Lập pháp Mỹ loại điều khoản chế tài công ty TQ khỏi dự luật
Các nhà lập pháp Mỹ đã loại các biện pháp khỏi một dự luật quốc phòng mà lẽ ra sẽ khôi phục các chế tài nhắm vào công ty viễn thông ZTE (Trung Hưng) của Trung Quốc, từ bỏ nỗ lực trừng phạt công ty này vì vận chuyển trái phép các sản phẩm của Mỹ sang Iran và Triều Tiên.
Các nhà lập pháp từ cả hai đảng đã bất đồng với Tổng thống Donald Trump về quyết định của ông hồi tuần trước dỡ bỏ lệnh cấm trước đó đối với các công ty Mỹ bán hàng cho ZTE, cho phép công ty viễn thông lớn thứ hai này của Trung Quốc tiếp tục kinh doanh.
Một sửa đổi được hai thượng nghị sĩ Cộng hòa và hai thượng nghị sĩ Dân chủ ủng hộ lẽ ra sẽ khôi phục các chế tài nhưng đã bị loại khỏi một dự luật chính sách quốc phòng cần phải được thông qua, các nhà lập pháp cho biết hôm thứ Sáu.
Sự thay đổi này được đưa ra trong lúc các nhà lập pháp tìm cách dung hòa các khác biệt giữa hai phiên bản của Đạo luật Chuẩn chi Ngân sách Quốc phòng. Đạo luật này cấp kinh phí cho những chi tiêu quân sự của Mỹ nhưng thường được sử dụng như một phương tiện cho một loạt các vấn đề chính sách.
Biện pháp nhắm vào ZTE được đồng bảo trợ bởi hai thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio và Tom Cotton và hai thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Van Hollen và Chuck Schumer, nhân vật cao cấp nhất của phe Dân chủ trong Thượng viện.
Ông Schumer nói trong một thông cáo rằng ông phản đối việc loại bỏ điều khoản này.
"Bằng việc loại bỏ điều khoản chế tài ZTE của Thượng viện khỏi dự luật quốc phòng, Tổng thống Trump - và phe Cộng hòa Quốc hội hành động theo chỉ thị của ông - một lần nữa nhường phần thắng lớn cho Chủ tịch Tập và chính phủ Trung Quốc."
Ông Rubio gọi sự thay đổi này là "tin xấu" trong một dòng tweet, than phiền rằng nó làm gia tăng cơ hội để ZTE tiếp tục hoạt động.
Ông Van Hollen thì chỉ trích các nhà lãnh đạo Cộng hòa vì từ chối hậu thuẫn các biện pháp này.
ZTE đã đưa ra những tuyên bố sai lạc về việc kỉ luật 35 nhân viên liên quan đến việc vận chuyển trái phép hàng hóa có xuất xứ từ Mỹ sang Iran và Triều Tiên, các quan chức Bộ Thương mại Mỹ cho biết. Việc này đã dẫn tới lệnh cấm của bộ vào tháng 4 buộc các công ty của Mỹ ngừng bán các linh kiện của Mỹ cho ZTE để sản xuất điện thoại thông minh và các thiết bị nối mạng của họ. Không có những hàng hóa này, ZTE phần lớn đã ngừng các hoạt động chính.
Bộ Thương mại đã bỏ lệnh cấm trên ZTE vào giữa tháng 7, ngay sau khi công ty này nộp 400 triệu đôla vào tài khoản ngân hàng của Mỹ như một phần trong thỏa thuận dàn xếp đạt được vào tháng trước. Thỏa thuận dàn xếp cũng bao gồm khoản tiền phạt 1 tỉ đôla mà ZTE đã trả vào tháng 6.