Cộng đồng Việt tại Mỹ sau thiên tai
Sau khi cơn bão Irma quét qua vùng Florida Keys và đổ bộ vào phía Tây Nam tiểu bang Florida gây một số thiệt hại cho nhà cửa, vườn tược cũng như các tiện ích công cộng khác, cộng đồng Việt Nam ở khu vực chịu ảnh hưởng của bão cũng như toàn thể cư dân vùng này đã thu dọn nhà cửa để trở lại cuộc sống bình thường.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Tampa Bay, cho biết là khi đổ bộ vào vùng này, bão Irma giảm xuống cấp 2, cấp 1, nên thiệt hại chỉ là cây đổ, chứ không có người chết.
Bác sĩ Mỹ nói:
“Cộng đồng cũng khuyến khích tất cả các bác, các cô, các chú vào các cơ quan trú ẩn cho mùa bão, cho nên, nói chung không có thiệt hại gì nhiều. Tampa rất là may mắn.”
Theo bác sĩ Mỹ thì một hiện tượng đặc biệt kỳ này là bão hút nước từ Tampa đổ xuống Jacksonville nên thành phố này bị ngập nặng:
“Ngay tại trung tâm Tampa, tất cả nước trong hồ đều bị mất hết, bây giờ vẫn còn khô. Bão đã hút hết nước và thảy về hướng đông bắc là Jacksonville. Bão không vô Jacksonville nhưng Jaksonville bị lụt quá chừng.”
Bác sĩ Mỹ cho biết thêm là cộng đồng Việt Nam ở Florida vẫn tiếp tục gây quỹ giúp cho nạn nhân bão Harvey ở Texas nhưng sắp tới đây toàn tiểu bang sẽ có một ngày gây quỹ để giúp nạn nhân bão Irma
“Ngày 21 tháng 10 sẽ có một buổi gây quỹ cho nạn nhân bão lụt Irma cho cộng đồng Việt Nam mình và cho các cộng đồng khác bị ảnh hưởng. Theo lời kêu gọi của tiểu bang Florida thì mình sẽ làm chung một buổi văn nghệ. Mỗi hội đoàn, mỗi cộng đồng địa phương sẽ kêu gọi đóng góp rồi tổng kết lại,” bác sĩ Mỹ nói.
Ông Nguyễn Gia Bảo ở gần Saratoga thuộc khu vực Tampa có 10 mẫu đất trồng đủ các loại cây ăn trái của Việt Nam. Ông cho biết nơi ông ở, cảnh sát cũng yêu cầu di tản, nhất là những người ở trong các căn nhà di động, nhưng ông không đi vì nhà ông rất kiên cố. Ông ở lại cùng với bà dì 96 tuổi và còn cho thêm bà con và những người ở gần đó tạm trú.
Ông Bảo nói về ảnh hưởng của bão Irma đối với vườn tược của ông:
“Có một số cây trốc gốc còn nhà thì bị chút đỉnh mấy cái máng xối, không có sao, bị nhẹ.”
Mục sư Esther Trương quản nhiệm Hội thánh Tin lành Bê Tên ở Tampa cho biết là gần nhà thờ của bà có một khu nhà di động khoảng 200 căn, trong đó có 10 căn của người Việt. Tất cả đều di tản hết theo lệnh của nhà cầm quyền địa phương, nhưng không bị thiệt hại gì đáng kể.
“Cám ơn Chúa, không bị gì hết. Nhà mobile home cũng vẫn bình thường, họ đi vào những shelters gần. Mobile home vẫn còn y nguyên như vậy, không bị thiệt hại gì hết. Vườn cây trái gần đây không bị ảnh hưởng gì,” mục sư Trương cho biết.
Về vấn đề bảo hiểm nhà cửa vì thiên tai, Mục sư Esther Trương nói:
“Ở đây phần đông tín đồ trong Hội thánh đều có mua bảo hiểm hết nhưng người dân mình không tiếp xúc nên không biết được.”
Theo Thầy Thích Quảng Chơn, trụ trì Chùa Phước Huệ tại Miami, tuy bão không trực tiếp đổ bộ vào vùng này, nhưng đây là vùng gần bão nhất, nên bị ảnh hưởng nặng nhất, đặc biệt là các vườn cây ăn trái:
“Có một số người làm vườn, có trồng cây ăn trái thì thiệt hại rất là nặng. Sau trận bão không thu hoạch gì được, thứ hai là cây bị ngã xuống bức gốc rất nhiều.”
Thầy Quảng Chơn cho biết là hiện nay mọi sinh hoạt đã trở lại bình thường:
“Bây giờ đã bình thường rồi, chỉ có cái là mình phải dọn dẹp rất nhiều thôi. Thứ Hai vừa rồi tất cả trường học ở đây đều mở cửa hết.”
Còn ở Houston, nơi bị trận bão Harvey quét qua tàn phá nặng nề trong tháng 8, luật sư Shandon Cường Phan, cựu Chủ tịch cộng đồng Việt Nam tại đây cho biết việc phục hồi sau bão phải mất 2-3 năm nữa. Tuy nhiên, hiện đã có những khoản trợ cấp khẩn cấp:
“FEMA (Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang) ai gọi vào trước thì họ gởi người đến kiểm tra nhà trước, và bắt đầu bồi thường đợt đầu. Chuyện này cũng sẽ kéo dài theo thời gian, theo danh sách chờ đợi. Từ từ có người sẽ được trọn gói, có người sẽ phải chờ đợi tùy theo hồ sơ cá nhân phải bổ túc. Quá trình bồi thường đã được khởi động và đang tiến hành.”
Theo Luật sư Shandon Cường, vấn đề bảo hiểm nhà cửa vì thiên tai, lũ lụt …vẫn chưa được cộng đồng người Việt chú ý đến nhiều:
“Sau chuyến này phần lớn bà con sẽ cẩn thận hơn về chuyện mua bảo hiểm ngay khi chính phủ không bắt buộc phải mua. Lần này nhiều người thiệt hại vì không mua bảo hiểm nên bà con sẽ cẩn thận hơn. Tuy nhiên, việc thay đổi về chính sách, vùng nào là lũ lụt cũng cần phải được xem xét lại cho thích hợp, vì cái đó theo kế hoạch của liên bang nhưng đã lỗi thời rồi. Mô hình đo lường khu nào bị lũ lụt đã có từ 40, 50 năm rồi nên cũng cần phải thay đổi.”
Vẫn theo lời luật sư Cường, còn nhiều việc cần phải làm về phía hành pháp cũng như lập pháp và cũng cần nhiều nỗ lực giúp đỡ, đóng góp của cộng đồng mới có thể giúp các nạn nhân bão lụt trở về với cuộc sống trước đây.