Sau Giáo sư Chu Hảo, bây giờ tới lượt nhà nghiên cứu Biển Đông, TS Trần Đức Anh Sơn bị khai trừ đảng. Bản tin từ báo chí trong nước cho biết TS Trần Đức Anh Sơn, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, vừa bị Thành ủy Đà Nẵng khai trừ khỏi Đảng hôm 7/3/2019. Đặc biệt là tin này không làm cho ai ngạc nhiên mà thậm chí rất nhiều người tỏ ra phấn khởi, vui mừng.
Trên trang facebook riêng của mình, TS Trần Đức Anh Sơn bình thản cám ơn người hâm mộ, bạn bè trong và ngoài nước của ông khi nghe tin. Không một lời biện bạch, phân giải hay xúc động ông chỉ bình thản cho rằng mình đang hạnh phúc, hạnh phúc vì được trở về với chính mình.
Khác với nhiều người hoạt động cho dân chủ, nhân quyền TS Sơn tuyên bố thẳng thừng ông là một nhà khoa học, một sử gia và không phải là người hoạt động chính trị. Ông bị khai trừ đảng với lý do giống như nhiều người khác: do viết, đăng tin, bài trên Facebook, mà chính quyền cáo buộc là sai sự thật…. không đúng với quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Việt Nam trên mạng xã hội.
Trong vai trò Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng TS Trần Đức Anh Sơn nhiều lần trả lời những vấn đề hóc búa về Hoàng Sa hay Trường Sa cho các đài phát thanh ngoại quốc. Sự thẳng thắn của ông chỉ gói gọn trong một mục đích: trả lại cái gì của Caesar và đừng vin vào bất cứ lý do gì để biện minh hành động trí trá của mình. Từ năm 2009 khi nhận trách nhiệm với Viện Nghiên cứu phát triển, TS Sơn không ít lần gây đau đầu cho chính quyền Đà Nẵng khi đòi công bố bản đồ mà ông phát hiện được chứng tỏ Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ông nhiều lần tổ chức kỷ niệm ngày mất Hoàng Sa tại Đà Nẵng và không ít lần bị cảnh cáo từ Thành ủy.
Cho tới tháng 2 năm 2018 thì Thành Ủy Đà Nẵng đã quyết định cách chức Phó viện trưởng của ông.
TS Trần Đức Anh Sơn là người “ăn cơm đảng mà lại chống Tàu”, không những chống trên mặt trận báo chí và mạng xã hội ông còn bỏ công sức nhiều năm ra để thu nhặt các bản đồ quý giá nhiều nơi trên thế giới để chống lại mưu đồ bành trướng của Bắc Kinh. Quan niệm của ông là nhà nước phải công bố những bản đồ này và dùng nó trong việc kiện Trung Quốc đề đòi lại chủ quyền biển đảo như Philippines đã làm và thành công.
Tuy nhiên, Việt Nam không phải là Philippines nên nỗ lực của ông không thực hiện được. Trả lời nhà báo Mike Ives của tờ New York Time TS Trần Đức Anh Sơn gay gắt cho rằng “Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam là những người nô lệ của Bắc Kinh, đó là lý do tại sao chúng tôi có rất nhiều tài liệu vẫn còn nằm trong bóng tối”.
Gọi ông là “người săn bản đồ”, New York Times cho rằng trong số các học giả Việt Nam nghiên cứu về các yêu sách lãnh thổ của chính phủ về vấn đề Biển Đông, Tiến sĩ Sơn là một trong những người nổi bật nhất. Ông từng bỏ tiền túi ra để sang các nước mà ông nghĩ có lưu giữ những tấm bản đồ ghi nhận Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong lãnh hải Việt Nam và bộ sưu tập của ông tuy có giá trị nhưng Việt Nam không hài lòng vì ông muốn dùng chúng như những bằng chứng mạnh mẽ chống lại Trung Quốc.
Theo New York Times thì ông là người xuất thân từ nghèo khó, cha của ông đã bị giết chết vào năm 1970 trong khi chiến đấu cho miền Nam Việt Nam, TS Sơn đã vươn lên bằng sự kiên trì và lòng hiếu học. Ông là một nhà sử học và luôn trung thành với những dữ liệu chính xác và đáng tin cậy. Từ cách nhìn của người hoạt động ghi lại lịch sử ông đã lặn lội tới Nhật để tiếp tục nghiên cứu và trình luận án tiến sĩ. Thành công này giúp ông thực hiện giấc mơ nóng bỏng của một trí thức muốn đóng góp cho quê hương bằng chính sở học của mình.
Sự nguy hiểm của Trung Quốc đối với giấc mộng thôn tính Việt Nam đã khiến ông mạnh mẽ kêu gọi Quốc hội ngưng lại việc thông qua Luật Đặc Khu mà theo ông nó sẽ là bàn đạp để Việt Nam nằm gọn trong vòng tay kiểm soát của Trung Quốc. Bức thư ngỏ gửi 496 vị đại biểu Quốc Hội của ông có lẽ là một sản phẩm lạ lùng nhất từ trước tới nay khi ông không rào đón mà thẳng thắn cho rằng:
…“Tôi cũng biết nhiều vị trong số quý vị đang đóng rất nhiều vai: vừa là đại biểu Quốc hội (lập pháp), vừa là thành viên của Chính phủ và đại diện chính quyền các cấp (hành pháp); vừa là đảng viên kiên định với đường lối của chủ nghĩa Mác - Lênin, lại vừa là những "mắc xích ngầm" của nhóm lợi ích trong guồng quay của chủ nghĩa tư bản thân hữu và hoang dã… Vì thế, quý vị sẽ khó vùng vẫy để thoát ra khỏi những mối quan hệ này để bấm nút theo chính kiến và lương tri của mình.”…
Không đề nghị, không yêu sách và không thỏ thẻ, ông ngắn gọn như một tuyên bố thách thức kẻ nào trong số 496 đại biểu ấy dám bấm nút thông qua:
…”Tôi là một người học Sử và đã nghiên cứu lịch sử Việt Nam trong suốt 30 năm qua. Nay, tôi bắt đầu học làm người chép Sử. Tôi nguyện sẽ ghi chép trung thành tất cả những gì mà tôi có thể ghi chép được về giai đoạn lịch sử hiện tại của nước nhà để lưu lại cho đời sau.
Và, một trong những việc đầu tiên mà tôi bắt tay vào việc chép Sử này là tìm mọi cách, mọi phương tiện, mọi kênh thông tin… để biết được vị đại biểu Quốc hội nào bấm nút THÔNG QUA, vị đại biểu nào bấm nút KHÔNG THÔNG QUA “dự luật đặc khu” vào ngày 15/6/2018 để chép lại và lưu truyền cho các thế hệ sau.”
Trần Đức Anh Sơn bị khai trừ đảng là điều dễ hiểu vì vai trò chức trách của ông khá lớn để làm cho Trung Quốc phải nghĩ cách đối phó nếu tiếp tục ý đồ xem Biển Đông là ao nhà và đường lưỡi bò 9 đoạn không thể nào tranh cãi. Nổ lực của Trần Đức Anh Sơn nếu được người dân khắp nơi biết ơn thì ngược lại lãnh đạo sẽ không bao giờ chấp nhận có một đồng chí chống bạn bè mình như thế. Bi kịch đối phó với Trung Quốc tuy xảy ra quá nhiều nhưng công trình dài hơi đầy tâm huyết của một nhà khoa học như TS Trần Đức Anh Sơn càng làm bóng tối che khuất sự thật mỏng đi cho tới ngày ánh sáng tràn vào xóa tan mọi lấp liếm, ngụy tạo và độc đoán của ngày hôm nay.