VOA - Economy
Với 82,4% phiếu thuận, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2012 vào chiều ngày 14 tháng 11, 2011. Theo Nghị quyết này, tổng số thu cân đối của ngân sách Trung ương là 493.675 tỷ đồng, tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 269.225 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối NSTW 633.875 tỷ đồng, trong đó có 151.633 tỷ đồng bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu từ NSTW cho ngân sách địa phương. Nghị quyết cũng giao Chính phủ triển khai phân bổ khoản hỗ trợ của ngân sách trung ương về các địa phương theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Liên quan đến chủ đề này, nhiều chuyên gia tỏ ra quan ngại về cơ chế phân bổ ngân sách về địa phương chưa được đổi mới một cách hợp lý. Ông Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM, còn cho rằng phân bổ ngân sách trong thời gian qua chủ yếu dựa trên cơ chế “xin – cho”, chưa minh bạch. Vì vậy, theo ông, “dù đã có khá nhiều kinh nghiệm tham gia quyết định ngân sách, nhưng đến nay tôi vẫn không biết lý do Chính phủ cắt địa phương theo tiêu chí gì, ở chỗ nào, tăng cho chỗ nào?”
Lý do để nhiều chuyên gia và giới hữu trách lo ngại xuất phát từ tinh thần của Nghị quyết 11 và chương trình hành động nhằm tái cơ cấu nền kinh tế của chính phủ trong thời gian tới. Với ba trọng điểm mũi nhọn đó là đầu tư công (tập trung thực hiện Nghị quyết 11), doanh nghiệp nhà nước (DNNN - tập trung vào các tập đoàn, tổng công ty) và hệ thống tài chính (tập trung vào ngân hàng), Chính phủ Việt Nam đang cố gắng hướng nỗ lực chính trị vào việc đem lại một diện mạo mới cho kinh tế Việt Nam trong trung hạn.
Riêng đối với Nghị quyết 11, trụ cột chính là vấn đề cắt giảm đầu tư công, mà linh hồn của nó trên thực tế là việc nâng cao hiệu quả đầu tư công, chứ không phải cắt ngọn theo phương thức cào bằng. Có nghĩa là việc cắt giảm đầu tư công là cần thiết, nhưng mục tiêu cuối cùng nó hướng đến là nâng cao chất lượng và hiệu quả của các khoản đầu tư công của nhà nước, và qua đó, nâng cao hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế nói chung.
Điều này nói dễ hơn làm. Lý do là dù muốn dù không việc phân bổ đầu tư công và hỗ trợ ngân sách từ trung ương cho địa phương luôn luôn chịu ảnh hưởng của các yếu tố chính trị.
Sự ảnh hưởng của địa phương và méo mó trong hiệu quả của đầu tư công
Trong một môi trường lý tưởng (và vì thế chỉ mang tính lý thuyết), nhà nước trung ương xử sự trên các nguyên tắc lợi ích chung (benevolent principles) và có toàn quyền ra phán quyết về việc đầu tư vào dự án nào, nằm ở địa phương nào, trong thời hạn bao lâu… sao cho có hiệu quả cao nhất về kinh tế và xã hội. Các địa phương trong môi trường lý tưởng này không có quyền ảnh hưởng đến nhà nước trung ương mà chỉ là các bên thụ động nhận đầu tư và/hoặc hỗ trợ.
Trong trường hợp này, có thể áp dụng các biện pháp kỹ trị, như thành lập các ban nghiên cứu, các nhóm chuyên gia, và sử dụng các công cụ phân tích kỹ thuật để xác định dự án nào mang lại hiệu quả cao nhất, và vì thế, sẽ được nhận tiền đầu tư. Đương nhiên các công cụ kỹ thuật không bao giờ hoàn hảo nhưng nó cũng giúp hạn chế rất nhiều tính tùy tiện, chủ quan, và về mặt nào đó, hiệu quả hơn là các quyết định cảm tính. Trên thực tế, các nền kinh tế đã phát triển như Mỹ đều sử dụng các phương pháp này để đánh giá các lựa chọn về đầu tư công. Việc phân tích kỹ thuật nhiều khi “cực đoan” tới mức mạng sống con người cũng được đo đếm bằng tiền để lượng hóa đến cùng các chiều kích ảnh hưởng của một dự án đầu tư công.
Trên thực tế thì môi trường lý tưởng này hầu như không tồn tại, và các địa phương không bao giờ thụ động là bên ngồi chờ quyết định của nhà nước trung ương. Các địa phương có kinh tế mạnh hơn, nộp ngân sách nhiều hơn, sẽ có quyền lực ảnh hưởng lên nhà nước trung ương cao hơn là các địa phương nghèo. Các địa phương được dẫn dắt bởi các lãnh đạo có sức ảnh hưởng lớn, khả năng thuyết phục cao trên trung ương cũng sẽ dành được thế thượng phong so với các địa phương khác. Và vì thế, cuộc chơi dành dật miếng bánh đầu tư công và/hoặc hỗ trợ ngân sách từ trung ương không bao giờ công bằng.
Đó là chưa kể các con đường khác mà địa phương có thể ảnh hưởng lên nhà nước trung ương, thí dụ theo ngôn ngữ của ông Trần Du Lịch, là “người ta sẽ “chạy” ngân sách, “chạy” dự án nhiệt tình. Tháng 7, 8, 9 là các địa phương “chạy” cho ngân sách năm sau, ai cũng thấy chuyện này.”
Sức ảnh hưởng ghê gớm của địa phương lên quyết định phân bổ của nhà nước trung ương sẽ dẫn tới hai khả năng. Thứ nhất là việc dành dật này, dù bằng con đường gì, có thể dẫn tới chuyện làm các quyết định phân bổ của nhà nước trung ương không còn “công tâm” nữa. Sẽ có chuyện có địa phương nhận được rất nhiều trong khi không thực sự cần so với các địa phương khác và cũng sẽ có chuyện nhiều dự án thực sự hiệu quả bị đình lại vì thiếu sức ảnh hưởng chính trị để thuyết phục nhà nước trung ương.
Thứ hai là, trong trường hợp nhà nước trung ương, dưới sức ép của các địa phương, và không biết bênh ai, không bênh ai, sẽ dễ dàng đi tới quyết định chia đều - hoặc trong trường hợp thu hẹp đầu tư công, thu hẹp trợ cấp từ trung ương, là cắt ngọn cho đều ở tất cả các địa phương.
Cả hai trạng thái này đều cực kỳ thiếu hiệu quả và làm méo mó toàn bộ bức tranh đầu tư công của nhà nước. Không có cách nào vô hiệu hóa được hoàn toàn sự ảnh hưởng của các địa phương, nhưng có những cách để làm giảm thiểu sức ảnh hưởng này. (Còn tiếp).
* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.