Trump, Erdogan lạc quan quan hệ Mỹ-Thổ, dù còn bất đồng
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố rằng cuộc gặp gỡ đầu tiên của hai ông ở Washington là khởi đầu cho một chương quan hệ mới giữa hai nước. Ông Erdogan đi thăm Washington sau khi Mỹ loan báo sẽ cấp khí giới cho người Kurd ở Syria cách nay hai tuần, để giúp người Kurd tiến chiếm cứ địa Raqqa của Nhà nước Hồi giáo. Thổ Nhĩ Kỳ cực lực phản đối kế hoạch này của Mỹ. Họ nói rằng người Kurd ở Syria liên kết với một tổ chức khủng bố của người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Những người ủng hộ ông Erdogan lẫn những người chống ông tụ tập bên ngoài Tòa Bạch Ốc trong lúc ông họp với Tổng thống Trump hôm thứ Ba 16/5.
Trong cuộc họp báo chung, Tổng thống Trump phát biểu thận trọng về lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến khủng bố:
“Chúng tôi ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống khủng bố và các nhóm khủng bố như Nhà nước Hồi giáo và tổ chức khủng bố PKK của người Kurd, và kiên quyết không để cho các nhóm khủng bố đó có cứ địa.”
Song Tổng thống Trump không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy ông sẽ rút thôi hậu thuẫn người Kurd ở Syria theo yêu cầu của ông Erdogan.
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ phát biểu: "Chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép các nhóm đó lợi dụng lý do chống khủng bố để phá vỡ cấu trúc của khu vực và cơ cấu sắc tộc trong khu vực."
Tổng thống Erdogan cũng không thuyết phục được Hoa Kỳ giải giao giáo sĩ người Thổ Nhĩ Kỳ Fethullah Gullen, người bị ông cáo buộc đã xúi giục cuộc đảo chánh bất thành hồi nằm ngoái. Các nhà phân tích nói rằng nhà lãnh đạo chuyên quyền Thổ Nhĩ Kỳ không chịu nhượng bộ đối với hai điểm lớn này, nhưng có lẽ đã đồng ý với các thỏa thuận có lợi khác.
Ông Howward Eissestat, chuyên gia của dự án Dân chủ Trung Ðông, nhận định:
“Có lẽ ông Erdogan đã nhận được thêm những hỗ trợ cho an ninh trong nước để chống nhóm PKK và có lẽ cũng được bật đèn xanh để tấn công Sinjar ở miền bắc Iraq."
Theo ông Eissenstat, cuộc gặp gỡ với ông Trump giúp tăng thêm thêm uy tín cho ông Erdogan ở Thổ Nhĩ Kỳ. Hoa Kỳ lên án cuộc đảo chánh bất thành hồi năm ngoái chống ông Erdogan, nhưng cũng chí trích chính sách đàn áp của ông đối với các thủ lãnh bị tình nghi của cuộc đảo chánh cũng như các nhà báo và những người bất đồng chính kiến.
Ông Eissensta nhận định: “Đó là một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, nhưng như những cuộc hôn nhân không hạnh phúc khác, có những lý do nhất định phải duy trì và cái giá của ly hôn quá cao. Do đó điều mà tôi thực sự trông mong là Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục cuộc hôn nhân không hạnh phúc đó trong tương lai trước mắt."
Là một thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ là một phần của liên minh quân sự hùng mạnh với một một mạng lưới tình báo toàn cầu hết sức cần thiết. Hoa Kỳ có một đối tác mạnh tại Thổ Nhĩ Kỳ và được sử dụng các căn cứ quân sự có tâm quan trọng chiến lược tại đó.