Mỹ muốn ‘đánh giá định kỳ’ cam kết thương mại của Trung Quốc
Hoa Kỳ đang thúc đẩy xem xét thường kỳ đối với những tiến triển của Trung Quốc trong những cải cách thương mại mà họ hứa hẹn như là điều kiện để đạt được thỏa thuận thương mại và có thể dùng đến biện pháp thuế quan một lần nữa nếu Bắc Kinh vi phạm cam kết, theo những nguồn tin nắm rõ về cuộc đàm phán Mỹ-Trung về chiến tranh thương mại.
Mối đe dọa thuế quan treo lơ lửng trên giao thương giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có nghĩa là thỏa thuận đạt được sẽ không chấm dứt nguy cơ đầu tư vào các doanh nghiệp hay tài sản bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại.
“Mối đe dọa thuế quan vẫn chưa mất, ngay cả khi có thỏa thuận,” một nguồn tin nói với Reuters với điều kiện ẩn danh.
Các nhà đàm phán Trung Quốc không hào hứng với ý tưởng kiểm tra sự tuân thủ thường xuyên, nguồn tin này cho biết, nhưng đề xuất của Mỹ ‘không làm chệch hướng các cuộc đàm phán’.
Một nguồn tin của Trung Quốc cho biết phía Mỹ muốn ‘đánh giá định kỳ’ nhưng chưa rõ là thường xuyên đến mức nào.
Kiểm định thường xuyên sẽ là một trong những giải pháp khả dĩ để giải quyết một yêu cầu của Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer là kiểm chứng liên tục bất cứ thỏa thuận thương mại nào giữa hai nước, theo nguồn tin này. Đe dọa áp thuế sẽ được áp dụng để đảm bảo Trung Quốc không đi chệch khỏi cam kết cải cách.
Sự tập trung trở lại vào kiểm định định kỳ trong các cuộc đàm phán hiện tại – giờ đây đi kèm với lời đe dọa áp thuế - cho thấy sự mất lòng tin ngày càng tăng giữa hai nước.
Quá trình thực thi và kiểm chứng là điều bất thường trong các thỏa thuận thương mại và chỉ thấy trong quy trình xung quanh các lệnh trừng phạt kinh tế như lệnh cấm vận Bắc Triều Tiên và Iran.
Chính quyền Trump cáo buộc Trung Quốc liên tục không thi hành những cam kết trước đây là thực hiện những cải cách mà phía Mỹ đòi hỏi.
Washington thường viện dẫn những khó khăn mà các nhà phát hành thẻ thanh toán nước ngoài gặp phải khi vào thị trường Trung Quốc bất chấp một phán quyết của WTO hồi năm 2012 rằng Bắc Kinh phân biệt đối xử đối với họ.
Một nguồn tin khác cho biết có khả năng những thỏa thuận riêng trên những vấn đề khác nhau, từ ép buộc chuyển giao công nghệ, ăn cắp sở hữu trí tuệ cho đến thay đổi trong hệ thống pháp lý, sẽ cần có những quy trình kiểm chứng khác nhau và tất cả đều được các nhà đàm phán soạn thảo ra.
“Thách thức về kiểm chứng và thực thi xuất phát từ thực tế rằng Trung Quốc đã đưa ra những hứa hẹn mà họ không giữ lời,” nguồn tin này cho biết.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Trung Quốc, sẽ đến Washington vào cuối tháng này để tham dự vòng đàm phán kế tiếp với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và ông Robert Lighthizer.