Page 1 of 1

Các tổ chức nhân quyền kêu gọi Việt Nam thả Trương Duy Nhất

PostPosted: Thu Mar 21, 2019 5:23 pm
by NewsReporter
VOA - Economy


Các tổ chức nhân quyền quốc tế hôm 21/3 đồng loạt lên tiếng kêu gọi Việt Nam làm rõ tình trạng của nhà báo bất đồng chính kiến Trương Duy Nhất và phóng thích ông ngay lập tức, sau khi có tin cho hay ông đã bị đưa vào trại giam ở Việt Nam gần hai tháng kể từ ngày đột ngột mất tích tại Thái Lan.


Trương Thục Đoan, con gái của ông Nhất hiện đang ở Canada, xác nhận với VOA rằng mẹ cô đã đi thăm nuôi cha cô hôm 20/3 ở trại giam T16 ở Thanh Oai, Hà Nội. Cô nói mẹ cô chỉ được gửi vào một chút đồ ăn và quần áo, chưa được gặp mặt ông Nhất nên “hoàn toàn vẫn chưa biết” tình hình sức khỏe của ông ra sao.


“Cho đến bây giờ từ phía gia đình và luật sư Trần Vũ Hải vẫn chưa nhận được bất kì thông báo chính thức nào về việc bắt giam ba,” cô nói trong một email gửi cho VOA.


Cô cho biết thêm gia đình cô và luật sư vẫn chưa nhận được thông báo hay giấy tờ văn bản xác nhận gì từ phía chính quyền Việt Nam về lý do ông Nhất bị bắt.


Nhà văn Phạm Xuân Nguyên, một người bạn của ông Nhất, cho biết ông là người đã đưa vợ ông Nhất là bà Cao Thị Xuân Phượng vào trại giam T16. Ông nói bà được cấp một cuốn “sổ tiếp tế, thăm gặp” cho những lần sau.


“Trong cuốn số ghi ngày bắt giữ ông ấy là 28 tháng 1, 2019… Nó ghi rằng ông ấy bị chuyển vào trại trong cùng ngày,” ông Nguyên nói với hãng tin AFP hôm 21/3.


Cùng ngày, các tổ chức nhân quyền quốc tế thúc giục nhà chức trách Việt Nam làm rõ lý do vì sao ông Nhất bị bắt cóc khỏi Thái Lan hôm 26/1, tức là một ngày sau khi ông đến văn phòng của Cao ủy Người Tị nạn Liên Hiệp Quốc tại Bangkok để xin tị nạn.


“Những bản tin cho hay ông Nhất đang bị giam trong tù ở Hà Nội là cực kì đáng lo ngại,” Joanne Mariner, Cố vấn Khủng hoảng Cao cấp của tổ chức Ân xá Quốc tế nói trong một thông cáo. “Nhà chức trách Việt Nam và Thái Lan cần phải nói thật về chuyện tại sao và bằng cách nào mà ông Nhất trở về Việt Nam nhanh như vậy sau khi ông đăng kí xin tị nạn ở Bangkok.”


Bà kêu gọi Hà Nội cho ông Nhất được quyền tiếp cận luật sư ngay lập tức và được đưa ra trước một thẩm phán, nếu đúng là ông đang bị giam giữ. “Trừ phi nhà chức trách có thể cho thấy cơ sở hợp lý để giam giữ ông Nhất, bằng không họ phải phóng thích ông ngay tức thì,” bà nói thêm.


Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) cũng kêu gọi nhà chức trách Việt Nam thả ông Nhất “ngay lập tức và vô điều kiện” và đề nghị Việt Nam và Thái Lan phải buộc những người đứng sau vụ bắt cóc ông “chịu trách nhiệm đến mức tối đa theo luật pháp địa phương.”


Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) nói vào lúc này, “mọi chuyện cho thấy ông [Nhất] bị bắt giữ vì hoạt động báo chí của mình” và kêu gọi xác định chính xác vai trò của nhà chức trách Thái Lan trong vụ việc.


Việt Nam chưa lên tiếng chính thức về vụ việc liên quan đến ông Nhất.


Vụ mất tích của ông gợi liên tưởng đến vụ cựu lãnh đạo dầu khí Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ Việt Nam bắt cóc hồi năm 2017 ở Berlin, Đức, nơi ông Thanh khi đó đang xin tị nạn. Ông Thanh sau đó tái xuất hiện ở Việt Nam và bị kết án tù chung thân về các cáo buộc tham nhũng.


Ông Nhất là một blogger cộng tác với Đài Á Châu Tự do (RFA) và là chủ website “Một Góc Nhìn Khác” chuyên bình luận và phân tích về chính trị và xã hội Việt Nam. Ông từng bị kết án hai năm tù vào năm 2014 về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước.”


John Lansing, Giám đốc điều hành Cơ quan Truyền thông Toàn cầu Hoa Kỳ - cơ quan quản lý đài VOA và RFA, trong một thông cáo hồi tháng 2, gọi ông Nhất là một trong những “nhà báo dũng cảm” vẫn kiên định bất chấp những hiểm nguy “vì họ tin vào sức mạnh của báo chí độc lập tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn.”