Page 1 of 1

Chứng khoán phái sinh lên thị trường tài chính Việt Nam

PostPosted: Thu Aug 10, 2017 4:26 am
by NewsReporter
VOA - Economy


Việt Nam mở thị trường chứng khoán phái sinh với “hợp đồng tương lai chỉ số VN30” là sản phẩm phái sinh đầu tiên giao dịch trong phiên khai mạc ngày 10 tháng 8, 2017. Chứng khoán phái sinh được Việt Nam chuẩn bị trong mấy năm qua nhắm mục tiêu huy động vốn cho thị trường tài chính và phát triển ngành tài chính của nước này. Trong cuộc phỏng vấn với đài VOA. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, nhận định rằng đây là thời điểm tốt để Việt Nam khởi động thị trường chứng khoán phái sinh, nhưng nó mang tính định tính hơn là định lượng.


VOA: Tại sao bây giờ Việt Nam cần phải có thị trường chứng khoán phái sinh?


Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Như chúng ta đều biết, thị trường chứng khoán của Việt Nam có một quá trình hoạt động trong nhiều năm, có một sự phát triển tốt. Tuy nhiên về mặt sản phẩm phái sinh thì còn rất hạn chế. Trong những sản phẩm phái sính tài chính, chẳng hạn như về ngoại tệ trong thời gian vừa qua đã có những phẩm phái sinh như forwards (hợp đồng kỳ hạn), optionss (hợp đồng quyền chọn). Còn trước đó chỉ có spot, có nghĩa là mua ngay. Mua kỳ hạn và mua tương lai chỉ được thực hiện trong vòng vài năm trở lại đây mà thôi. Còn chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu, những sản phẩm tài chính căn bản còn rất hạn chế. Một phần, thứ nhất là thị trường chứng khoán của Việt Nam còn rất non trẻ, thứ hai các sản phẩm căn bản là những cái đáp ứng được ngay nhu cầu của người mua, người bán và những thành phần tham dự trên thị trường chứng khoán. Còn những sản phẩm phái sinh mang tính cách phức tạp hơn, phát triển nhiều hơn thì cho đến bây giờ các thành viên trong thị trường chứng khoán cũng đã dần làm quen, nhưng trong thời gian qua thì nhiều sản phẩm vẫn còn mới mẻ với Việt Nam. Chính vì thế bây giờ là lúc thị trường chứng khoán thêm vào những sản phẩm phái sinh.


VOA: Trong ngày khai trương (10/8) chứng khoán phái sinh chỉ có một sản phẩm đó là ‘hợp đồng tương lai chỉ số VN30’, xin Tiến sĩ giải thích về hợp đồng tươn lai này.


TS Hiếu: Về hợp đồng tương lai, như chúng ta biết rằng nó là một cái hợp đồng ký kết bây giờ, nhưng việc giao dịch sẽ được thực hiện trong tương với một cái giá đã được ấn định trước. Đây là một hợp đồng mang tính rủi ro cao cho người mua lẫn người bán. Nhưng trong tất cả các thị trường tài chính, người ta kinh doanh trên cái rủi ro, và cái rủi ro đó một cái giá cho người mua và một cái giá cho người bán. Thị trường chứng khoán phái sinh với những sản phẩm forwards (hợp đồng kỳ hạn) và futures (hợp tương lai) mang tính rủi ro cao, chính vì thế nó có một cái giá đặc biệt. Từ trước tới nay các thành viên trên thị trường chứng khoán đều biết, nhưng phần đồng vẫn còn ngần ngại sử dụng các sản phẩm có tính rủi ro cao như vậy.


VOA: Tài sản cơ sở của hợp đồng tương lai chỉ số VN30 là gì, giá trị thực là gì?


TS Hiếu: Dĩ nhiên cái VN30 đó tập trung vào chứng khoán của những công ty lớn hàng đầu. Với một bước khởi đầu bằng chứng khoán của những công ty lớn, có báo cáo tài chính minh bạch và có thực lực tài chính tốt, thì tôi nghĩ việc bắt đầu bằng VN30 như thế này là một bước đầu thích hợp.


VOA: Tiếp theo sau hợp đồng tương lại chỉ số VN30, thị trường phái sinh của Việt Nam sẽ có tiếp những sản phẩm nào?


TS Hiếu: Chắc chắn đây là một thí điểm đầu, có lẽ Việt Nam muốn cho (nói theo ngôn từ bình dân) là “chắc ăn,” muốn trắc nghiệm bằng một vài sản phẩm mang tính cách biểu tượng và bền vững, rồi sau cái VN30, tôi chắc chắc sẽ có những sản phẩm phái sinh mở rộng hơn. Nhưng tôi nghĩ rằng có lẽ Việt Nam rất thận trọng trong vấn đề sử dụng những sản phẩm phái sinh. Như chúng ta biết thị trường vốn của Việt Nam hiện tại còn rất giới hạn. Trên thị trường tài chính có hai thị trường, đó là money market là thị trường tiền tệ và capital market là thị trường vốn. Thị trường tiền tệ phát triển bao nhiêu năm chủ yếu giữa các thành viên liên ngân hàng. Trái phiếu ngắn hạn của tư nhân và chính phủ và lượng tiền gởi ngân hàng nằm trong hệ thống tiền tệ. Hệ thống tiền tệ này được điều hành một cách khá trơn tru, và đặc biệt là trong thời gian 10 năm gần đây thị trường tiền tệ được nền kinh tế và ngân hàng trung ương xử lý mạnh mẽ. Dĩ nhiên thị trường vốn thì còn rất giới hạn, chính vì thế những sản phẩm truyền thống thì dễ hiểu, dễ sử dụng, dễ kiểm soát hơn. Bây giờ tiến tới một giai đoạn phát triển mới là sử dụng sản phẩm phái sinh. Nhưng tôi nghĩ rằng Việt Nam cũng cần phải đi từng bước một. Chính vì thế VN30 là một khởi điểm tốt, một thí điểm tốt. Tôi nghĩ cần một thời gian, ít nhất là một năm nữa chúng ta mới có thể những sản phẩm phái sinh tinh vi phức tạp hơn và mang tính rủi ro cao hơn.


VOA: Thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam sẽ nhắm vào đối tượng, nhà đầu tư nào – trong nước, công ty, hay nước ngoài?


TS Hiếu: Khởi đầu có lẽ nhà đầu tư nước ngoài sẽ mạnh tay hơn các nhà đầu tư trong nước là vì những sản phẩm phái sinh đối với các nhà đầu tư nước ngoài là những công cụ tài chính quen thuộc rồi, còn các nhà đầu tư trong nước, theo tôi, đang trong tiến tình bắt đầu cuộc học hỏi, cho nên tôi nghĩ bước đầu các nhà đầu tư trong nước tham gia một cách khiêm tốn hơn.


VOA: Độ rủi ro và sự an toàn của chứng khoán phái sinh trong bối cảnh của thị trường Việt Nam?


TS Hiếu: Đây là một câu hỏi rất lý thú. Chúng ta biết rằng sản phẩm phái sinh là một sản phẩm dựa trên sản phẩm cơ bản. Bản thân sản phẩm phái sinh, tiếng Anh là derivatives, là một sản phẩm xuất từ sản phẩm cơ bản, thành ra độ rủi ro của nó cao hơn. Đặc biệt trong bối cảnh của môi trường tài chính Việt Nam, với những chỉ số từ lạm phát cho đến tăng trưởng, nhưng chỉ số về tiền tệ … tương đối biến động nhanh, mạnh hơn ở các nền kinh tế phát triển. Trong cái môi trường tài chính như thế, tôi nghĩ độ rủi ro của sản phẩm tái sinh rất cao, chính vì thế có lẽ thị trường Việt Nam nên phát triển một cách từ tốn, từng bước một. Tuy nhiên có một điều rất lý thú là VN Index trong thời gian hai năm vừa qua tăng trưởng rất tốt – năm 2016, VN Index tăng 30%, và qua 2017 VN Index đang tiến đến 800 điểm, và từ hồi đầu năm đến giờ đã tăng hơn 15%. Tăng trưởng mạnh như thế là một dấu hiệu tích cực, nhưng tăng trưởng mạnh như thế nó có tính rủi ro cao. Do đó tôi nghĩ sản phẩm phái sinh ra lò ngày 0/8 là một điều tích cực, nhưng tôi chắc rằng các thành phần tham dự thị trường chứng khoán phải cẩn trọng, và trong bối cảnh đó tôi nghĩ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ mạnh dạn hơn trong việc sử dụng sản phẩm phái sinh của Việt Nam.


VOA: Phản ứng của thị trường về sự ra đời của chứng khoán phái sinh?


TS Hiếu: Có lẽ những người tham gia thị trường một cách tích cực thì họ phấn khởi vì nó có nhiều sản phẩm, như chúng ta biết là với thị trường có nhiều sản phẩm thì chúng ta càng có nhiều lựa chọn. Với những nhà đầu tư chuyên nghiệp thì họ cảm thấy vui, phấn khởi nhìn thấy thị trường đang mở rộng, có những sản phẩm để họ sử dụng. Và khi họ sử dụng nhiều sản phẩm khác nhau thì họ thu vào những cái rủi ro của nhiều kỳ hạn khác nhau, của nhiều sản phẩm khác nhau để nó trung hòa các rủi ro. Còn với những nhà đầu tư bán chuyên nghiệp, có lẽ sản phẩm phái sinh hiện tại chưa phải là cái mà họ sẽ tham gia mạnh mẽ vào lúc này.


VOA: Các nhà quản lý, các nhà lập kế hoạch đặt mục tiêu sẽ huy động thêm được bao nhiêu vốn nữa từ thị trường này?


TS Hiếu: Tôi không được biết các nhà quản lý, các nhà làm chính sách và kế hoạch khi xây dựng một thị trường phái sinh thì mục tiêu của họ đặt ra như thế nào. Nhưng theo tôi thì có lẽ chưa nên có một mục tiêu là qua cái sản phẩm phái sinh như thế này thì chúng ta sẽ đạt được một chỉ số chứng khoán hóa trên thị trường là bao nhiêu. Hiện tại vốn hóa trên thị trường chứng khoán của Việt Nam chiếm hơn 50% GDP. Tôi không nghĩ chúng ta nên đặt ra chỉ tiêu chỉ số chứng khoán hóa sẽ tăng 10% hoặc 20%, mà có lẽ đây là một việc mở rộng thị trường mang tính cách định tính hơn là định lượng. Tôi không biết các nhà làm chính sách có một mục tiêu về định lượng hay không để mà tăng tưởng bao nhiều tỉ đôla hoặc bao nhiêu phần trăm. Tôi nghĩ rằng việc đưa ra những sản phẩm như thế này nó mở rộng thị trường, có thể nói là nó nâng cao chất lượng của thị trường, và nó nâng thị trường chứng khoán (Việt Nam) lên thêm một bậc nữa trong việc phát triển thị trường chứng khoán, và nó mang tính cách định tính nhiều hơn là định lượng.


VOA: Xin cám ơn Tiến sĩ.