Page 1 of 1

Tình thương và tương lai

PostPosted: Thu Oct 18, 2018 9:22 am
by NewsReporter
VOA - Economy


Lời ngỏ: Tôi viết xong bài này cách đây gần một tuần. Chưa kịp phổ biến thì hôm nay được nghe tin Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã được trả tự do và đã cùng hai con chị Nấm và Gấu và mẹ Nguyễn Thị Tuyết Lan đến Hoa Kỳ. Tình thương yêu và sự bền tâm vững chí của bốn thế hệ gia đình này làm cho tôi cảm động và ngưỡng phục. Xin chào mừng gia đình Như Quỳnh và bà Tuyết Lan được đến một quốc gia biểu tượng cho tự do. Tôi mong rằng một ngày không xa không một công dân nào phải rời quê mình vì sự sai trái của chế độ cầm quyền. Tôi luôn tin rằng tình thương yêu của cha mẹ và sự tin tưởng và hỗ trợ của bậc cha mẹ vào các việc làm của con mình là một động lực mạnh mẽ giúp cho họ thành công. Các nghiên cứu tâm lý tán thành kết luận như thế.


Cha mẹ nào không thương con, không muốn con mình được an toàn, được vui khỏe, thành tài, và hạnh phúc! Cha mẹ nuôi con với nhịp tim đập cùng con như thế, vui với từng nụ cười và buồn với từng tiếng khóc.


Tôi tin rằng cha mẹ của Phạm Kim Khánh, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh hay Trần Huỳnh Duy Thức, hay của bao nhiêu tù nhân lương tâm khác đang bị ngược đãi tại Việt Nam, không ngày nào là không nghĩ tới con; không giờ phút nào là không nghĩ con mình ra sao, còn sống không, hôm nay có bị ngược đãi, ép cung không, hôm nay có bệnh tình gì không?!?!?! Tuyệt thực nhiều lần và lâu ngày như anh Duy Thức, với tinh thần quyết tâm là vũ khí duy nhất để chống chọi với cả một hệ thống tùy tiện và bạo lực, thì sự sống quả thật mỏng manh, như ngọn đèn hắt hiu trước gió. Thương yêu con mình bao nhiêu thì nỗi đau và âu lo cũng bấy nhiêu khi biết con mình bị hành hạ, bị ngược đãi như thế.


Còn làm phận con thì, vì thương cha mẹ, tất nhiên cũng không muốn cha mẹ lo lắng cho mình. Cha mẹ mình khổ đủ rồi khi cả đời tận tụy để nuôi nấng mình. Đâu ai muốn cha mẹ phải tiếp tục khổ sở khi mình đã trưởng thành, đã tự lập rồi.


Có lẽ đây là điều khổ tâm nhất đối với những tù nhân lương tâm và nhà hoạt động tại Việt Nam. Nếu có hề gì thì cả gia đình họ bị liên lụy, bị cô lập, bị bao vây kinh tế, bị đánh đòn tâm lý, nhất là bị đe dọa mọi mặt, kể cả khủng bố tinh thần. Một mình họ khổ thôi thì có thể vượt qua được, chứ để cha mẹ hay chồng/vợ con khổ thì xót xa, thì rất khổ tâm!


Mới đây, một đoạn thư ngắn (Post chia sẻ trên facebook) của bạn Trương Thị Hà, viết cho mẹ vào ngày 24 tháng 9, nói đầy đủ ý nghĩa về tâm trạng này, như sau:


“Con biết con quan tâm chính trị, mẹ không vui và lo lắng cho con. Con cũng chỉ muốn làm một người con bình thường, được ăn cơm mẹ nấu và được nhổ tóc sâu cho mẹ mỗi ngày. Nhưng ai cũng chỉ được sống một lần. Mẹ nên cho con được làm những gì con muốn. Con yêu mẹ, yêu gia đình mình. Nhưng con cũng thương quê hương Việt Nam và nghĩ đến tương lai của con cháu con sau này. Nên con không thể dành trọn thời gian cho gia đình mình được. Mẹ hãy hiểu và đừng buồn nữa.


Lại một mùa trung thu xa nhà. Con nhớ mẹ.”


Trong các cuộc biểu tình rầm rộ khắp nước chống lại luật Đặc Khu và Luật An ninh Mạng vào tháng 6 năm nay, Hà đã tích cực tham gia và giương cao các khẩu hiệu như “Cho Trung Quốc Thuê Đặc Khu Là Bán Nước”, hay “Tôi Phản Đối”… Hà đã bị đánh đập tàn nhẫn, cùng với bao người khác. Bạn của Hà cũng bị đánh đập đến độ ho ra máu. Bạn của Hà, Phạm Kim Khánh, thì còn đến 5 năm nữa mới ra khỏi tù, chưa kể 4 năm quản chế sau đó.


Tình yêu của Hà đối với mẹ và Kim Khánh tràn đầy nên Hà không còn chỗ cho sợ nữa chăng!


Điều rõ ràng là những tù nhân lương tâm và những nhà hoạt động nào có được sự hỗ trợ của gia đình và mạng lưới hỗ trợ, nhất là của cha mẹ hay/và vợ hoặc chồng và con cái, thì tinh thần của họ khá vững vàn. Đó là điểm tựa tinh thần và là niềm an ủi vô cùng cần thiết đối với họ, đặc biệt trong những lúc thể xác bị ngược đãi và tinh thần bị giao động. Có được chỗ dựa này, họ có thể vượt qua được nhiều thử thách. Những người như Kim Khánh, Như Quỳnh và Duy Thức đều hiểu rất rõ rằng không ai có thể tướt đoạt hay bỏ tù được tư tưởng tự do của họ hay các tù nhân lương tâm khác, dù có nhốt thể xác họ trong tù; dù có giết họ đi nữa, tư tưởng đó cũng sẽ truyền sang người khác, có khi còn mạnh mẽ hơn nữa.


Mới đây tôi có dịp được nghe một số bạn sinh viên Việt Nam du học tại Úc trao đổi nhau về điều này. Bao nhiêu bạn thấy rõ những vấn đề của đất nước, thấy rõ sự thối nát toàn diện của chế độ cầm quyền, thấy rõ một tương lai phải cần có những thay đổi sâu sắc, nên muốn làm điều gì đó. Tuy nhiên phần lớn họ chùng bước trong lúc này, chưa dám mạnh mẽ dấn thân, chủ yếu vì gia đình, vì cha mẹ. Họ khẳng định gia đình là cản trở lớn nhất hiện nay.


Có phải đó là một trong các nguyên do chính cản trở sự thay đổi của Việt Nam hôm nay?


Tương lai của mọi quốc gia phụ thuộc vào giới trẻ. Một ngày nào đó sẽ đến phiên họ. Họ sẽ lãnh đạo đất nước, và sẽ lấy những quyết định khó khăn. Không chuẩn bị bây giờ, và không có đủ hành trang, các bạn lấy gì để đóng góp, cống hiến!!! Ở các xã hội Tây phương, sự chuẩn bị đó bắt đầu từ nhỏ, từ nền giáo dục mầm non, để các em khi trưởng thành có kiến thức, có tri thức, có tầm nhìn, có hành vi đúng đắn, có nguyên tắc và giá trị nền tảng để thăng tiến và để góp phần xây dựng cho đất nước và con người ngày càng tiến bộ văn minh hơn. Khi các em là người trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên, nhưng thật ra trước đó cũng vậy), tiếng nói của các em được khuyến khích, lắng nghe và trân trọng như mọi tiếng nói của lý lẽ và lương tri khác, không hề phân biệt tuổi tác hay vì lý do gì khác.


Việt Nam rất cần các yếu tố này. Các nhà hoạt động tại Việt Nam hiện nay, nhất là các bạn trẻ, nếu được gia đình được cha mẹ hỗ trợ, thì họ chắc chắn sẽ dấn thân hơn. Clay Pham, người đạo diễn trẻ của cuốn phim ngắn Mẹ Vắng Nhà, chia sẻ trong bức thư gửi mới nhất cho Như Quỳnh rằng trong khi Như Quỳnh sống trong nhà tù nhỏ thì Clay đang sống chui rúc trong nhà tù lớn, như đang “tị nạn” trên chính quê hương mình. Tuy thế, Clay hiểu rất rõ cái giá phải trả khi làm phim này, và khẳng định rằng đó là việc đáng làm nhất trong cả tuổi trẻ của mình. Lúc đầu mẹ của Clay vô cùng lo lắng khi biết con mình phải sống chui lủi như tội phạm, trước bao dư luận ác ý và bao áp lực từ chế độ. Tuy thế, Clay vững tin vì biết rằng mẹ mình thương yêu và tin tưởng mình, và mẹ Clay vững tin rằng con mình không làm điều gì sai cả. Nếu vậy thì chẳng có gì cản trở được sức mạnh tinh thần này!


Điều thế hệ trẻ hôm nay cần trên hết là tin tưởng và tình thương, không phải nỗi sợ. Tình thương, qua hành động cụ thể, bằng ngôn từ thương yêu, là sức mạnh vô biên để giúp vượt sợ vượt khó. Đối diện với nhóm khủng bố Taliban tại Pakistan, một đe dọa sống còn có thực và thường trực, cô bé đã bất chấp mọi hiểm nguy để tranh đấu quyền được giáo dục cho các bạn nữ giống mình. Cô đã bị bắn vào đầu, nhưng rất may được cứu sống. Năm 2014 Malala Yousafzai được giải thưởng Nobel Hòa bình lúc cô chỉ 17 tuổi, người trẻ nhất từ trước đến nay. Người khuyến khích động viên tinh thần cô nhiều nhất chính là cha (mẹ) cô.


Không ai muốn trở thành người con bất hiếu đối với cha mẹ mình. Nhưng một khi họ đã thấy được ánh sáng văn minh, thấy được con đường mình cần đi, thấy được công việc mình cần làm, thì họ sẽ quyết tâm bằng mọi cách. Khó có ai có thể cản trở những trái tim nhiệt huyết và tinh thần dấn thân này, ngoại trừ, một phần nào đó, cha mẹ mình. Còn khi đã được cha mẹ khuyến khích hỗ trợ, ngay từ nhỏ, thì ý chí và nghị lực như đã được ấp ủ bảo bọc để một ngày nào đó đơm hoa kết trái.


Tương lai thuộc về tuổi trẻ. Mỗi thế hệ phải tự tìm lấy dũng cảm, trí tuệ và tình thương để làm hành trang cho lý tưởng của mình. Các bạn phải tự lấy các quyết định khó khăn khi thời điểm và thử thách đến với họ. Cha mẹ, dù thương con bao nhiêu, cũng không thể sống dùm cho con mình và quyết định dùm cho con mình. Chúng ta chỉ có thể hối tiếc những gì mình chưa làm (được), chứ không thể hối tiếc những gì thuộc về người khác. Điều chúng ta có thể làm hiện nay, vì tình yêu thương thật sự, và vì tương lai của con em mình, và của đất nước và dân tộc, là tin tưởng nơi khối óc, tấm lòng và giấc mơ của các em. Các bạn sẽ đóng một vai trò tích cực cho một lịch sử cần sang trang. Nếu được tình thương và hỗ trợ cụ thể, như niềm tin mãnh liệt của cha hoặc/và mẹ của Kim Khánh, Như Quỳnh và Duy Thức rằng con cháu mình đã làm những điều đúng đắn và công ích, thì tư duy đó không những chuyển hóa họ mà còn cả một xã hội rộng lớn. Các bạn có công chứ không có tội, và lịch sử sẽ ghi chép điều này. Chúng ta cần, nên và sẽ hãnh diện về vai trò của họ. Nhất là lúc này.


(Úc Châu, viết xong ngày 13 tháng 10 năm 2018)