Nghị sĩ Kamala Harris chính thức phát động tranh cử tổng thố
Bùi Văn Phú
Bạn đọc nếu có thắc mắc, Oakland là ở nơi đâu, xin thưa rằng thành phố Oakland nằm ở vùng Vịnh San Francisco, miền bắc California, là một trong ba thành phố lớn của vùng này, với dân số chỉ kém San Francisco và San Jose.
Oakland nổi tiếng với các đội bóng thể thao, như đội bóng rổ Golden Warriors đã chiếm giải quán quân nước Mỹ nhiều năm gần đây. Ngoài ra còn có đội bóng cà-na Oakland Raiders, đội bóng chầy Oakland A’s cũng một thời vang danh.
Về điểm tối của Oakland, dân số chừng 400 nghìn, trong quá khứ đã có những năm với hơn 100 vụ giết người trong thành phố. Đời sống của cư dân ở đây có nhiều gia đình được xếp vào mức nghèo phải lãnh trợ cấp chính phủ. Trình độ học sinh tại nhiều trường công có điểm khảo sát hàng năm là thấp.
Oakland cũng là một thành phố đa chủng, với da trắng đông nhất chừng 35%, da đen 28%, còn lại là gốc Mỹ Latinh và gốc Châu Á cũng nhiều. Riêng cộng đồng người Việt ở đây có chừng hơn vạn người, với nhiều cửa hàng, văn phòng dịch vụ, có Phòng Thương mại Việt Nam, có những nhà hàng được nhiều người biết đến trong hơn ba thập niên qua như Le Cheval, Ao Sen, Anh Đào; có công ti rác California Waste Solutions của ông David Dương.
Về tổ chức công quyền và lãnh đạo, cư dân đã từng bầu người da đen, da trắng, da nâu, da vàng làm thị trưởng thành phố.
Thập niên 1960 Oakland là nôi sinh của phong trào Black Panthers chống chính phủ Mỹ đối xử bất công với người da đen. Sang thập niên 1990 nơi đây đã đón tiếp Nelson Mandela khi ông vừa được ra khỏi nhà tù ở Nam Phi.
Thành phố cảng này cũng rất được giới lãnh đạo Đảng Dân chủ Hoa Kỳ quan tâm. Nhiều ứng viên tổng thống của đảng này đã đến đây vận động, hay sau khi đắc cử đã ghé thăm cư dân, từ Bernie Sanders, Barack Obama cho đến Hillary Clinton, Bill Clinton, Michael Dukakis.
Hôm Chủ Nhật 27 tháng Một vừa qua, một phụ nữ được sinh ra ở Oakland đã đưa thành phố này vào tâm điểm chính trị nước Mỹ, đó là nữ luật sư và hiện là Thượng Nghị sĩ Kamala Harris, khi bà chính thức phát động chiến dịch tranh cử tổng thống trong một buổi mít-tinh tại quảng trường Frank H. Ogawa, trước toà thị chính Oakland.
Chương trình mít-tinh được ban tổ chức thông báo với truyền thông là người tham dự sẽ được bắt đầu qua cổng kiểm soát an ninh lúc 12 giờ 45 phút.
Tôi lấy tàu điện vì biết sẽ không có chỗ đậu xe quanh khu vực. Xe đến trạm 19th Street lúc gần trưa và hầu hết mọi người đều xuống, chắc cũng đi dự mít-tinh.
Lên Đường Broadway đã thấy rất đông người. Tiến về phiá Đường 14 nơi có toà thị chính thấy một hàng người xếp hàng dài đến Đường 17. Ban tổ chức nói cái đuôi hiện là ở góc Đường Franklin và Đường 20. Chúng tôi kéo nhau về hướng đó, gia nhập vào đoàn người rồng rắn qua cả chục khu phố đứng chờ.
Gần hai giờ sau mới vào được quảng trường Ogawa. Rất đông người, đông hơn những lần tụ họp trước đây với phong trào Occupy Wall Street, Black Lives Matter; với xuống đường phản đối cảnh sát dùng bạo lực, hay lần gặp gỡ với ứng viên Bernie Sanders trong kỳ vận động tranh cử trước.
Mấy phút sau Thượng Nghị sĩ Kamala Harris xuất hiện giữa tiếng vỗ tay reo hò cổ vũ của hơn hai vạn người tham dự.
Thượng Nghị sĩ Kamala Harris mở đầu bài nói chuyện, kể về đời mình từ những ngày mới sinh ra:
“Tôi rất hãnh diện là người con gái của Oakland, California. Như hầu hết các bạn đã biết tôi được sinh ra tại Bệnh viện Kaiser, ở cuối đường kia. Và cách đó vài dặm đường là nơi cha mẹ tôi gặp nhau lầu đầu, trong khi họ là nghiên cứu sinh tại Đại học Berkeley và đã tích cực tham gia vào phong trào đòi dân quyền.
Cha mẹ tôi sinh ra ở hai nơi cách nhau cả nửa vòng trái đất. Cha tôi tên Donald, từ Jamaica đến đây học kinh tế. Mẹ tôi là Shyamala đến từ Ấn Độ để học về khoa chống bệnh tật.
Họ đến đất nước này để tìm kiếm những gì hơn cả kiến thức. Như rất nhiều người khác, cha mẹ tôi đến đây để theo đuổi một ước mơ…”
Rồi bà hồi tưởng lại 30 năm trước, trong những ngày mới vào nghề luật, là một công tố viên trẻ cho quận hạt, làm việc tại toà án Quận hạt Alameda cách đây vài khu phố. Nơi đó, qua những vụ xử án mà bà là đại diện cho “People” – người dân, để truy tố những kẻ phạm luật. Để từ đó có cụm từ mà bà luôn ghi trong tim: “Kamala Harris, for the People” – Kamala Harris, vì dân – mà nay đã thành khẩu hiệu tranh cử tổng thống của bà.
Từ kinh nghiệm đó, năm 2010 bà được bầu chọn làm Attorney General của California, một chức vụ dân cử đứng đầu cơ quan pháp luật tiểu bang. Năm 2016 bà đánh bại Dân biểu Loretta Sanchez, một người cùng Đảng Dân chủ, để trở thành nữ Thượng Nghị sĩ trong Quốc hội Hoa Kỳ.
Xác định mình thuộc về gia đình di dân, có nguồn gốc da mầu, với kiến thức vững chắc về luật pháp, ứng viên tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ Kamala Harris tấn công ngay vào những chính sách đang có của đảng đối lập do Tổng thống Donald Trump lãnh đạo:
“Đồng bào ơi, về chủ đề băng đảng xuyên quốc gia, để tôi nói rõ như thế này: dự án kiểu trung cổ đầy tính tự kiêu của tổng thống sẽ không thể ngăn cản được họ đâu.”
Như gần một chục chính trị gia khác của Đảng Dân chủ, đã tuyên bố ra tranh cử như cựu Bộ trưởng Gia cư và Phát triển Đô thị Julián Castro, Dân biểu Hawaii Tulsi Gabbard, cựu Dân biểu John Daleney của tiểu bang Maryland, Thượng Nghị sĩ Kirsten Gillibrand từ New York; hay đang dò dẫm tranh cử như Thượng Nghị sĩ Elizabeth Warren của tiểu bang Massachusetts, cựu Phó Tổng thống Joe Biden, Thượng Nghị sĩ Bernie Sanders từ tiểu bang Vermont và cả cựu ứng viên tổng thống Hillary Clinton.
Những chỉ trích của các ứng viên Dân chủ đều nhắm vào các chính sách đương thời của Đảng Cộng hòa, từ di dân, giáo dục, y tế đến công việc, quan hệ ngoại giao.
Lý do khiến Thượng Nghị sĩ Harris ra tranh cử là vì bà muốn:
“Một nước Mỹ nơi mà người dân chỉ phải làm một việc để mà có thể đủ chi tiêu, làm việc chăm chỉ sẽ được thưởng và mọi công nhân có thể gia nhập công đoàn…
Tôi ra tranh cử và tuyên bố một lần cho rốt ráo là chăm sóc y tế là một quyền căn bản và chúng tôi sẽ thực hiện điều đó qua chính sách Medicare for All – Chăm sóc y tế cho mọi người…
Giáo dục cũng là một quyền căn bản và chúng tôi bảo đảm quyền đó cho mọi người từ lớp mầm non và vào đại học sinh viên không phải mang nợ.”
Các ứng viên đối lập với Tổng thống Trump cho đến nay mới chỉ đưa ra những chủ trương, đường hướng tổng quát chứ chưa cụ thể những chính sách vạch rõ chi thu như thế nào cho kinh tế phát triển và ngân sách quốc gia được quân bình.
Nhìn chung, Đảng Dân chủ muốn đánh thuế cao hơn nữa với những người có thu nhập bạc triệu trở lên, còn Đảng Cộng hoà chống lại vì cho rằng nếu áp dụng mức thuế quá cao cho những chủ công ti có thu nhập hơn bạc triệu sẽ không giúp họ phát triển cơ sở để tạo thêm công việc, do đó sẽ không giúp được cho phát triển kinh tế.
Thượng Nghị sĩ Kamala Harris đã tạo được sự chú ý, xem như ngôi sao đang lên của Đảng Dân chủ. Đặc biệt là trong những buổi điều trần vào tháng Mười năm ngoái, khi bà chất vấn Chánh án Brett Kavanaugh về những cáo buộc ông đã có những tấn công tình dục trong quá khứ, trước khi Thượng viện biểu quyết chuẩn thuận ông vào Tối cao Pháp viện.
Ngay sau khi chính thức tuyên bố ra tranh cử, Thượng Nghị sĩ Harris đã phải đối mặt với những dư luận liên quan đến đường tình duyên của bà. Ba mươi năm trước, khi vừa tốt nghiệp luật sư, lúc 29 tuổi, bà đã cặp bồ với Chủ tịch Hạ viện California là Dân biểu tiểu bang Willie Brown, lúc đó đã 60 tuổi và đang có gia đình. Dư luận cho rằng qua quan hệ này bà đã được bổ nhiệm làm thành viên có lương trong hai ủy ban của tiểu bang. Thập niên 1990 bà làm việc trong văn phòng công tố viên của Thành phố San Francisco và đến năm 2004 được cư dân bầu chọn làm công tố viên của thành phố này.
Trước nhiều bàn tán quanh sự việc, hôm cuối tuần qua ông Willie Brown đã viết trên báo San Francisco Chronicle xác nhận hai người là nhân tình của nhau và quan hệ đó đã chấm dứt từ năm 1995. Ông Brown cũng cho biết là đã giúp cho sự nghiệp chính trị của bà Kamala Harris đi lên, cũng như ông đã giúp cho các chính trị khác trong vùng như Dân biểu Nancy Pelosi, Thượng Nghị sĩ Dianne Feinstein, Thống đốc Gaven Newsom.
Thượng Nghị sĩ Kamala Harris năm nay 54 tuổi. Bà kết hôn với luật sư Douglas Emhoff năm 2014.
Trong bài nói chuyện tại Oakland, bà nhắc lại lời mẹ dạy:
“Mẹ tôi thường nói: ‘Đừng ngồi than vãn. Hãy làm gì đó’. Căn bản ý bà nói là: Bạn phải đứng lên và đừng bỏ cuộc!”
Sự nghiệp chính trị của Thượng Nghị sĩ Kamala Harris sẽ đi đến đâu? Trước mắt là bà sẽ phải trải qua thử thách ở Iowa, ở New Hampshire trong hai tháng đầu năm tới, trước khi đối mặt với cử tri ở California vào tháng 3/3/2020.
Nếu được đảng đề cử, chắc chắn người con cưng của California sẽ thắng ở tiểu bang quê nhà trong ngày tổng tuyển cử năm 2020 vì vùng đất vàng này đã xanh, nay lại càng xanh hơn sau kỳ bầu chọn vào tháng Mười Một 2018 vừa qua.
Thắng ở California, nhưng để vào được Bạch Ốc còn là một bước đường dài nhiều gian nan thử thách cho Thượng Nghị sĩ Kamala Harris vì cử tri vùng Vịnh San Francisco theo khuynh hướng nghiêng về cánh trái rất xa, rất khác quan điểm với toàn nước Mỹ.