Page 1 of 1

Công nhân Việt biểu tình ở Ðài Loan đòi bỏ môi giới tuyển dụ

PostPosted: Mon May 06, 2019 8:17 am
by NewsReporter
VOA - Economy


Công nhân nhập cư Việt Nam biểu tình trước văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam (VECO) ở Đài Bắc hôm Chủ nhật 5/5, kêu gọi tuyển dụng trực tiếp và loại bỏ hệ thống môi giới tuyển dụng hiện tại.


Hãng thông tấn CNA loan tin rằng hơn 20 công nhân nhập cư Việt Nam đã tập trung trước VECO, được xem là Đại sứ quán Việt Nam tại Đài Loan trên thực tế, kêu gọi Việt Nam và Đài Loan thiết lập hệ thống tuyển dụng trực tiếp giữa hai chính phủ để thay thế hệ thống môi giới tuyển dụng hiện tại mà họ lên án là bóc lột người lao động thậm tệ.


Người biểu tình mang theo các biểu ngữ bằng tiếng Việt và tiếng Hoa kêu gọi “tuyển dụng trực tiếp,” “huỷ bỏ môi giới,” và “chấm dứt bóc lột sức lao động.”


CAN dẫn số liệu thống kê của của Bộ Lao động Ðài Loan cho biết số lao động nhập cư ở Đài Loan tính đến tháng 3 năm nay là 704.800 người, trong đó có hơn 220.000 người lao động Việt Nam.


Một người biểu tình yêu cầu giấu tên vì sợ bị trả thù nói với CNA rằng phí môi giới mà người lao động Việt Nam phải trả để làm việc ở Ðài Loan cao gấp hai đến ba lần so với lao động nhập cư từ các quốc gia khác.


Ít nhất hai nhóm công nhân cho biết người lao động Việt Nam phải trả 5.000-7.000 đôla Mỹ để làm việc tại Đài Loan, gấp hai đến ba lần so với các nước xuất khẩu lao động khác. Thêm vào đó, khi được xếp việc trên hòn đảo, một nhân công Việt Nam mỗi tháng còn phải trả 50-60 đôla cho đại lý tư nhân Đài Loan để được trợ giúp ở lại đảo quốc này.


Người biểu tình nói các quan chức Việt Nam biết về những hành vi bất hợp pháp này, nhưng công nhân muốn nộp đơn khiếu nại lên VECO phải trả một khoản phí khác, theo CNA.


Nhiều người nói họ được mời chào công việc nhẹ nhàng mà mức lương khá, đến 1.000 đôla một tháng. Nhưng trên thực tế, mức lương trung bình của một lao động xuất khẩu người Việt trên đảo này hiếm khi vượt quá 500 đôla.


Ngoài phí môi giới bắt buộc, người lao động Việt Nam ở Đài Loan còn phải trả phí hộ chiếu, phí kiểm tra y tế và đặt cọc để đảm bảo họ sẽ không chạy trốn khỏi chủ thuê lao động.


Bất chấp các công nhân xuất khẩu hợp pháp bị các hệ thống môi giới bóc lột thậm tệ như vậy, nhiều người lao động Việt Nam vẫn nhắm tới đảo quốc này với hy vọng kiếm được thu nhập khá hơn, thậm chí bằng con đường chui. Thời gian qua có nhiều người Việt đến Đài Loan theo visa du lịch, rồi trốn ở lại để lao động chui. Một số đã bị cảnh sát Đài Loan bắt giữ và trục xuất về lại Việt Nam.


(Theo CNA, RFA, Tuoi Tre)