Page 1 of 1

Mỹ hỗ trợ sáng kiến ‘Chí’ ở Việt Nam

PostPosted: Sun Sep 09, 2018 11:02 am
by NewsReporter
VOA - Economy


Một cơ quan của chính phủ Mỹ mới chính thức khởi động giai đoạn 3 của sáng kiến “Chí” với mục đích giảm nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác tại Việt Nam.


“Chí” hay “Sức tại Chí” là một sáng kiến truyền thông xã hội với mục đích giảm thay đổi hành vi sử dụng sừng tê giác nhằm thể hiện đẳng cấp của người sử dụng.


Với sự hỗ trợ của Chương trình Động thực vật hoang dã Châu Á của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), sáng kiến trên được kỳ vọng sẽ tiếp tục góp phần giảm nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác ở Việt Nam.


“Chính phủ Mỹ cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với các quốc gia trên toàn thế giới nhằm chống lại tội phạm động thực vật hoang dã và chấm dứt tiêu thụ các sản phẩm bất hợp pháp từ động vật hoang dã”, ông Craig Hart, Quyền Giám đốc USAID tại Việt Nam, phát biểu cuối tháng trước.


Quan chức Mỹ và chuyện ‘ngà voi của ông Lê Khả Phiêu’


Theo USAID, nhu cầu sử dụng sừng tê giác tại các quốc gia Châu Á, trong đó có Việt Nam, “là nguyên nhân gia tăng tình trạng săn bắn trái phép tê giác tại Châu Phi và đẩy nhiều loài tê giác đến nguy cơ tuyệt chủng”.


Cơ quan này đánh giá rằng chính phủ Việt Nam đã có những bước tiến dài trong nỗ lực ngăn chặn tội phạm liên quan tới động vật hoang dã, trong đó có việc ban hành Bộ Luật Hình sự mới với các quy định tăng nặng mức hình phạt đối với các hành vi sở hữu và buôn bán các loài động vật hoang dã và các sản phẩm từ chúng.


Tuy nhiên, theo USAID, Việt Nam vẫn đang được xem là thị trường “nóng” trong việc trung chuyển và tiêu thụ sừng tê giác mà nhiều người Việt vẫn coi là có thể chữa bách bệnh, kể cả ung thư.




Theo USAID, nhu cầu sử dụng sừng tê giác tại các quốc gia Châu Á, trong đó có Việt Nam, “là nguyên nhân gia tăng tình trạng săn bắn trái phép tê giác tại Châu Phi.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia quốc tế bấy lâu nay khẳng định rằng sừng tê giác không phải “thần dược”, mà nó chỉ có thành phần giống móng tay người, nên không có các công dụng như được quảng bá.


Theo quan sát của phóng viên VOA tiếng Việt, báo chí trong nước thời gian qua vẫn đăng tải nhiều bài viết về việc buôn lậu sừng tê giác.


Có thể thấy những hàng tít như: “Sừng tê giác trăm triệu đồng/lạng, nanh hổ nhiều như nấm, hàng cấm đại gia thích vẫn có” hay “Phạt tù cựu cán bộ hải quan TP. Hà Nội ‘rút ruột’ ngà voi và sừng tê giác bán lấy tiền cá độ bóng đá”.


Bà Sarah Ferguson, Trưởng Đại diện Tổ chức giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã TRAFFIC tại Việt Nam, nói rằng với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, “chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu và tìm kiếm những giải pháp truyền thông thay đổi hành vi sáng tạo hơn để tiếp tục giảm thiểu nhu cầu sử dụng động vật hoang dã tại Việt Nam”.


Chương trình Động vật hoang dã Châu Á của USAID “hỗ trợ các giải pháp phòng chống tội phạm buôn bán động vật hoang dã xuyên biên giới”, “với mục tiêu giảm nhu cầu sử dụng các bộ phận và sản phẩm từ động vật hoang dã; tăng cường năng lực thực thi pháp luật; nâng cao kiến thức luật pháp và các nghiên cứu về luật; cũng như đẩy mạnh hợp tác khu vực nhằm giảm bớt tội phạm buôn bán động vật hoang dã tại Đông Nam Á, cụ thể là tại các quốc gia Campuchia, Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Việt Nam”.




Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink hồi tháng Năm kêu gọi Việt Nam phối hợp với Mỹ để chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã.

Hồi tháng Năm, USAID và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã khởi động dự án phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã với ngân sách gần 10 triệu đôla.


“Dự án Phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã do USAID tài trợ không chỉ là cam kết giữa chính phủ hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ mà nó còn kết nối với nỗ lực của các tổ chức khác trong và ngoài Việt Nam có tham gia phòng chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã. Chỉ bằng cách phối hợp cùng nhau chúng ta mới có thể giải quyết được vấn đề toàn cầu này,” Đại sứ Daniel Kritenbrink phát biểu.


Theo USAID, dự án hỗ trợ chính phủ Việt Nam phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã thông qua ba mục tiêu tích hợp và bổ trợ lẫn nhau: Kiện toàn hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường thực thi pháp luật, truy tố tội phạm; và giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm bất hợp pháp từ động, thực vật hoang dã.


Theo tìm hiểu của VOA tiếng Việt, dự án tập trung vào các loài tê giác, voi và tê tê và các khu vực địa lý trọng điểm bao gồm các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, cũng như tại các “điểm nóng” về buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã như vùng biên giới, hải cảng và sân bay.