Viêm tiểu phế quản và vai trò kháng sinh

PostWed Aug 14, 2019 12:50 pm

VOA - Health


Thính giả Kim Duyên hỏi:


Thưa Bác sĩ,


Tôi vừa đọc bài nguyên tắc cơ bản khi dùng kháng sinh của Bác sĩ Hồ Văn Hiền. Tôi kính mong Bác sĩ giải đáp thêm trường hợp của con tôi.


Bé được 3 tháng rưỡi. Mấy ngày gần đây cháu hay dụi mắt, mũi và tai, đặc biệt là dụi tai rất mạnh nhưng không thấy khóc.


Khi bú cháu bị khò khè, cảm giác rất khó chịu, có khi còn đẩy bình sữa ra mặc dù cháu rất đói. Tôi phải cho bé uống một chút nước, bé mới chịu bú và thường bú được khoảng 60ml là nghỉ khoảng 30 phút mới bú thêm được (cháu bú sữa công thức). Đặc biệt đầu hôm khi ngủ bé thở khò khè nghe như người lớn ngáy, ngủ mê một lúc thì hết, thở bình thường.


Cháu rất hay bị trớ sữa. Mỗi lần bú xong vỗ ợ hơi bé ợ rất to và trớ ra một ít sữa. Sau khi ngủ dậy bé cũng bị trớ một ít sữa.


Tôi đưa bé đi khám thì bác sĩ chẩn đoán bị viêm tiểu phế quản và cho uống cefixime uphace 50g, ngày 2 lần, mỗi lần 1/2 gói trong 6 ngày.


Kính mong Bác sĩ giải đáp giúp trường hợp của cháu có cần thiết uống kháng sinh không, và nếu cần nên uống trong bao lâu. Tôi xót bé còn nhỏ nên lưỡng lự chưa dám cho uống.


Kính mong Bác sĩ giải đáp.


Tôi xin chân thành cảm ơn."


Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:



Vì tôi không thể trả lời cho một trường hợp cá biệt, tôi xin trình bày một số nhận xét hoàn toàn có tính cách thông tin về bịnh viêm tiểu phế quản và vai trò kháng sinh trong việc điều trị này.


1) Cefixime Uphace 50 chứa hoạt chất cefixim, một kháng sinh cephalosporin thế hệ 3 dùng đường uống, có tác dụng diệt khuẩn.


Cefixime được chỉ định trong các trường hợp sau:


  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu

  • Một số trường hợp viêm thận

  • Viêm tai giữa cấp do Haemophilus influenzae, Moraxella catarrhalis, Streptococcus pyogenes.

  • Viêm họng và amidan do Streptococcus pyogenes.

  • Các cơn bịnh tăng nặng ở người lớn và trẻ em trên 6 tháng tuổi cho bịnh nhân mắc bịnh viêm phế quản mạn do Streptococcus pneumoniae hoặc Haemophilus influenzae (adults and pediatric patients six months of age or older with acute exacerbations of chronic bronchitis caused by susceptible isolates of Streptococcus pneumoniae and Haemophilus influenzae).

  • Viêm phổi nhẹ đến vừa,

  • Bệnh lậu chưa có biến chứng do Neisseria gonorrhoeae (kể cả các chủng tiết beta – lactamase)

  • Bệnh thương hàn do Salmonella typhi; bệnh lỵ do Shigella.

2) Viêm tiểu phế quản (bronchiolitis) là một rối loạn thường do nhiễm trùng đường hô hấp dưới (lower respiratory infection) do virus ở trẻ sơ sinh, các đặc tính gồm viêm cấp tính, phù, hoại tử của các tế bào biểu mô lót đường dẫn khí nhỏ, và tăng sản xuất chất nhầy.


Triệu chứng: thường bắt đầu bằng viêm mũi và ho, có thể tiến triển thành thở nhanh, thở khò khè, rales, sử dụng các cơ hô hấp phụ và cánh mũi phập phồng (nasal flaring).


Nhiều loại virus lây nhiễm hệ hô hấp gây ra các dấu hiệu và triệu chứng tương tự.


Nguyên nhân phổ biến nhất của viêm tiểu phế quản là virus hợp bào hô hấp (RSV), với tỷ lệ nhiễm trùng cao nhất xảy ra trong khoảng từ tháng 12 đến tháng 3 ở Bắc Mỹ; tuy cũng tuy theo khu vực.


90% trẻ em bị nhiễm RSV trong 2 năm đầu đời, và đến 40% sẽ bị nhiễm trùng đường hô hấp dưới khi nhiễm RSV lần đầu.


Nhiễm RSV không tạo nên miễn dịch vĩnh viễn hoặc lâu dài, với các trường hợp tái nhiễm phổ biến trong suốt cuộc đời.


Các loại virus khác gây viêm tiểu phế quản bao gồm các virus ở người như: virut mũi (rhinovirus), metapneumovirus, cúm, adenovirus, coronavirus, và virus parainfluenza.


Viêm tiểu phế quản là nguyên nhân nhập viện phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh trong 12 tháng đầu đời. Khoảng 100 000 ca nhập viện viêm phế quản xảy ra hàng năm ở Hoa Kỳ với chi phí ước tính là 1,73 tỷ đô la. Một nghiên cứu dựa trên dân số được tài trợ bởi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh báo cáo tỷ lệ nhập viện RSV trung bình là 5,2 trên 1000 trẻ dưới 24 tháng tuổi, trong giai đoạn 5 năm từ 2000 đến 2005. Tỷ lệ nhập viện RSV theo độ tuổi cao nhất xảy ra ở trẻ sơ sinh từ 30 ngày đến 60 ngày tuổi (25,9 trên 1000 trẻ).


Theo bản tin của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm ước tính có khoảng 150 triệu ca viêm tiểu phế quản lâm sàng mới (chủ yếu là Viêm phổi và Viêm tiểu phế quản); chừng 11-12 triệu trong số này cần nhập viện. Trên toàn thế giới, 95% các trường hợp xảy ra ở các nước đang phát triển. Dữ liệu dịch tễ học cho thấy RSV chiếm khoảng 65% nhập viện do viêm tiểu phế quản.


Điều trị:


Mặc dù bịnh viêm tiểu phế quản phổ biến như vậy, trên thế giới chưa có đồng thuận về phác đồ điều trị, một phần cũng vì người chữa bịnh (clinician) không chắc chắn có phải siêu vi RSV là yếu tố duy nhất cần phải giải quyết, cho nên có thể suy nghĩ theo lối "thà dư còn hơn thiếu". Ở Mỹ, bịnh nhân bronchiolitis có khi được nhập viện, chụp X quang phổi, cho thở thuốc làm nở cuống phổi, cho thở oxy, thở hơi nước muối phun (nebulized hypertonic saline), dùng kháng sinh vì bác sĩ nghĩ rằng có thể có nhiễm vi khuẩn( bacterial infection) kèm theo siêu vi RSV, vân vân; và có thể rất tốn kém. Do đó Hàn Lâm Viện Nhi khoa Mỹ (AAP) mới phát triển ra những hướng dẫn cụ thể để giảm dùng những phương tiện chẩn đoán, điều trị mà họ thấy không luôn luôn cần thiết, làm giảm chi phí và giảm các biến chứng do thuốc men; đồng thời APP khuyến khích chú trọng đến các biện pháp thực tế như ngăn ngừa trẻ em tiếp cận với khói thuốc lá. Tuy nhiên quyết định vẫn nằm trong tay người chữa bịnh và các phác đồ chỉ có tính cách hướng dẫn.


Theo AAP:


  • Chẩn đoán bronchiolitis chủ yếu là trên lâm sàng, đừng cho chụp X quang hay thử nghiệm khác như là một thông lệ phải làm (When clinicians diagnose bronchiolitis on the basis of history and physical examination, radiographic or laboratory studies should not be obtained routinely)

  • Người chữa bịnh không nên dùng albuterol (hoặc salbutamol, (thuốc có mục đích làm nở cuống phổi)) cho trẻ sơ sinh và trẻ em được chẩn đoán viêm tiểu phế quản

  • Người chữa bịnh không nên dùng epinephrine cho trẻ sơ sinh và trẻ em được chẩn đoán viêm tiểu phế quản

  • Không nên dùng nước muối cường trương phun (nebulized hypertonic saline) cho trẻ sơ sinh có chẩn đoán viêm tiểu phế quản ở khoa cấp cứu

  • Người chữa bệnh có thể sử dụng nước muối cường trương phun (nebulized hypertonic saline [3%]) cho trẻ sơ sinh và trẻ em nhập viện vì viêm tiểu phế quản

  • Không nên dùng corticosteroid toàn thân (systemic corticosteroid) cho trẻ sơ sinh được chẩn đoán viêm tiểu phế quản ở bất kỳ cơ sở nào.

  • Có thể chọn không sử dụng oxy bổ sung nếu độ bão hòa oxy hemoglobin vượt quá 90% ở trẻ sơ sinh và trẻ em được chẩn đoán viêm tiểu phế quản

  • Người chữa bịnh có thể chọn không sử dụng continuous pulse oximetry (để đo độ oxy trong máu một cách liên tục qua da ) cho trẻ sơ sinh và trẻ em được chẩn đoán tiểu phế quản

  • Người chữa bệnh không nên sử dụng vật lý trị liệu ngực (chest physiotherapy) cho trẻ sơ sinh và trẻ em có chẩn đoán viêm tiểu phế quản

  • Người chữa bệnh không nên dùng thuốc kháng sinh cho trẻ sơ sinh và trẻ em được chẩn đoán viêm tiểu phế quản trừ khi có nhiễm trùng do vi khuẩn đồng thời hoặc nghi ngờ mạnh bịnh nhân đang bị nhiễm khuẩn (concomitant bacterial infection, or a strong suspicion of one) .

  • Người chữa bệnh nên truyền dịch qua ống từ mũi vào dạ dày (nasogastric tube) hoặc truyền tĩnh mạch cho trẻ sơ sinh được chẩn đoán viêm tiểu phế quản không thể bú hay uống đủ qua miệng

Tóm lại, bịnh viêm tiểu phế quản thường gặp ở trẻ em dưới 2 tuổi. Phần lớn do nhiễm virus RSV. Trừ trường hợp đặc biệt như trẻ thiếu tháng, trẻ bị bịnh tim mạch, trẻ có sức đề kháng khiếm khuyết (immunodeficient), các trẻ sức khoẻ bình thường không cần đến các biện pháp như thuốc kháng sinh, oxy phụ trợ, thuốc làm nở cuống phổi hay thuốc corticoid (giảm viêm).


Phòng ngừa:


  • Các trẻ sinh thiếu tháng, hoặc kèm theo bịnh tim phổi nặng, trong 12 tháng đầu đời, được chích palivizumab hàng tháng trong 5 tháng mùa lạnh (mùa dịch RSV) để ngừa bệnh bronchiolitis do RSV.

  • Vệ sinh, dùng cồn hay rửa tay bằng xà phòng khi săn sóc cho bịnh nhân

  • Cho bé bú sữa mẹ ít nhất 6 tháng

  • Tránh khói thuốc lá; giáo dục gia đình ngưng hút thuốc

  • Chích ngừa đầy đủ, nhớ chích ngừa cúm hàng năm .

Chúc bịnh nhân may mắn.


Reference:


1) Các thông tin dựa trên khuyến cáo của Hàn Lâm Viện Nhi khoa Hoa kỳ về bịnh viêm tiểu phế quản.(Clinical Practice Guideline: The Diagnosis, Management, and Prevention of Bronchiolitis)


Clinical Practice Guideline: The Diagnosis, Management, and Prevention of Bronchiolitis


https://pediatrics.aappublications.org/ ... 34/5/e1474


https://www.aap.org/en-us/Documents/vip ... change.pdf


2) Nebulised hypertonic saline (3 %) among children with mild to moderately severe bronchiolitis - a double blind randomized controlled trial


https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4644020/


Bác sĩ Hồ Văn Hiền


Ngày 13 tháng 8 năm 2019


Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com


Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com>.

NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Y Tế

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 847 guests

cron