GS. Đặng Hùng Võ: Cần kiểm tra kỹ đằng sau phát biểu ‘Thương
Phát biểu của một giới chức tỉnh Sơn La đã bị chỉ trích và phản đối trên mạng xã hội khi cho rằng 17 cán bộ tỉnh bị khởi tố liên quan đến công tác đền bù, tái định cư thủy điện Sơn La là “không liên quan đến chuyện tiền nong, tư túi, mà chỉ vì thương dân, làm lợi cho dân”. Tuy nhiên, một cựu giới chức Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam cho rằng phát biểu trên có thể có căn cứ, nên cần xem xét kỹ hồ sơ vụ án, xem liệu có yếu tố “thương dân, làm lợi cho dân”, hay chỉ đơn thuần là tham nhũng trong vụ án liên quan đến dự án thủy điện lớn nhất Đông Nam Á này.
Thương dân?
Phát biểu trước báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 20/11 về vụ 17 cán bộ tỉnh Sơn La bị khởi tố, Đại biểu Quốc hội-Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Sơn La Tráng Thị Xuân nói vụ này “không liên quan đến chuyện tiền nong, tư túi, mà chỉ vì thương dân, làm lợi cho dân”.
Dân Trí trích lời khẳng định của bà Tráng Thị Xuân, nói: “Một số hồ sơ để giải quyết việc bồi thường, đền bù thu hồi đất, giải phóng mặt bằng chưa đầy đủ nhưng anh em vì thương dân nên vẫn làm hoàn thiện sớm hồ sơ giúp dân nên người dân được lợi. Nhưng chính vì thế giờ cán bộ giải quyết lại phải chịu trách nhiệm chứ họ không tư túi gì, không đút một xu nào vào túi cá nhân.”
Phát biểu của bà Xuân đã vấp phải nhiều chỉ trích trên cả mạng xã hội lẫn các trang thông tin chính thống. Đa số người dân phản đối ý kiến của bà Xuân và cho rằng đây là một vụ án tham nhũng lớn cần phải được xử lý thấu đáo, một điển hình cho thấy quyết tâm chống tham nhũng mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy”.
Nhận xét về phát biểu của Đại biểu Tráng Thị Xuân, Giáo sư-Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, cho rằng cần phải xem xét kỹ vụ án sau phát biểu “có thể có căn cứ” của bà Xuân.
“Đại biểu Quốc hội mà phát biểu như vậy thì cũng là một điểm lưu ý trong việc xem xét hồ sơ cụ thể, xem nó có phải là sự trộn lẫn giữa yếu tố tham nhũng và yếu tố làm lợi cho dân hay không. Một động tác mà tôi biết ở Việt Nam rất hay làm là có những chi tiết được khai khống trong các phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư là có liên quan đến tham nhũng”.
Tuy nhiên, cựu giới chức Bộ TNMT nhận định khả năng về “bồi thường không thỏa đáng”, một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến việc lách luật để “làm lợi cho dân”, khó có thể xảy ra trong một dự án lớn được dốc hầu bao để đầu tư như thủy điện Sơn La.
GS. Võ phân tích: “Dự án Sơn La là dự án cấp quốc gia, được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, tức là dự án thuộc loại đặc biệt. Phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư được Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Theo tôi biết, có khá nhiều tiền ngân sách chi cho việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Thành ra khả năng có vấn đề trong việc bồi thường không thỏa đáng trong dự án Sơn La thì tôi nghĩ không có”.
Sau dự án là vụ án
Thông tin trên báo chí hôm 19/11, tỉnh Sơn La cho biết trong số 17 cán bộ bị khởi tố về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, có 15 đảng viên, trong đó có Giám đốc và 2 Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, nguyên Phó chủ tịch UBND và Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư huyện Mường La và nhiều chuyên viên, cán bộ phòng, ban.
Kết quả điều tra cho biết sai phạm xảy ra ở các bước thẩm định, đo đạc, lập bản đồ địa chính, thu hồi và bồi thường không đúng quy định, trong đó có hơn 600 hộ dân có hồ sơ đất đai được lập khống, tăng diện tích đất hay không đúng loại đất quy định.
Nhận định về tình trạng tham nhũng trong việc bồi thường các dự án tại Việt Nam, GS. Đặng Hùng Võ thừa nhận khai khống là một “thủ pháp” xuất hiện khá phổ biến, đặc biệt trong các dự án lớn, có số lượng người nhận bồi thường đông như thủy điện Sơn La. Ông nói:
“Sự thực mà nói, trong các dự án, nhất là dự án lớn như thủy điện Sơn La, số lượng người được nhận bồi thường, hỗ trợ tái định cư là cực kỳ nhiều. Mà cực kỳ nhiều như vậy thì ai là người có thể rà soát lại toàn bộ? Từ đấy dẫn đến việc Ban bồi thường giải phóng mặt bằng hay sử dụng thủ pháp đó”.
Cựu giới chức Bộ TNMT cho rằng cơ chế thanh tra, kiểm tra hiện nay của Việt Nam thiếu hiệu quả trong việc rà soát các lỗ hổng trong quản lý, chi tiêu đối với các dự án lớn.
GS. Võ nói thêm: “Hiện nay, cơ chế của Việt Nam có việc thanh tra, kiểm tra, nhưng không có quy trình hai cơ quan thực hiện kiểm tra chéo nhau. Không có quy trình đó, nên Ban bồi thường giải phóng mặt bằng hoàn toàn lập phương án và tính toán cho từng trường hợp cụ thể. Việc kiểm tra, thanh tra có thể xảy ra từ cơ quan hành chính cấp trên, nhưng thực ra cũng không thể kiểm tra 100% được”.
Nhà máy thủy điện Sơn La được khởi công vào năm 2005, với tổng mức đầu tư lên đến hơn 60.000 tỷ đồng, tăng 60% so với mức phê duyệt ban đầu (gần 45.000 tỷ đồng). Đây được xem là 1 trong 10 nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á.
Để xây dựng công trình này, Việt Nam đã phải di chuyển hơn 20.000 hộ dân ở các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu ra khỏi khu vực. Riêng tại tỉnh Sơn La, có hơn 12.000 hộ dân phải di chuyển đến định cư tại 276 điểm tái định cư trong tỉnh.