Liên Hiệp Quốc đang xem xét nghị quyết về Myanmar
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đang xem xét hành động để đưa Myanmar quay trở lại hợp tác với Liên Hiệp Quốc để giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn Rohingya mặc dù cho đến nay cả Nga và Trung Quốc đều tẩy chay các cuộc thảo luận về một nghị quyết do Anh soạn thảo, các nhà ngoại giao cho biết hôm 17/12.
Bản dự thảo nghị quyết này nhằm để đưa ra thời gian biểu cho Myanmar để cho phép hơn 700.000 người tị nạn Hồi giáo Rohingya từ nước láng giềng Bangladesh trở về và giải quyết vấn đề giải trình, các nhà ngoại giao nói với điều kiện giấu tên.
Kể từ tháng Tám năm ngoái, người Rohingya đã bỏ chạy ồ ạt khỏi bang Rakhine của Myanmar khi các cuộc tấn công của phiến quân Rohingya vào các đồn an ninh đã kích hoạt một cuộc đàn áp quân sự vốn bị Liên Hiệp Quốc và các nước phương Tây gọi là ‘thanh lọc sắc tộc’.
Myanmar đã bác bỏ các cáo buộc về thanh lọc sắc tộc.
Bản dự thảo nghị quyết này sẽ cảnh báo rằng Hội đồng Bảo an sẽ có thêm hành động, bao gồm cả cấm vận nếu Myanmar không có đủ tiến bộ, các nhà ngoại giao cho biết. Nghị quyết này cũng yêu cầu các quan chức Liên Hiệp Quốc báo cáo thường xuyên cho Hội đồng Bảo an về tình hình của Myanmar.
Hiện chưa rõ khi nào thì dự thảo nghị quyết này sẽ được đưa ra bỏ phiếu. Để được thông qua nó cần hội đủ ít nhất 9 phiếu trong số 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an mà không bị bất cứ nước thành viên thường trực nào, bao gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Mỹ, phủ quyết.
“Tôi cho rằng nghị quyết đó không phù hợp, không đúng lúc và vô dụng,” Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia nói với Reuters hôm 17/12.
Bản dự thảo này đã được truyền đến các thành viên Hội đồng Bảo an hồi tháng trước và các nhà ngoại giao cho biết đã có vài vòng thảo luận được tổ chức. Nga và Trung Quốc đã tham dự các phiên họp ban đầu nhưng sau đó không tham gia các phiên thảo luận tiếp theo, các nhà ngoại giao cho hay.
Nghị quyết này yêu cầu chính phủ Myanmar thực hiện bản ghi nhớ với các cơ quan phát triển và tị nạn của Liên Hiệp Quốc mà chính phủ Myanmar ký hồi tháng Sáu cũng như các khuyến nghị do Ủy ban Tư vấn Rakhine do cựu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan dẫn đầu đưa ra.
Dự thảo nghị quyết này không kêu gọi đưa vấn đề của Myanmar ra Tòa Hình sự Quốc tế, các nhà ngoại giao nói.