Page 1 of 1

Bà Clinton không chỉ trích chính sách Triều Tiên của TT Trum

PostPosted: Wed Oct 18, 2017 10:18 am
by NewsReporter
VOA - Economy


Phát biểu tại Hàn Quốc hôm thứ Tư 18/10, cựu ứng cử viên Tổng thống Mỹ Hillary Clinton mạnh mẽ chỉ trích những lời phát biểu thiếu thận trọng của Tổng thống Donald Trump về Triều Tiên.


Bà nói: “Không có lý do nào để chúng ta tỏ thái độ hiếu chiến, hung hăng.”


Những lời hăm dọa bất chấp hậu quả


Bà Clinton không đồng ý với từ ngữ mà Tổng thống Trump dùng khi gọi lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong un là “little rocket man”- tạm dịch là ‘thằng nhóc tên lửa”, và những lời hăm dọa của ông Trump, đòi đáp lại hành động khiêu khích của Triều Tiên bằng “hỏa thịnh nộ.”


Bà Clinton nói:


“Với số phận của hàng triệu người đặt trên bàn cân, tùy thuộc vào một giải pháp ngoại giao nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng với Triều Tiên, rõ ràng là những lời hăm dọa bất chấp hậu quả, sẽ phát động chiến tranh, rất là nguy hiểm và thiển cận.”


Bà Clinton nói tiếp:


“Khiêu khích Kim Jong Un càng làm cho ông ta như mở cờ trong bụng”. vì như vậy là giúp giới lãnh đạo ở Bình Nhưỡng được thế giới chú ý, và chính đó là điều mà Bình Nhưỡng khao khát.”


Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Rex Tillerson tuần này bênh vực những dòng tweet của ông Trump cũng như những phát biểu công khai của ông là cố gắng “tạo hành động dẫn đến sự cố” để các nỗ lực ngoại giao có thể tiến tới phía trước.


Ngoại giao mạnh tay


Trong khi bà Clinton bất đồng với phong cách hung hăng của ông Trump, thì hình như bà ủng hộ chiến lược ngoại giao mạnh tay nói chung của chính phủ Trump để tăng áp lực đối với chính quyền Kim Jong Un phải từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.


Bà đồng ý rằng tiến bộ nhanh chóng của Triều Tiên hướng tới việc phát triển một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có gắn đầu đạn hạt nhân và có khả năng bắn tới lãnh thổ Mỹ, cấu thành một mối đe dọa an ninh có thực đối với Hoa Kỳ.


Nhưng cựu Ngoại Trưởng Mỹ không đề nghị những giải pháp chính sách thay thế để ngăn chận các cuộc thử nghiệm hạt nhân tiếp theo, bà cũng không đề nghị những biện pháp khích lệ hoặc có tính nhượng bộ để tạo điều kiện cho đàm phán. Bà không bình luận gì về đề nghị của Trung Quốc và Nga, là đóng băng chương trình hạt nhân của Triều Tiên để đánh đổi việc tạm ngưng các cuộc diễn tập quân sự Mỹ-Hàn.


Thay vào đó, bà Clinton góp tiếng với chính quyền ông Trump, kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên để buộc Kim Jong Un phải từ bỏ chương trình hạt nhân, bằng không chế độ của ông ta sẽ sụp đổ. Bà đồng ý rằng Trung Quốc phải làm nhiều hơn nữa để thực thi các biện pháp chế tài, và trong khi chờ đợi, các đồng minh của Hoa Kỳ cần duy trì khả năng răn đe quân sự.


Mặt khác, bà Hillary Clinton chỉ trích các hành động của Bắc Kinh chống lại các công ty Hàn Quốc làm ăn ở Trung Quốc, sau khi Seoul triển khai một hệ thống chống phi đạn của Mỹ ở Hàn Quốc.


Một nước hạt nhân trên thực tế


Bà Clinton nói Hoa Kỳ và các đồng minh nên có phản ứng quân sự “tương xứng” với hành động khiêu khích của Triều Tiên, trong khi ông Trump trước đây tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ “hoàn toàn tiêu diệt Triều Tiên”, nếu bị tấn công.


Bất cứ hành động quân sự đánh chặn nào để tiêu diệt các địa điểm hạt nhân hoặc tên lửa của Triều Tiên cũng có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc chiến tranh có thể tàn phá và gây bất ổn cho khu vực. Nhưng một số nhà lãnh đạo và nhà phân tích nói rằng các biện pháp chế tài không mà thôi, không thể buộc các nhà lãnh đạo ở Bình Nhưỡng từ bỏ khả năng răn đe hạt nhân của họ, đặc biệt giữa lúc Tổng thống Trump tung ra những lời hăm dọa đối với Triều Tiên.


Quan chức phối hợp kiểm soát vũ khí của Toà Bạch Ốc thời Tổng Thống Obama, nay giảng dạy tại Trường Quản lý Nhà nước Kennedy ở Đại học Harvard Gary Samore nhận định:


“Tôi nghĩ chúng ta phải chấp nhận thực tế là chúng ta phải sống với một nước Triều Tiên có vũ khí hạt nhân trong tương lai có thể thấy được. Phi hạt nhân hóa không còn là một mục tiêu thực tiễn nữa.”


Trấn an đồng minh



Bà Hillary Clinton nói Hoa Kỳ cần phải là một lực lượng vững vàng, trước sau như một, có chính sách rõ ràng dễ đoán, để duy trì hòa bình ở Châu Á, và lối tiếp cận của ông Trump vừa thiếu thận trọng, lại vừa phản tác dụng.


Các đồng minh của Washington, theo bà, đã bày tỏ quan ngại về độ tin cậy của Hoa Kỳ, sau những lời bình luận của ông Trump, chỉ trích những sự mất cân bằng về thương mại, và chi phí quốc phòng không đầy đủ để các lực lượng quân sự Mỹ hiện diện trong khu vực.


Theo lịch trình, Tổng thống Trump sẽ thực hiện chuyến đi thăm chính thức Châu Á đầu tiên của ông vào đầu tháng 11. Ông sẽ ghé thăm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc trước khi sang Việt Nam và Philippines để dự các hội nghị cấp cao về thương mại và an ninh.


Trong một tuyên bố, văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết họ trông đợi Tổng thống Trump không những chỉ bàn đến việc “tăng cường liên minh Mỹ-Hàn, hồi đáp các vấn đề hạt nhân Triều Tiên, mà còn đưa ra viễn kiến của ông về chính sách đối với bán đảo Triều Tiên và vùng Đông Bắc Á.”