáng trị liệu bằng tia cực tím (photo therapy with ultraviolet light/UV). Đã từ lâu, người ta đã dùng nắng (ánh sáng mặt trời) để trị một số bịnh ngoài da như bịnh vẩy nến. Tác dụng của nắng nhờ tia cực tím trong ánh sáng mặt trời. Tia cực tím làm giảm độ sinh sản bất bình thường của tế bào ngoài da và làm giảm các hiên tượng viêm (là hai yếu tố chính gây nên psoriasis). Bs có thể dùng tia cực tím quang phổ hẹp (narrow band ultra violet (NB-UVB) (vd: 3 lần/ tuầnx 7 tuần), ở nhà hoặc khu ngọai chẩn (outpatient). Trường hợp bịnh nặng khó trị, bs có thể cho thoa thuốc như dầu hắc ‘crude coal tar’ trước khi rọi tia cực tím UVB, bịnh nhân được săn sóc trong những trung tâm đăt biệt..
3)Trường hợp nặng hơn, bs có thể dùng phương pháp kết hợp chất psoralen (thoa lên da hoặc uống rồi được hấp thụ rồi máu đem đến da) với rọi tia cực tím A (PUVA). Tia cực tím tác dụng lên trên chất psoralen trong da (photochemotherapy). Dùng PUVA lâu dài có thể tạo nguy cơ ung thư da, làm da già nhanh chóng (photoaging), bỏng da, cho nên bs bịnh da cần theo dõi bịnh nhân theo định kỳ.
4) Gần đây, người ta dùng excimer laser để chữa psoriasis (từ 1997). Tia cực tím trong tia laser tác động chính xác hơn vào các vết vảy nến.
5) Những thuốc có khả năng làm giảm hoạt động của các hiện tượng phòng thủ của cơ thể (thuốc ức chế miễn nhiễm/immunosuppressive agents) như

  • - methotrexate,

  • - acitretin (Soriatane) (2 chất này có thể độc gan),

  • - cyclosporine (có thể độc thận) được dùng trong những trường hợp nặng và tùy trường hợp có thể dùng song song với ánh sang trị liệu bằng tia cực tím.

  • - Đặc biệt dùng acitretin cần phải tránh có bầu trong 3 năm sau khi ngưng thuốc, vì khả năng gây quái thai (teratogenic).



  • 6) Ngoài ra, trong những trường hợp nặng không thuyên giảm với các trị liệu trên, hoặc tránh các phản ứng phụ nguy hiểm của corticoid, có những thuốc mới hơn gọi là ‘biologic” (tác nhân sinh học).




Ví dụ: thuốc chống lại yếu tố “Tumor Necrosis Factor” (TNF là yếu tố gây viêm trong psoriasis)] như Remicade (infliximab), cần chích tĩnh mạch (truyền IV trong 2 tiếng, nhiều lần, và rất đắt tiền (trên 1000 dollars/liều).
7) Vệ sinh trong sinh hoạt hàng ngày như giải quyết các vấn đề gây stress, uống dầu cá (fish oil), vitamin A và D (liều vừa phải), tập thể dục, ra nắng, ngưng hút thuốc lá, cai rượu, giảm cân nếu quá mập đều có thể có tác dụng tốt trong việc chữa trị psoriasis.
(Re: American Academy of Dermatology: Guidelines of care for the management of psoriasis and psoriatic arthritis. 2010)
Cảm ơn bác sĩ Hồ văn Hiền.
Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.

Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y Học là 202-205-7890, xin nhắc lại, 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Chúng tôi sẽ chuyển các thắc mắc của quý vị cho các bác sĩ chuyên khoa phân tích và giải thích và sẽ thông báo ngày giờ giải đáp để quý vị tiện theo dõi.
NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Y Tế

Who is online

Users browsing this forum: Google [Bot] and 832 guests

cron