Page 1 of 1

Việt Nam phản đối Trung Quốc đưa máy bay ném bom ra Hoàng Sa

PostPosted: Mon May 21, 2018 5:37 pm
by NewsReporter
VOA - Economy


Việc Trung Quốc triển khai máy bay ném bom H-6K để tham gia hoạt động huấn luyện tại các đảo và bãi đá trên Biển Đông hồi tuần trước đã “làm gia tăng căng thẳng, gây mất ổn định khu vực và không có ích cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác trên Biển Đông’, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng hôm thứ Hai ngày 21/5.


Ngoài ra, hoạt động gần đây của máy bay ném bom chiến lược Trung Quốc tại Quần đảo Hoàng Sa đã “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam”, nữ phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng được hãng tin Reuters dẫn lời nói.


“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt những hoạt động này, ngưng quân sự hóa khu vực và nghiêm túc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa,” bà Hằng nói thêm.


Bà Hằng nói sự hiện diện của máy bay ném bom trong khu vực đã gây tác động bất lợi cho các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC).


Trung Quốc hộm thứ Sáu ngày 18/5 đã lần đầu tiên đưa một vài máy bay chiến đấu – bao gồm máy bay tầm xa và có khả năng tấn công hạt nhân H-6K ra một đường băng trên đảo trên Biển Đông. Hành động này đã khiến cộng đồng quốc tế quan ngại.


Buổi diễn tập cất và hạ cánh hôm thứ Sáu diễn ra trên đảo Phú Lâm, hòn đảo lớn nhất của quần đảo Hoàng Sa mà phía Trung Quốc gọi là đảo Vĩnh Hưng, hãng tin AFP dẫn nguồn từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington cho biết.


“Việc triển khai máy bay H-6K có ý nghĩa lớn bởi vì nó giúp cho Bắc Kinh có được khả năng ném bom tầm xa vốn có thể phóng những vũ khí được dẫn đường chính xác trên cả mục tiêu trên biển lẫn trên đất liền,” hãng tin UPI dẫn lời ông Derek Grossman, một chuyên gia phân tích của Rand Corporation, cho biết.


Ngay lập tức phía Mỹ đã chỉ trích động thái đó của Trung Quốc. Phát ngôn nhân Lầu Năm Góc lên án việc ‘Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các thực thể đang có tranh chấp trên Biển Đông’.


Về phần mình, hôm 21/5 Philippines cũng bày tỏ ‘quan ngại nghiêm trọng’ về sự hiện diện của máy bay ném bom trong khu vực và Bộ Ngoại giao của họ đã ‘có hành động ngoại giao thích hợp’, cũng theo Reuters.


Còn ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng kêu gọi các nước ‘đừng nên thổi phồng’ điều mà ông gọi là ‘hoạt động tuần tra quân sự thường xuyên’.


“Chúng tôi hay vọng rằng các bên liên quan đừng nên trầm trọng hóa quá mức việc này,” ông Lục phát biểu trong một buổi họp báo thường kỳ.


Ngược lại, ông Lục Khảng tố cáo ngược lại Mỹ là ‘việc Mỹ đưa tàu chiến và máy bay chiến đấu đến khu vực đem lại nguy hiểm cho các nước khác’, theo hãng tin AFP.


Hồi đầu tháng này, Hà Nội cũng yêu cầu Bắc Kinh rút các thiết bị quân sự khỏi Quần đảo Trường Sa mà hai nước đang tranh chấp sau khi truyền thông đưa tin rằng Trung Quốc đã đưa tên lửa ra đảo.


Đáp lại, phía Trung Quốc nói rằng việc họ triển khai thiết bị quân sự và binh lính ra đảo là ‘quyền của họ’ và rằng các thiết bị này ‘giúp bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực’ và ‘không nhằm vào bất cứ nước nào’.