Hai miền Triều Tiên hội đàm về an ninh quân sự
Cuộc đàm phán quân sự giữa Triều Tiên và Hàn Quốc hôm 31/7 tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm đã giúp xây dựng lòng tin giữa hai miền, nhưng chưa đi đến một biện pháp cụ thể nào để cắt giảm binh sĩ và vũ khí ở khu vực biên giới.
Các nhà lãnh đạo quân đội hai bên đã thảo luận biện pháp thực hiện các khía cạnh liên quan đến an ninh của thỏa thuận thượng đỉnh liên Tiên nhằm giảm căng thẳng khu vực biên giới và “chấm dứt tất cả các hành vi thù địch chống lại nhau.”
Hai bên đã trao đổi quan điểm về việc có thể làm giảm số lượng lực lượng quân sự và vũ khí trong khu phi quân sự DMZ và tiến hành một cuộc khai quật chung tại khu vực biên giới tìm kiếm hài cốt của người lính đã thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên.
Vào tháng 4, Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã đồng ý chuyển đổi khu DMZ, rộng 4 km dài 250 km, và Đường giới hạn phía Bắc kéo dài ra tới biển, thành Vùng hòa bình để ngăn chặn các cuộc đụng độ quân sự ngẫu nhiên.
Tuy nhiên, tại cuộc họp hôm 1/8, hai bên đã không thể đạt được một thỏa thuận để ra một tuyên bố chung về vấn đề chuyển đổi này.
Tướng Kim Do-gyun, người phụ trách chính sách Triều Tiên tại Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, đồng thời trưởng phái đoàn đàm phán, cho biết các cuộc đàm phán hôm 31/7 có ý nghĩa trong việc “tạo ra sự hiểu biết” theo hướng nhằm thực hiện thỏa thuận hội nghị thượng đỉnh.
Ông Ahn Ik-san, trưởng phái đoàn quân sự Triều Tiên cho biết cả hai bên đều nhất trí về “một số vấn đề” nhưng ông không nêu chi tiết.
Về mặt các biện pháp cụ thể cần được thực hiện, Tướng Kim Do-gyun cho biết hai bên đã nhất trí việc rút các đồn bảo vệ trên cơ sở thí điểm trong Khu vực chung (JSA), một khu vực đặc biệt căng thẳng của DMZ, nơi các lực lượng quân sự hai miền đối mặt nhau.
Việc tăng cường hợp tác giữa hai miền nhằm giảm căng thẳng qua biên giới và cải thiện quan hệ hai bên cũng gắn liền với các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên mà dường như đã bị trì hoãn sau Hội nghị thượng đỉnh Singapore vào tháng 6 giữa lãnh tụ Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Washington và Bình Nhưỡng vẫn còn bất đồng với nhau về việc Washington yêu cầu Bình Nhưỡng giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân và việc Triều Tiên kêu gọi giảm nhẹ biện pháp trừng phạt.