Người Việt tranh luận về quyền sử dụng súng sau thảm kịch La
Vụ xả súng bừa bãi ở Las Vegas đã cướp đi mạng sống của 59 người- tính cả hung thủ, và làm hàng trăm người bị thương lại khơi lên cuộc tranh luận về quyền sở hữu và sử dụng súng tại Hoa Kỳ. Trong khi tại Điện Capitol, trụ sở quốc hội Mỹ, các nhà lập pháp của cả hai Đảng, Dân chủ và Cộng hoà, tố cáo lẫn nhau là “chơi trò chính trị” với cuộc tranh luận về quyền sở hữu súng, thì trong trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt, cuộc tranh luận này cũng diễn ra với những ý kiến đối nghịch, người thì cho rằng quyền sở hữu súng là một quyền hiến định, người chống đối thì nói tu chính án thứ 2 về quyền sở hữu súng, viết cách đây hơn 200 năm, không còn phù hợp với xã hội hiện đại, khi mà cùng với những tiến bộ về công nghệ, súng ống trở nên nguy hiểm hơn xa, so với cách đây vài trăm năm trước. VOA-Việt ngữ thu thập ý kiến của một cựu thẩm phán, một luật sư đang hành nghề, và nhiều thành viên trong cộng đồng người Việt cư ngụ tại một số tiểu bang khác nhau về nghịch lý đã làm đau đầu nhiều thế hệ người Mỹ: cường quốc tự cho là dẫn đầu thế giới tự do vẫn bế tắc vì cái gọi là nền “văn hóa súng ống” đã ăn sâu bén rễ từ lâu, dẫn đến một cuộc tranh luận không lối thoát về quyền sở hữu súng, lại nổi lên sau vụ xả súng ở Las Vegas.
Trong số các quốc gia phát triển hiện nay, Hoa Kỳ là một trong những nước hiếm hoi nơi mà quyền mang vũ khí được ghi trong hiến pháp. Đi kèm với quyền sở hữu và sử dụng súng ống, cường quốc từng là số Một thế giới này cũng là nơi bạo lực súng ống xảy ra như cơm bữa, đôi khi với hậu quả cực kỳ thảm khốc, như vụ xả súng mới nhất ở Las Vegas.
Anh Bình, chủ nhân của Phước Hạnh Tours ở California, cung cấp các tua du lịch chủ yếu phục vụ khách hàng Việt Nam đến từ trong nước với các tua trong và ngoài nước Mỹ, đặc biệt là các tua tới Las Vegas. Anh Bình nói anh không thể hiểu nổi tại sao xã hội Mỹ văn minh là thế, mà cứ để xảy ra những vụ giết người hàng loạt bằng súng.
“Tôi thấy khủng khiếp quá, mà cái nước Mỹ này sao nó xảy ra nhiều cái kỳ quái thế không biết mà những nơi khác không có. Đó là một cái mà tôi không hiểu như thế nào.”
Anh Bình đồng ý rằng có lẽ sự khác biệt là do quyền sở hữu súng ống.
“Đúng, tôi tin như vậy. Ở những nơi khác cũng xảy ra nhưng mà nó đâu có xảy ra ở quy mô lớn như vậy. Có bắn chết nhau vì súng đạn thì cũng chỉ 1, 2 người chết vậy thôi. Còn ở đây nó chết cả hàng mấy chục người, bị thương cả mấy trăm người như vậy, tôi thấy nó khủng khiếp quá!”
Những người chống đối quyền sở hữu súng viện dẫn những dữ liệu và nghiên cứu quốc tế chứng minh rằng các nước nơi mà quyền sở hữu súng bị kiểm soát chặt chẽ, là những nước có tỉ lệ chết bằng súng thấp nhất, và ngược lại.
Trang mạng vox.com trích dẫn các dữ liệu của Trung tâm Dữ kiện Bạo lực Súng ống, nơi lưu trữ các số liệu về các vụ xả súng giết người hàng loạt từ năm 2013 tới nay, thì con số các vụ giết chóc bằng súng đạn tại Hoa Kỳ cao gấp 6 lần so với Canada, và gần gấp 16 lần so với nước Đức.
“Xả súng giết người hàng loạt- mass shooting” được định nghĩa là các vụ xả súng trong đó có ít nhất 4 người bị bắn, hoặc bị thiệt mạng. Theo định nghĩa đó, thì trung bình, tại Hoa Kỳ có hơn 1 vụ xả súng giết người tập thể mỗi ngày.
Thẩm phán Phan Quang Tuệ, từng phục vụ tại Tòa án Di trú San Francisco, nay đã về hưu, nói lên quan điểm của ông về tu chính án số Hai, bảo vệ quyền mang súng của công dân Mỹ:
“Trong bản hiến pháp của Hoa Kỳ và 27 tu chính án, thì có 2 tu chính án lâu đời nhất, đó là Tu chính án thứ Nhất về tự do ngôn luận, tự do báo chí, và Tu chính án thứ Hai, về quyền sở hữu súng ống. Tôi thì tôi thích tu chính án số Một hơn, tự do báo chí, hơn là quyền sở hữu súng. Có điều khác biệt là, tu chính án số Hai, là quyền sở hữu súng, nó không phải là tự do một cách vô điều kiện. Theo tôi hiểu thì so với thời kỳ từ lúc ban ra cách đây hơn 200 năm, thì cái vụ mới nhất xảy ra, nó nằm ở trong cái quyền kiểm soát cái sự tự do đó. Vì sự kiểm soát nó phải đi cùng, và cân bằng với tác hại hay là hậu quả của cái sử dụng quyền tự do. Chẳng hạn tôi lấy ví dụ, như tự do báo chí hay là nó có, không có cái luật lệ nào nó giới hạn tự do báo chí, tự do ngôn luận nhưng mà có một số án lệ họ quy định và họ ấn định qua những cái luật về phỉ báng, về lăng mạ, để mà tùy theo mức độ hiện tại do việc hành xử quyền tự do. Cái mức độ mà tai hại trong quyền sử dụng tu chính án số Hai, là mạng con người, là cái khả năng giết chết bằng cái vũ khí mà con người đó sử dụng.”
Vị cựu thẩm phán ví nền văn hóa súng đạn của Mỹ với một căn bệnh, trầm kha, ông chất vấn sự cần thiết của quyền sở hữu và sử dụng những loại súng giết người hàng loạt, lẽ ra chỉ nên dành cho quân đội, hay lực lượng thi hành công lực.
“Tôi thấy nước Mỹ đang đi vào một cơn bệnh, cơn bệnh đó là ưa trấn áp tinh thần của người khác, và trả một cái giá rất là đắt, là cái vụ Las Vegas vừa qua. Mình cứ nghĩ đi, nếu mà con dao mà đâm thì nó bị thương, hay chỉ giết chết một người. Súng bắn từng phát một, cùng lắm giết chết 1, 2 người. Còn đây một khẩu súng tự động, bấm một cái, cả chục viên đạn ra, tổng cộng là 58 người chết cho tới bây giờ, và hơn 500 người bị thương, thì một cái dân tộc như cái quốc gia này đứng về tập thể phải biết suy nghĩ chứ?”
Trả lời câu hỏi liệu ông có ủng hộ quyền sở hữu súng? Luật sư Mike Nguyễn, cũng là Chủ tịch Cộng đồng Người Việt ở Las Vegas, nói ông là một luật sư, cho nên ông ủng hộ hiến pháp Hoa Kỳ, ông thừa nhận rằng cách diễn giải về luật kiểm soát súng hay là Tu chính án số Hai, rất là phức tạp. Luật Mike Nguyễn giải thích:
“Tại mình là một luật sư nên mình không có một mục đích cố định, mình chỉ đại diện cho quyền lợi của thân chủ mà thôi. Nhưng mà sự suy nghĩ chung của Mike là Mike muốn mọi người phải có kiến thức trước khi bước vào cuộc tranh luận. Điều thứ nhì là họ phải xem xét tất cả mọi khía cạnh, chứ không chỉ một mặt duy nhất trước khi tranh luận. Cái sự suy nghĩ của Mike là khi hiến pháp Hoa Kỳ được viết ra về quyền lợi của tu chính án thứ Hai, là quyền được mang súng, thì lúc đó súng còn rất đơn sơ, bây giờ những súng mà mình có rất là tối tân, thế cho nên chúng ta phải đặt câu hỏi là liệu chúng ta có thể tiếp tục áp dụng một luật đã được soạn thảo cách đây hơn 200 năm cho xã hội ngày nay? Luật pháp thay đổi tùy theo các giá trị của xã hội và cung cách ứng xử thông thường trong xã hội. Đó là điều mà tôi muốn mọi người hiểu. Rồi điều thứ hai là, liệu một sự cố lâu lâu mới xảy ra một lần có thể được lôi ra để biện minh việc đặt lại vấn đề kiểm soát súng ống hay không? Mặc dù vụ xả súng vừa rồi rất là lớn, điều đã xảy ra hôm Chủ nhật là một sự cố tồi tệ và thảm khốc, nhưng liệu một sự cố lâu lắm mới xảy ra như vậy, có thể biện minh cho việc sửa đổi luật lệ hiện hành hay không?”
Chủ nhân Phước Hạnh Tours thì có cái nhìn giản dị hơn, anh Bình nói anh phản đối quyền sở hữu súng, và việc lạm dụng quyền sử dụng súng:
“Tôi thì thực ra tôi phản đối tất cả quyền sở hữu súng. Tôi nghĩ cũng không có cần súng đâu tại vì bây giờ mình đi ra ngoài cũng an toàn, mà tôi làm business đây thì mình cũng đâu có cần gì sử dụng súng? Có nhiều người lạm dụng quyền có súng rồi người ta khủng bố cái này cái kia thì cái chuyện đó không có tốt. Theo cá nhân tôi thì nên dẹp đi càng sớm càng tốt. Nhưng mà tôi nghĩ cái chuyện này khó dẹp lắm, hết ông này ông kia muốn dẹp rồi rốt cuộc, chẳng ông nào làm được cả!”
Anh Trí Tôn, cư ngụ ở bang Virginia, có quan điểm trung hòa, anh nói anh ủng hộ quyền sở hữu súng nhưng phải sử dụng một cách hợp lý.
“Đối với quyền sử dụng súng, tôi ủng hộ một phần nhưng mà cũng chống một phần. Thứ nhất quan niệm của tôi thì sử dụng súng để bảo vệ gia đình hoặc để vui chơi săn bắn các thú vật thì không sao, nhưng nếu sử dụng súng để đi vào các chỗ công cộng như shopping mall, rạp chiếu bóng chẳng hạn, để mà gây tội ác thì tôi hoàn toàn không đồng ý. ”
Tuy nhiên anh Trí Tôn nhấn mạnh rằng anh không tán thành việc sở hữu các loại súng thường dành cho quân đội, có khả năng giết người hàng loạt.
“Theo tôi thì không nên có những loại súng bắn hàng loạt như súng tiểu liên chẳng hạn. Những loại súng đó chỉ để giết người thôi chứ không phải để bảo vệ. Nếu nói là để bảo vệ gia đình thì chỉ cần những loại súng bắn phát một hoặc là súng lục, còn đi săn bắn thì có loại súng đặc biệt để đi săn. Còn tiểu liên chẳng hạn, bắn để giết người hàng loạt thì không nên cấp giấy phép.”
Nhiều người Việt cho rằng cần siết chặt các biện pháp xét lý lịch của người mua súng để tránh vũ khí chết người rơi vào tay những người không bình thường về mặt tâm lý:
Anh Trí Tôn:
“Nên xét record của người mua súng kỹ càng hơn, nhất là những người tội phạm hoặc là bài bạc hoặc là bị tâm thần chẳng hạn, thì chính phủ nên cẩn thận về những thành phần có thể gây ra tội ác.”
Nhưng một người Việt khác, cô Nguyễn ở Las Vegas, cho rằng “súng không gây ra tội ác, mà người gây ra tội ác”, một lập luận vẫn được giới bảo vệ quyền sở hữu súng ống, nhất là Hiệp hội Súng Trường Quốc gia của Mỹ (NRA) nêu lên:
“Tất nhiên không phải vì súng đâu mà là tại người thôi chị ơi. Không phải ai có súng cũng đều bắn bừa, bắn bãi hết đâu?”
Trả lời câu hỏi là vậy thì với tư cách một công dân Mỹ, người Việt có thể làm gì để ngăn chặn những vụ giết người hàng loạt khủng khiếp tái diễn, và tránh trở thành nạn nhân?
Chị Nguyễn trả lời:
“Riêng tôi nghĩ thì cũng không đúng, tất cả mọi người đều phải nghĩ như nhau thì mới bảo đảm được chị. Mình đến một đám đông thì mình phải để ý một tí, chứ mình vô tình, vui vẻ quá mà quên mất chuyện chung quanh của mình. Tại vì bây giờ không lẽ mình sợ mà mình không đi thì cũng vô lý, nhưng mà mình đến một đám đông thì mình phải cẩn thận. Còn chuyện súng đạn thì cái đó để cho chính phủ họ quyết định cái chuyện đó. Bởi vì theo tôi súng đạn thì mình không thể ngăn chặn được 100% những người mê súng, nhưng mà mình phải kiểm tra lý lịch thật là kỹ càng trước khi bán súng cho họ.”
Làm thế nào ngăn chặn vụ giết người hàng loạt kế tiếp, có thể còn tệ hại hơn những gì mới xảy ra ở Las Vegas? Luật sư Mike Nguyễn tỏ thái độ bi quan:
“Đó là một câu hỏi khó. Thành thực mà nói với Cô, chúng ta không có câu trả lời. Làm cách nào để ngăn chặn nó tái diễn? Tôi nghĩ chúng ta cần phải hướng dẫn công chúng, chúng ta phải gieo rắc tình thương thay vì hận thù. Nhưng tìm ra một giải pháp lâu dài, thì theo tôi, hiện giờ chúng ta không có giải pháp đó.”
Thẩm phán hồi hưu Phan Quang Tuệ là cư dân thành phố Danville, California. Ông được Bộ Trưởng Tư Pháp Janet Reno bổ nhiệm làm Thẩm Phán Di Trú vào năm 1995 và phục vụ tại Toà Án Di Trú San Francisco cho tới khi về hưu năm 2012. Thẩm phán Tuệ đặc biết bày tỏ lo ngại về sức mạnh không có gì kìm hãm của Hiệp hội Súng Trường Quốc gia của Mỹ (NRA) và ảnh hưởng tiêu cực của tổ chức này trên chính trường Mỹ, và nền “văn hóa súng đạn” trong xã hội Mỹ.
“Tôi không bao giờ bị thuyết phục bởi những khẩu hiệu như ‘Người giết người, chứ không phải Súng giết người’, nói như vậy là nói lấy được. Thế nhưng mà buồn thay là nước Mỹ có một số công dân không ít, đã thích sử dụng vũ khí, và cái Hiệp hội Súng Trường Quốc gia của Mỹ (NRA) không những bán vũ khí ở trong nước mà còn ở ngoài nước nữa. Chừng nào mà mình dẹp được cái tổ chức đó đó, thì mình mới dẹp được cái vũ khí mà để giết người và để phổ biến chiến tranh. Mình phải chấm dứt cái đó mới được.”
Như Thẩm phán Phan Quang Tuệ, rất nhiều người lo ngại rằng nếu nước Mỹ tiếp tục dậm chân tại chỗ, không siết chặt được luật kiểm soát súng ống, thì chắc chắn trong một ngày gần đây, một vụ xả súng theo kiểu Las Vegas sẽ lại tái diễn đâu đó trên lãnh thổ Hoa Kỳ.