Trump ký luật cứu trợ thiên tai và trần nợ
Tổng thống Donald Trump hôm thứ Sáu ký một dự luật triển hạn nợ chính phủ thêm ba tháng nữa và cấp khoảng 15 tỉ đôla viện trợ thiên tai, hoàn tất thỏa thuận gây kinh ngạc của ông với các nhà lãnh đạo quốc hội bên Đảng Dân chủ trong tuần này.
Dự luật, được Hạ viện Mỹ chấp thuận trong cuộc biểu quyết với tỉ lệ 316-90, đã vấp phải chỉ trích từ một số thành viên bảo thủ ở Quốc hội. Nhưng nó được Thượng viện thông qua hôm thứ Năm và Tổng thống Đảng Cộng hòa ký ban hành ngay sau khi ông đến Trại David ở bang Maryland, cho dịp cuối tuần.
Dù có tranh cãi, các nhà lập pháp đã vội vàng phê chuẩn đạo luật này, cấp 15,25 tỉ đôla tiền cứu trợ thiên tai khẩn cấp, trước khi ngân khoản của chính phủ cạn tiền vào cuối tuần này trong khi người dân Mỹ đang đối phó với hai cơn bão chết người bao gồm cả Irma, một cơn bão có tiềm năng gây thảm họa sắp sửa ập vào bang Florida vào Chủ nhật.
Bão Harvey xảy ra hôm 25 tháng 8 và là cơn bão mạnh nhất ập vào bang Texas trong hơn 50 năm qua, đã làm thiệt mạng khoảng 60 người, hơn 1 triệu người phải tản cư và thống đốc bang này nói rằng thiệt hại lên đến 180 tỉ đôla.
Dự luật khơi lên những câu hỏi về mối quan hệ giữa ông Trump, một người không làm chính trị lên làm Tổng thống Mỹ đầu năm nay, với các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa. Ông thường xuyên chỉ trích Lãnh đạo Khối Đa số ở Thượng viện Mitch McConnell và Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan và thỏa thuận của ông hôm thứ Tư với các nhà lãnh đạo quốc hội phe Dân chủ, Lãnh đạo Khối Thiểu số Thượng viện Chuck Schumer và Lãnh đạo Khối Thiểu số Hạ viện Nancy Pelosi, là một cú sốc đặc biệt gây choáng váng cho những thành viên bảo thủ.
Mối quan hệ đang xấu đi giữa các nhà lập pháp bảo thủ với chính quyền Trump có thể sẽ vẫn là một nhân tố trong khi Quốc hội và Nhà Trắng giờ phải đối mặt với hạn chót 8 tháng 12 về trần nợ và chi tiêu của chính phủ.
Thời hạn ba tháng của trần nợ và thỏa thuận chi tiêu có thể cho phe Dân chủ cơ hội tốt hơn để giành được mức chi tiêu chính phủ cao hơn vào tháng 12.
Phe Cộng hòa lo sợ rằng phải đối mặt với chi tiêu và nợ sớm như vậy sẽ khiến họ phân tâm khỏi các vấn đề khác, chẳng hạn như cải tổ thuế.