" Vành đai con đường", tham vọng khó thành của Trung Quốc?
WASHINGTON DC —
900 tỉ USD để xây dựng 6 hành lang kinh tế nối Trung Quốc với 65 quốc gia. Các nước tham gia dự án “Vành đai-Con đường” của Trung Quốc chiếm 60% dân số thế giới, với 30% GDP toàn cầu. Bắc Kinh cam kết bỏ ra 124 tỉ USD để thực hiện kế hoạch này. Đó là những nội dung được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra tại cuộc hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong hai ngày 14 và 15/5 ở Bắc Kinh. Liệu tham vọng này có khả thi?
Có 29 quốc gia cử đại diện tham dự hội nghị thượng đỉnh tại Bắc Kinh với nội dung chính xoay quanh dự án “Vành đai-Con đường” của Trung Quốc. Theo lời Chủ tịch Tập Cận Bình, "sáng kiến Vành đai-Con đường bắt nguồn từ Trung Quốc, nhưng nó thuộc về cả thế giới. Vành đai-Con đường trải rộng qua các khu vực khác nhau, các giai đoạn phát triển và các nền văn minh. Đó là một nền tảng hợp tác mở và toàn diện." Ông Tập cũng vạch ra tầm nhìn cho kế hoạch Vành đai-Con đường, cam kết sử dụng phát triển để chống lại một loạt các vấn đề từ khủng bố đến nghèo đói.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thực tế sáng kiến này của Trung Quốc chỉ nhằm 2 mục tiêu là mở khóa cho các vùng kinh tế còn gặp nhiều khó khăn ở khu vực phía Tây của Trung Quốc và giải quyết hàng hóa sản xuất dôi dư nội địa hiện nay. Viện dẫn cho nhận định này, giới phân tích nêu lên rằng những nước tham dự hội nghị chủ yếu là các quốc gia đói nghèo ở khu vực Châu Phi, Mỹ La tinh, và những nước kém phát triển, chịu nhiều ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Châu Á như Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar. Đây là những quốc gia từ vài thập kỷ nay đã được nhắm đến như thị trường tiêu thụ hàng hóa dôi dư, kém chất lượng của Trung Quốc.
Từ California, chuyên gia kinh tế và chính trị quốc tế Nguyễn Xuân Nghĩa phát biểu với VOA Việt ngữ: “Trung Quốc có những vấn đề về an ninh và kinh tế bên trong của họ. Có 11 tỉnh bị khóa bên trong lục địa ở miền cực tây. Đó là những vùng lạc hậu và kém mở mang. Đồng thời họ cũng có một số những nguyên vật liệu sản xuất dư thừa ra, không biết dùng vào đâu cả. Vì thế họ đưa ra sáng kiến này theo cách gọi của họ là những “tẩu lang” để giải quyết những vấn đề khó khăn nội tại. Còn những quốc gia tham gia sáng kiến này chủ yếu là những quốc gia đói nghèo, cần tiền để xây dựng hạ tầng và giải quyết một số vấn đề kinh tế thì họ tham gia thôi.”
Hoa Kỳ có phái đại diện tham gia thượng đỉnh tại Bắc Kinh, nhưng, vẫn theo chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa, Mỹ thừa khôn ngoan để hiểu sáng kiến tham vọng này của Trung Quốc chưa thể đi đến những kết quả cụ thể. Việc cử đại diện tham gia, vì thế, chỉ nhằm mục đích quan sát và đánh giá về nội dung cuộc gặp thượng đỉnh này có ảnh hưởng gì đến tự do hàng hải ở khu vực biển Đông hay không mà thôi.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang, người đại diện Việt Nam tham dự thượng đỉnh này, đã đưa ra nhiều tuyên bố chung và riêng với người đứng đầu Trung Quốc, Tập Cận Bình. Theo nhận định chung của các chuyên gia, Việt Nam hiện phụ thuộc nặng nề về chính trị và kinh tế với Trung Quốc, nên sự xuất hiện của ông Quang trong dịp này là điều dễ hiểu nhưng sự hiện diện đó có đem đến những hành động cụ thể và hiệu quả hay không thì lại là một vấn đề hoàn toàn khác.
Tiến sĩ Vũ Quang Việt, một chuyên gia kinh tế có uy tín lâu nay tại các tổ chức kinh tế thế giới, nhận định với VOA: “Việt Nam hiện ở thế không thể đối đầu với Trung Quốc, nên một ông Chủ tịch nước hay Tổng Bí thư đị dự hội nghị là đương nhiên. Nếu không đi hay cử cán bộ cấp thấp đi, thẳng thừng từ chối như Ấn Độ thì đó sẽ trở thành một vấn đề chính trị lớn. Vì thế, họ nếu như vì Việt Nam thật, thì họ cũng vẫn phải đi, đến nơi để tay bắt mặt mừng, tuyên bố này nọ nhưng cái chuyện thực hiện những gì sau này lại là chuyện khác. Vì hợp tác với Trung Quốc là vay nợ và phải trả nợ cho Trung Quốc mà có hợp tác với sáng kiến này của Trung Quốc thì cũng chỉ là xây đường cho nó chuyển hàng thôi.”
Ngay trong thời gian hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại Bắc Kinh, Bắc Triều Tiên hôm 14/5 đã tiến hành phóng thử một phi đạn đạn đạo hai tầng mới, có thể mang đầu đạn hạt nhân. Đây có thể coi là một thất bại cho Tập Cận Bình, bởi lâu nay Bình Nhưỡng vẫn được coi là chế độ được Trung Quốc xây dựng và bảo trợ. Người ta nghi ngại rằng ngay chính đối với chế độ Bình Nhưỡng, Bắc Kinh còn không điều khiển được, thì nói gì đến chuyện xây dựng một dự án tham vọng, áp đặt ảnh hưởng lên 65 quốc gia tại cả 3 lục địa Châu Á, Châu Phi và một phần Châu Âu. Và để mở rộng ảnh hưởng một cách hiệu quả, cần phải có sự minh bạch và uy tín, điều mà Trung Quốc vẫn còn đang phải phấn đấu gây dựng.