RSF lên án 66 năm tù của 6 blogger Việt Nam
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) có trụ sở tại Pháp yêu cầu các đối tác của Việt Nam làm áp lực để Hà Nội chấm dứt chiến dịch đàn áp sau khi Tòa án nhân dân Hà Nội tuyên phạt các bản án từ 6 tới 15 năm tù giam đối với 6 blogger vào ngày 5/4.
RSF nói trong một loạt không ngừng các phiên xử những nhà báo công dân tại Việt Nam, phiên tòa này đặc biệt vì những bản án nặng nề chưa từng có trước đây.
Phiên xử luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài và cộng sự Lê Thu Hà cùng 4 thành viên trong Hội Anh em Dân chủ kết thúc với tổng cộng 66 năm tù giam và 17 năm quản chế.
Thông cáo của RSF nói Hội Anh em Dân chủ là một tổ chức đưa lên mạng những tin tức về vi phạm nhân quyền tại Việt Nam và rằng các nhà ngoại giao và báo chí nước ngoài bị cấm không được vào phòng xử dày đặc công an.
Vẫn theo RSF, một ký giả AFP bị công an thẩm vấn, nhiều nhà bất đồng chính kiến bị giam giữ tại gia trước phiên xử, trong khi một số người biểu tình bị bắt bên ngoài Tòa án.
Một trong những sáng lập viên của Hội Anh em Dân chủ, Luật sư Nguyễn Văn Đài, bị kết án 15 năm tù và 5 năm quản chế. Nhà báo Trương Minh Đức và blogger Nguyễn Trung Tôn bị 12 năm tù và 3 năm quản chế.
Ông Nguyễn Bắc Truyển, một sáng lập viên khác, bị 11 năm tù và 3 năm quản chế. Blogger Lê Thu Hà bị 9 năm tù và 2 năm thử thách. Bị can thứ 6, Phạm Văn Trội, bị 7 năm tù và 1 năm quản chế.
“Những bản án này quá nặng,” ông Daniel Bastard, người đứng đầu văn phòng châu Á-Thái Bình Dương của Phóng viên Không Biên giới nói. “Tội duy nhất của những thành viên Anh em Dân chủ này là đưa lên mạng những bài viết kêu gọi tôn trọng nhân quyền tại Việt Nam. Chỉ có một giải thích cho những bản án nặng nề này là đe dọa những người dám nêu lên những vấn đề công chúng quan tâm.”
Ông Bastard nói thêm: “Từ chiến dịch đàn áp chưa từng có trước đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm Việt Nam mất tất cả sự tin cậy trên trường quốc tế và những đối tác của Việt Nam phải rút ra những kết luận không thể lãng tránh.”
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới yêu cầu các nước thành viên Liên hiệp Châu Âu phủ quyết thỏa thuận tự do mậu dịch với Việt Nam dự trù được chấp thuận trong năm 2018. Sau nghị quyết khẩn cấp của Nghị viện châu Âu về Việt Nam vào tháng 12 năm ngoái, thì đây sẽ là một sự nhục nhã nếu các nước châu Âu tiến hành thỏa thuận này với một quốc gia mà trong những tháng gần đây đã trở thành một trong những kẻ thù tồi tệ nhất của quyền tự do thông tin, RSF nhấn mạnh.
RSF cũng kêu gọi Hoa Kỳ đặt điều kiện trong những cuộc thảo luận về thương mại sắp tới hầu yêu cầu Việt Nam có biện pháp cụ thể bảo đảm tôn trọng tự do báo chí.
Việt Nam xếp thứ 175 trong tổng số 180 quốc gia trên bảng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới 2017 do Tổ chức Phóng viên Không Biên giới thực hiện.
(Nguồn Tổ chức Phóng viên Không Biên giới)