Quan chức hàng đầu của Liên Hiệp Quốc đặc trách vấn đề nhân quyền hôm 18/6 kêu gọi Hoa Kỳ chấm dứt chính sách tách riêng trẻ em với cha mẹ di dân đã nhập cảnh Hoa Kỳ bất hợp pháp từ Mexico, nói rằng đây là một chính sách không thể chấp nhận.
Các giới chức Mỹ hôm thứ Sáu cho biết trong thòi gian từ trung tuần tháng Tư tới cuối tháng 5, gần 2000 trẻ em đã bị tách khỏi những người lớn trong gia đình tại biên giới, bởi vì cha mẹ những đứa trẻ này là di dân nhập cảnh không có giấy tờ hợp lệ, qua ngã Mexico.
“Ý tưởng của bất kỳ nhà nước nào toan tính răn đe các bậc cha mẹ bằng cách ngược đãi trẻ em như vậy là trái với lương tâm, đạo đức. Tôi kêu gọi Hoa Kỳ hãy lập tức ngưng chỉ lối hành xử đó, dùng vũ lực để tách trẻ ra khỏi cha mẹ chúng.”
Lên tiếng trong bài diễn văn cuối cùng của ông trước khi chấm dứt nhiệm kỳ, Cao Ủy LHQ đặc trách nhân quyền Zeid Ra’ad al-Hussein nói:
“Ý tưởng của bất kỳ nhà nước nào toan tính răn đe các bậc cha mẹ bằng cách ngược đãi trẻ em như vậy là trái với lương tâm, đạo đức. Tôi kêu gọi Hoa Kỳ hãy lập tức ngưng chỉ lối hành xử đó, dùng vũ lực để tách trẻ ra khỏi cha mẹ các em.”
Người dẫn đầu phái đoàn Mỹ là nhà ngoại giao Jason Mack. Reuters tường thuật rằng chưa có phản ứng nào từ phái đoàn Mỹ có mặt trong phòng họp, sau phát biểu của ông Zeid.
Hãng tin này dẫn lời các nhà hoạt động và một số chính khách hôm thứ Năm nói rằng các cuộc thảo luận với Hoa Kỳ vè những cải cách Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc không đáp ứng những đòi hỏi của Hoa Kỳ, đặc biệt về cách đối xử giành cho Israel, cho thấy chính quyền của Tổng thống Trump có khả năng rời bỏ diễn đàn này.
Về những vấn đề khác, ông Zeid nhắc tới những vụ vi phạm nhân quyền “kéo dài, nghiêm trọng và có hệ thống vẫn tiếp diễn ở Bắc Hàn”. Ông kêu gọi Bình nhưỡng hợp tác với các nhà điều tra nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Ngoài ra, ông Zeid đơn cử các dấu hiệu rõ rệt về “những vụ tấn công có tổ chức, xảy ra trên diện rộng và có hệ thống” nhắm vào người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar, giữa lúc xung đột leo thang tại bang Kachin và bang Shan.
Những vụ tấn công này, theo Cao Ủy nhân quyền LHQ, “gộp chung lại có thể cấu thành hành động diệt chủng”.
Theo ông Zeid, các cố gắng của chính quyền Myanmar nhằm truy tố các hung thủ “không đáng tin cậy”, và cần có các giám sát viên về nhân quyền tại hiện trường trước khi người tị nạn Rohingya trở về nước từ Bangladesh.
Cao ủy Nhân quyền Zeid còn tố cáo Trung Quốc là ngăn chặn các nhà hoạt động độc lập ra làm chứng trước các ủy ban nhân quyền Liên Hiệp Quốc, ông bày tỏ quan tâm về những điều kiện đang “xấu đi nhanh chóng” tại các khu tự trị Tây Tạng và Tân Cương.
Nhiệm kỳ 4 năm của ông Zeid sẽ chấm dứt vào cuối tháng 8 năm nay. Ông nói văn phòng của ông cam kết sẽ thực hiện nhiệm vụ to lớn được giao phó. Mọi người đồng loạt đứng dậy vỗ tay hoan nghênh sau phát biểu của ông.