Page 1 of 1

Thống đốc NHNN: Sử dụng nhân dân tệ ở biên giới không vi hiế

PostPosted: Thu Nov 01, 2018 12:42 pm
by NewsReporter
VOA - Economy


Giữa những phản ứng trái chiều từ dư luận về việc cho phép lưu hành đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc tại các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng hôm 1/11 khẳng định rằng quy định này là hợp pháp.


Thông tư 19/2018 do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành ngày 28/8 cho phép sử dụng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trong hoạt động thương mại tại khu vực biên giới hai nước Việt-Trung. Theo quyết định này, việc thanh toán bằng đồng tiền của Trung Quốc ở các tỉnh biên giới phía bắc sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 12/10.


Đầu tháng 9, hàng trăm trí thức Việt Nam đã đồng loạt ký tên vào một tuyên bố phản đối quyết định của NHNN vì họ cho là vi hiến và ảnh hưởng đến an ninh kinh tế.


Ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết chính phủ sẽ xem xét lại thông tư cho sử dụng đồng tiền của Trung Quốc ở biên giới. Bà Ngân nói tại một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 13/9 rằng cần phải trả lời câu hỏi “Liệu có vi hiến?” mà dư luận trong và ngoài nước đưa ra và yêu cầu Thống đốc NHNN phải trực tiếp chỉ đạo việc này.


Tuy nhiên, thông tư của NHNN vẫn có hiệu lực từ ngày 12/10 theo đúng kế hoạch.


Thông tư 19 của NHNN “tuân thủ đầy đủ các quy định của hiến pháp, Luật ngân hàng nhà nước và pháp lệnh ngoại hối,” người đứng đầu NHNN nói khi trả lời câu hỏi của một đại biểu Quốc hội hôm 1/11 rằng liệu Thông tư này có vi phạm hiến pháp không khi Hiến pháp Việt Nam chỉ coi tiền đồng là tiền thanh toán.


Viện dẫn pháp lệnh ngoại hối, ông Hưng nói rằng “có những quy định cho phép sử dụng ngoại tệ trong một số giao dịch,” theo cổng thông tin Chính phủ Việt Nam.


“Điều 26 Pháp lệnh ngoại hối cho phép sử dụng đồng tiền của nước có chung đường biên giới thực hiện theo điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết,” Thống đốc NHNN nói trong phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội khóa 14 đang diễn ra tại Hà Nội.


Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh lo ngại về việc kiểm soát và giới hạn trong việc sử dụng nhân dân tệ ở Việt Nam trong bối cảnh các hoạt động thương mại ngày càng tăng giữa hai nước.


“Trung Quốc là nước láng giềng của Việt Nam có chung biên giới 1.300km và hiện nay thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc và [Việt Nam] cũng nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc," nguyên viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương nói." Tôi lo ngại rằng với mức độ hàng hóa và thương lái Trung Quốc đi sâu vào Việt Nam, thậm chí vào đồng bằng sông Cửu Long, và mua của người dân Việt Nam các nông sản, thủy sản thì không rõ là việc lưu hành đồng nhân dân tệ sẽ được hạn chế như thế nào. Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc gắn liền với lượng hàng hóa và lượng thương lái của Trung Quốc thâm nhập vào Việt Nam mà chúng ta cho đến nay chưa kiểm soát được.”


Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á khi kim ngạch thương mại trung bình hàng tháng giữa Việt Nam và Trung Quốc đã lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua con số 10 tỷ USD trong năm nay, theo thông tin từ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đưa ra hôm 26/7.


Cùng có mối lo ngại về việc cho phép lưu hành đồng nhân dân tệ, Tiến sỹ kinh tế Nguyễn Quang A hồi tháng 9 cho rằng thông tư mới của NHNN còn nhiều điều quá mập mờ có thể ảnh hưởng tới chủ quyền tiền tệ của Việt Nam cũng như tạo tiền lệ nguy hiểm về sự tồn tại mặc nhiên hai đơn vị tiền tệ song hành trên lãnh thổ quốc gia.


Việt Nam cho rằng việc cho phép sử dụng tiền Trung Quốc trong giao thương tại khu vực biên giới như nêu trong Thông tư 19/2018 là “góp phần hoàn thiện chính sách thanh toán biên mậu, thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới giữa hai nước Việt-Trung ngày càng phát triển.”


Việt Nam có bảy tỉnh giáp biên giới với Trung Quốc, bao gồm Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng và Điện Biên.