Hồ Chí Minh dưới góc nhìn của một cựu phiên dịch thân cận
Hồ Chí Minh là một nhân vật gây rất nhiều tranh cãi không chỉ ở Việt Nam, mà cả trên thế giới. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giã từ trần thế, song hình ảnh của ông vẫn phủ bóng lên gần như mọi sinh hoạt chính trị quan trọng trên dải đất hình chữ S, đồng thời in đậm trong tâm trí hàng triệu người dân Việt. Chừng đó đủ cho thấy việc mô tả chân dung nhân vật lịch sử này nhạy cảm và dễ đụng chạm đến thế nào.
Tuy nhiên, khi thời gian càng lùi xa thì người ta càng có cơ hội để hình dung ra bức tranh nhân cách đầy đủ của ông từ những góc nhìn đa chiều. Dưới đây là hình ảnh ông Hồ Chí Minh qua con mắt một người từng là phiên dịch thân cận, qua cuộc trao đổi của tác giả với ông vào ngày 31/7 vừa qua.
Đại tá Đoàn Sự nguyên là phiên dịch Tiếng Trung trong đại bản doanh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Điện Biên Phủ. Năm 1955, khi đang dạy Tiếng Trung cho Thiếu tướng Trần Quý Hai, Phó Tổng tham mưu trưởng, ông được điều sang Trung Quốc để làm phiên dịch cho một nhóm cán bộ quân đội cao cấp đang học tại một trường quân sự ở Nam Kinh, do Thượng tướng Tống Nhiệm Cùng (cựu Phó Tổng Tư lệnh Chí nguyện quân tại Triều Tiên, về sau là Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung ương) làm hiệu trưởng. Khóa học gồm chừng 20 người, với những tên tuổi như Vương Thừa Vũ, Phùng Thế Tài, Hoàng Minh Thảo…
Vài tháng sau, Đại sứ Hoàng Văn Hoan đến thăm Hiệu trưởng Tống Nhiệm Cùng thì gặp người em trai của Đại tá Lê Trọng Nghĩa (tên thật là Đoàn Xuân Tín, Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng, Cục trưởng Cục Quân báo, trợ tá thân cận của Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Viên Đại sứ liền điều ông về Bắc Kinh tăng cường cho phòng quân sự của Đại Sứ Quán (ĐSQ - lúc đó mới chỉ có 2 người và còn thiếu kinh nghiệm). Ông được giao nhiệm vụ làm bí thư thứ ba và trợ lý cho tuỳ viên quân sự ĐSQ, và ở đấy cho đến đầu năm 1960 mới về nước.
Lúc bấy giờ cả ĐSQ Việt Nam tại Bắc Kinh chỉ có 4 người thành thạo Tiếng Việt và Tiếng Trung (ông về ĐSQ một thời gian thì Đại sứ Hoàng Văn Hoan về nước, ông Nguyễn Khang sang thay): Phó Đại sứ Phạm Bình; một người Trung Quốc; ông Đặng Nghiêm Hoành, người về sau trở thành Đại sứ tại Trung Quốc từ 1989-1997; và ông Đoàn Sự. Ông Phạm Bình là Phó Đại sứ nên làm phiên dịch không tiện; ông người Trung Quốc cũng vậy; ông Đặng Nghiêm Hoành thì chưa phải đảng viên. Vì thế, ĐSQ quy định là những việc gì liên quan đến đảng (nhất là những chuyện cơ mật) thì ông Đoàn Sự được giao nhiệm vụ làm phiên dịch. Vậy nên mỗi khi ông HCM sang Trung Quốc thì ông Đoàn Sự lại đi theo.
“Đi theo nhưng thực ra mình có làm cái gì đâu. Ông Cụ nói thẳng chứ có cần gì… Ông Cụ cứ thoăn thoắt sang luôn…”
Nhiệm vụ chủ yếu của ông Đoàn Sự vì thế là để theo dõi xem các vị lãnh đạo trao đổi với nhau những gì, có gì quên không ghi lại hay không; và để nhắc nhở lãnh tụ trong trường hợp ông đang nói chuyện với nhiều người mà với vị thế nguyên thủ quốc gia, ông không nên nói Tiếng Trung.
Bấy giờ Liên Xô tặng cho Việt Nam 1 chiếc máy bay IL-18 (họ còn tặng cho Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai mỗi người 1 chiếc). Do Việt Nam chưa có người lái cũng như chỗ chứa máy bay nên chiếc IL-18 này được gửi lại Bắc Kinh. Khi nào ông Hồ cần sang Trung Quốc thì viên phi công người Trung Quốc sẽ bay từ Bắc Kinh sang Hà Nội để đón ông. Ông Đoàn Sự vì thế cũng thường xuyên đi đi về về giữa Bắc Kinh và Hà Nội.
“[…] Lần này… khoảng tháng Sáu, tháng Bảy gì đấy, Bác đi Liên Xô dự hội nghị 61 đảng về [Bắc Kinh]. Bác vào thăm ông Mao Trạch Đông. Ông ấy bảo: ‘Này, tôi trông anh sắc thái không được khoẻ. Ở lại đây nghỉ một thời gian. Anh về bây giờ công việc bận rồi ốm đấy.’ Cụ Hồ thì rất nể. Người khác mà nói [thế] là không được với Cụ đâu. Cụ nói thế này: ‘Vâng. Tôi xin chấp hành chỉ thị của Chủ tịch.’ Thế là ông ở lại…”
“Sống với ông Cụ thì thấy vinh dự, nhưng mà rất khó sống… vì ông Cụ khó tính lắm, chứ không phải dễ đâu. Cụ chỉ dễ tính với mấy bà phụ nữ thôi… muốn cái gì cho cái đó, rất là thân thiết… Còn mấy ông con trai, nhất là mấy ông có tuổi đến, là Cụ mắng cho sa sả đấy…”
“Tư tưởng Hồ Chí Minh là gì? Tư tưởng Hồ Chí Minh là đa nguyên đa đảng. Lúc đầu, năm 1945, Cụ cho thành lập Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội. Ngoài ra còn có Quốc dân đảng, Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội. Năm đảng cơ mà…”
“Cụ bảo, lúc nào trong con người ta cũng có cái nhân và cái nghĩa, có cái thiện và cái ác. Có người cái thiện nhiều, cái ác ít. Nhưng người nào cũng có cả. Cho nên phải làm thế nào để giảm bớt cái ác, phát huy cái thiện của người ta. Đừng quan niệm rằng đã là kẻ thù là xấu…”
“Thực ra ban đầu Cụ về, Cụ rất muốn đi theo con đường quan hệ với Mỹ đấy… Tôi còn có tài liệu về việc Cụ gửi cành đào cho ông Ngô Đình Diệm. Chính Cụ rất muốn lợi dụng chuyện đó… Xẩy ra cuộc chiến tranh Việt - Pháp là Cụ đã hết sức nhân nhượng rồi, nhưng vì rằng tình thế lúc đó, cộng với các nước cộng sản đã muốn rằng đây là một chiến trường để thử thách. Do đó buộc ta phải nhảy vào chiến tranh. Trong chiến tranh, về sau này, khi trận Điện Biên Phủ xong rồi… chuyển sang thời kỳ đánh Mỹ. Quan điểm của Cụ về chuyện đó là khác. Cụ rất muốn để cuộc chiến tranh ấy cố gắng giữ ở mức độ nào đó để Mỹ không vào được. Nhưng mà các ông nhà ta cứ làm…”
“Khi thành lập nước, Cụ Hồ cho giải tán trường luật. Điều đó là không được, vì lúc đó Cụ quan niệm trường luật là theo luật pháp của đế quốc, cho nên Cụ giải tán. Chính ra là phải bảo vệ trường luật để sau này xây dựng hệ thống pháp luật.”
Ông Đoàn Sự vừa sang Quảng Châu từ ngày 30/5 - 9/6, thăm di tích trụ sở Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Ông tìm ông Hoàng Tranh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Quảng Tây, người từng viết một cuốn sách về bà Tăng Tuyết Minh, nhưng không gặp. Năm 1955, ông từng đến thăm bà Tăng Tuyết Minh. Lần này ông đến thì bà đã mất (từ năm 1991). Người ta nói là phần mộ của bà không có, vì khi mất, bà yêu cầu thiêu xác và thả tro xuống dòng sông Hồng.
“Cụ Hồ có bao nhiêu vợ thì tôi không lạ gì, nhưng trong số những người quan hệ với Cụ thì chỉ có bà Tăng Tuyết Minh là có làm lễ thành hôn rõ ràng…”
Khoảng năm 1955-1956, Hồ Chí Minh gặp Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Đông Đào Chú. Trong cuộc gặp đó, Đào Chú muốn đưa bà Tăng Tuyết Minh về với Hồ Chí Minh, nhưng ông Hồ từ chối, nói rằng với vị trí của mình lúc này mà có vợ là người nước ngoài thì sẽ mang tiếng. Ý kiến của Bộ Chính trị là không nên, mà chỉ yêu cầu Trung Quốc giúp đỡ cho bà tồn tại thôi. Bà Tăng Tuyết Minh không lấy ai cả. Khi về hưu bà được hưởng trợ cấp đặc biệt. Năm 1955, ông Đoàn Sự đã cùng Đại sứ Hoàng Văn Hoan bí mật đến thăm bà. Lúc bấy giờ ông Hồ Chí Minh giao cho ĐSQ hàng năm đến thăm và tặng quà cho bà. Ông Hoàng Văn Hoan dặn ông là phải giữ bí mật về chuyến đi, không được nói cho ai biết. (Ông Hồ Chí Minh không gặp lại bà Tăng Tuyết Minh lần nào nữa.)
“… Tôi còn tìm hiểu và biết là Cụ Hồ còn nhiều đám lắm… Nguyễn Thị Minh Khai, kể cả với bà Tống Khánh Linh… Năm 1924 [?] cụ từng sang Vienna, cụ yêu cả bà Tống Khánh Linh đấy. Khi tôi đưa Cụ về Thượng Hải để thăm bà Tống Khánh Linh thì đi chiếc xe mui trần. Lúc bấy giờ bà Tống Khánh Linh là Phó Chủ tịch nước… Hôm đó tháng Sáu, tháng Bảy gì đó… Cụ Hồ ngồi bên cạnh bà Tống Khánh Linh… Giời nắng, ông cụ lấy cái mũ chụp lên đầu bà ấy… Khi về đến chỗ ở của bà Tống Khánh Linh, Cụ Hồ gọi Tống Khánh Linh là “Tống muội”… Bọn tôi mới thầm thì: “Gớm, sao mà đẹp đôi thế!”… Bác Hồ không kể [chuyện tình với bà Khánh Linh], nhưng qua những chuyện đó, rồi qua [việc] ông Vũ Kỳ kể lại những mối tình của Bác… Ông ấy [Vũ Kỳ] kể cả bà Tống Khánh Linh, ông ấy kể cả vợ của ông Hồ Tùng Mậu nữa cơ… vân vân… nhiều lắm… Tại vì thế này này, thời kỳ hoạt động cách mạng, các ông ấy cứ ghép nhau… Cũng như là bà Nguyễn Thị Minh Khai, có dạo sống với Cụ Hồ đấy chứ, mà đăng ký đi học là vợ chồng đấy chứ…”
“Thế nhưng những chuyện đó là bình thường thôi… ta bây giờ cứ xoay vào đó, rồi thì là khoét sâu nó… thực ra chẳng ra gì cả. Khi tôi ở Hàng Châu với Cụ, có hôm thứ Bảy rỗi rãi, tôi mới bảo bà Tống Minh Phương là hỏi xem người yêu của Cụ Hồ có những ai và ở đâu, vì anh Vũ Kỳ cứ bảo rằng ông ấy [HCM] có quyển sổ tay ghi tháng nào thì phải gửi thư cho bà Madam này, Madam kia… Mình mới gạ hỏi… Đang vui vẻ cười thế này. Bà Tống Minh Phương với Cụ Hồ bình thường rất là thân, cho nên bà mới bạo dạn bảo: ‘Bác ơi, Bác kể những mối tình của Bác cho chúng tôi nghe với nào.’ Thế là Cụ nghiêm mặt lại Cụ bảo: ‘Bây giờ có lẽ không còn chuyện gì để moi chuyện tôi nữa nên các cô các chú lại… Kể ra bây giờ thì chưa phải lúc. Nhưng mà thôi, hôm nay tôi cũng nói sơ cho cô chú… Tôi là người, chứ tôi không phải là ông thánh. Tôi có nhu cầu tất cả mọi thứ. Khi ra ngoài tôi ở đâu tôi cũng có người yêu cả. Mà người yêu không phải chỉ là [quan hệ] vớ vẩn, người yêu là phải sống với nhau như vợ chồng đấy. Nhưng mà tôi phải có nghị lực…’ Sau rồi Cụ mới chỉ vào mình…: ‘Khi tôi ở nước ngoài, tôi diện hơn các cô các chú nhiều lắm. Tôi không ăn mặc thế này đâu. Sau này về Trung Quốc rồi, tôi thấy mặc thế này nó tiện hơn. Nó phù hợp với Á Đông hơn…’.”
“Ông Cụ cũng có những cái hóm hỉnh lắm. Thí dụ như hôm tôi đưa Cụ đi đảo Hải Nam về, [chỉ tay lên tường] khi chụp cái ảnh này này. Khi lên bên Châu Giang ở Quảng Châu… [người ta] huy động dân Quảng Châu đông lắm, đứng ở bên sông hoan nghênh. Ô tô từ trên tàu chạy thẳng lên. Cụ ngồi trên xe vẫy tay. Về chỗ nghỉ rồi chúng tôi mới hỏi, ‘Tại sao dân hoan nghênh đông thế nhỉ?’ Cụ bảo, ‘Chú Sự xem tại sao?’ ‘Thưa Bác, vì Bác là bạn thân của ông Mao, bạn thân của ông Lưu Thiếu Kỳ, bạn thân của ông này ông khác... Chứ cháu ở Trung Quốc 8 năm nay rồi, cháu đi rất nhiều nơi rồi, nhưng mà cháu chưa thấy các nguyên thủ quốc gia các nước khác đến các tỉnh người ta hoan nghênh lắm, người ta bình thường thôi, chỉ mấy ông lãnh đạo gặp nhau thôi.’ Thế là Cụ cười, Cụ bảo, ‘Ờ, thế cũng có lý. Nhưng mà này, người ta hoan nghênh chúng ta là người giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, người ta không hoan nghênh chúng ta bởi chúng ta là cộng sản đâu.’ Lúc bấy giờ cách đây 60 năm nhé. Tôi mới thấy lạ quá. Tôi không dám hỏi gì. Tôi im. Sau tôi quay lại tôi hỏi ông Vũ Kỳ, ‘Quái nhỉ. Cụ Hồ 100% là cộng sản mà sao Cụ nói câu gở thế nhỉ?’ Ông Vũ Kỳ vuốt râu bảo, ‘Cái này phải suy nghĩ lâu dài. Ông cụ nói là có hàm ý sâu sắc lắm đấy.’
“60 năm sau, tôi nhớ lại chuyện này. Vừa rồi tôi sang [Trung Quốc] tôi đã đến bến Châu Giang, cái nơi mà tôi đón Cụ Hồ để tôi nhớ lại cái đó, là ngay từ đó Cụ Hồ đã có cái suy nghĩ như vậy. Do đó nên vừa rồi rất nhiều người viết rất nhiều chuyện về Cụ Hồ... thì có cái tôi công nhận [đúng].”