Page 1 of 1

LHQ lo ngại Bangladesh có thể di dời người  Rohingya ra đảo

PostPosted: Mon Mar 11, 2019 9:49 am
by NewsReporter
VOA - Economy


Hôm 11/3, một nhà điều tra nhân quyền của LHQ phụ trách Myanmar bày tỏ quan ngại sâu sắc về kế hoạch của Bangladesh di dời 23.000 người tị nạn Rohingya ra một hòn đảo xa xôi ở Vịnh Bengal vào tháng 4 tới, nói rằng nơi đó không thể sinh sống được và có thể tạo ra “một cuộc khủng hoảng mới.”


Bangladesh cho biết việc di dời những người tị nạn này đến đảo Bhasan Char – theo tiếng Hồi có nghĩa là đảo nổi - sẽ giảm bớt tình trạng quá tải kinh niên trong các trại tập trung ở thị trấn Cox’s Bazar, nơi khoảng 730.000 người Rohingya lánh nạn đang tạm trú.


LHQ nói rằng nhóm người thiểu số Hồi giáo này đã phải chạy khỏi bang Rahkine của Myanmar đến Bangladesh để lánh nạn từ khi xảy ra các vụ sát hại và hãm hiếp xảy ra do quân đội thực hiện vào tháng 8/2017.


Bà Yanghee Lee, báo cáo viên đặc biệt của LHQ phụ trách Myanmar, người đã đến thăm hòn đảo này vào tháng 1 năm nay, nói: “Ngay sau chuyến thăm của tôi vẫn còn một số điều chưa rõ ràng, chủ yếu là liệu hòn đảo này thực sự có thể sinh sống được hay không.”


Bà phát biểu tại kỳ họp của Hội đồng Nhân quyền LHQ: “Tái định cư không được lên kế hoạch tốt, và tái định cư mà không có sự đồng ý của những người tị nạn liên quan, thì có khả năng tạo ra một cuộc khủng hoảng mới.”


Một số nhóm nhân đạo đã lên tiếng chỉ trích kế hoạch di dời của Bangladesh, nói rằng hòn đảo trong Vịnh Bengal này rất thường xuyên bị lốc xoáy ập vào.


Bà Lee phát biểu thêm rằng có tới 10.000 dân thường được cho là đã rời bỏ nhà cửa của họ ở bang Myanmar Myanmar Rakhine kể từ tháng 11 năm ngoái do bạo lực và thiếu viện trợ nhân đạo. Bản thân bà Lee bị chính quyền Myanmar cấm nhập cảnh.


Bà Lee kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ chuyển hồ sơ cáo buộc Myanmar tàn sát người Hồi giáo đến Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) và khuyên chính quyền Yangon hãy chấp nhận phán quyết của tòa này.


Ông Shah Kamal, Bộ trưởng Bộ quản lý thiên tai Bangladesh, cho biết chính phủ của ông đang đàm phán với các cơ quan của LHQ về vấn đề di dời người tị nạn Rohingya ra đảo.