Nghìn năm bia miệng
Mặc dầu quy luật của thế gian là “trăm năm bia đá cũng mòn,” một chế độ muốn tuyên truyền những điều tốt đẹp cho chế độ mình, phải đã hết sức xây cho mình nhiều tượng đá về các nhân vật của thời đại mình, đặc biệt là tượng lãnh tụ, trên đó khắc những dòng chữ ca tụng hết lời những điều tốt đẹp cho chế độ.
Theo thời gian “nước chảy đá mòn,” cũng không phải có một chế độ nào là vĩnh viễn, nên mỗi lần, có một cuộc thay đổi chế độ, lại một lần bao nhiêu bức tượng bị đập vỡ, khuôn mặt lãnh tụ bị kéo nát lê lết trên mặt đường như trường hợp Lenin, Staline.
Rồi tượng những anh hùng “không có thật,” tượng Mẹ suốt đời cơ cực, tượng nông dân, công nhân, những kẻ lót đường cho bạo lực, cho một chủ nghĩa quốc tế, chỉ đem lại lợi nhuận và no ấm cho một thế lực cầm quyền.
Tin tức từ cơ quan tuyên giáo đảng CSVN, hiện Việt Nam có 158 tượng Hồ Chí Minh, và từ đây cho đến năm 2030 Việt nam sẽ cho xây cất thêm 58 tượng ông Hồ nữa.
Như vậy cũng chưa đủ, theo nhà đúc tượng Lưu Danh Thanh thì “hiện nay hầu hết các tượng đài trên cả nước đều là tượng Bác đứng, giơ tay chào, chỉ có một vài cái tượng là Bác Hồ ngồi. Chính vì mẫu mã cứ na ná nhau như vậy nên dù chúng ta đã làm nhiều tượng đài về Chủ Tịch Hồ Chí Minh nhưng vẫn khiến người ta có cảm giác ít.”
Nếu thực nhân dân đang “có cảm giác ít,” hãy làm thêm trăm tượng nữa, đâu có sao! Một bức tượng thuộc loại quái quỷ này trong tương lai của một tỉnh nghèo đói như Sơn La, kinh phí lên đến 1.400 tỷ VN, 1 tỷ bằng 54,000 đô la Mỹ.
Trong khi đó bằng mọi giá, người Cộng Sản Việt Nam cố san bằng dấu tích tội ác để thế hệ tương lai của con cháu đời sau chỉ nhắm mắt như con ngựa thồ, chỉ biết những gì đảng dạy, đảng nói.
Người đời sau biết gì về cuộc di cư vĩ đại của dân miền Bắc sau ngày Cộng Sản tiếp thu Hà Nội? Con cháu chúng ta biết gì về cuộc vượt biên, vượt biển của người Việt cả hai miền, không thể sống với chế độ Cộng Sản, làm chấn động lương tâm nhân loại? Liệu chế độ Cộng Sản Việt Nam có viết lại được lịch sử hay xóa bỏ được những chứng tích lịch sử hay không?
Trại tị nạn Galang trên một hòn đảo ở Indonesia đã đón tiếp khoảng nửa triệu thuyền nhân tị nạn Cộng Sản vào các năm 1978-1990, và sau đó những người tị nạn dựng một tấm bia Thuyền Nhân Việt Nam tại đảo Galang, tưởng niệm những nạn nhân Cộng Sản đã đến được bến bờ tự do hoặc đã bỏ thây trên biển cả. Tấm bia này được khánh thành với sự chứng kiến của ông Sofian De Jalil, Tổng Giám Đốc Nhà Truyền Thông của Bộ Ngoại Giao Indonesia, và đại diện cao cấp của chính phủ tiểu bang Batam. Đó chỉ là một điều bình thường để ghi dấu lịch sử, nhưng Việt Cộng sợ hãi, áp lực với chính quyền Indonesia, gửi công văn ngoại giao chính thức tạo áp lực cho nhà cầm quyền Indonesia tháo bỏ bia tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam này.
Nhưng liệu Việt Cộng có đục bỏ được những kỷ niệm chết chóc, máu và nước mắt của thảm kịch cả một dân tộc Việt Nam sau ngày Saigon thất thủ vào tay Cộng Sản hay không?
Nhân dân Việt Nam ai cũng biết đến vụ thảm sát tại Huế vào dịp Tết Mậu Thân 1968. Sau khi Việt Cộng rút lui, chính quyền VNCH đã sưu tầm và cải táng chung về một ngôi mộ tập thể tại hai nghĩa trang ở Huế gần núi Ngự Bình, gọi là Nghĩa Địa Ba Tầng tại Huế. Ngôi mộ đã được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm khánh thành long trọng.
Nhưng năm 1975, ngay sau khi chiếm Huế, Cộng Sản cho xe ủi đất san bằng hai ngôi mộ này, để người đời sau không ai còn biết đến hầm chôn tượng trưng cho tội ác lớn lao của chúng, nhưng liệu chúng có xóa được trong trí nhớ của người dân Huế về những ngày kinh hoàng này không? Nếu nói những xác người trong các hầm chôn tập thể hồi Mậu Thân, bị trói tay đánh bể đầu là nạn nhân của Mỹ Ngụy, sao Cộng Sản không để lại để tuyên truyền cho tội ác của dối phương, mà đã nhanh chóng thủ tiêu gọn gàng đến vậy?
Ai đã san bằng ngôi mộ tập thể chôn xác người Thừa Thiên - QuảngTrị trên đoạn Quốc Lộ số 1, trong Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972. Người dân Quảng Trị chạy giặc Cộng Sản trên đoạn đường này đã bị Trung Đoàn Pháo Binh Bông Lau của Việt Cộng, pháo kích tàn sát không nương tay. Nhật Báo Sóng Thần ngày đó, trong chiến dịch “Chết Một Nấm Mồ" đã nhặt nhạnh, chôn cất 1841 thi thể tại một khu đất sau lưng trường tiểu học Phong Nguyên ở Mỹ Chánh, được biết tới với tên Nghĩa Trang Đồng Bào Chiến Nạn Quảng Trị. Nhưng cũng như di tích tội ác của Nghĩa Trang Ba Tầng Mậu Thân, nghĩa trang chôn xác người trên Đại Lộ Kinh Hoàng đã bị Cộng Sản san bằng để xóa hết tội ác năm 1975.
Việt Cộng khi vào Huế trong ngày Mồng Hai Tết Mậu Thân đã bắt đi bốn người Đức là ông bà Bác sĩ Horst Gunther Krainick, Bác sĩ Raymund Disher và Bác sĩ Alois Alterkoster, những người không can dự đến cuộc chiến và đem đi giết chết, vùi sau vườn chùa Tường Vân. Sau đó, khi miền Nam chiếm lại Huế, và sau khi đã long trọng tiễn đưa linh cữu của những ân nhân này về quê hương, một tấm bia tưởng niệm đã được dựng lên tại Đại Học Y Khoa Huế, để ghi ơn quý vị bác sĩ, giáo sư đã góp công xây dựng, đào tạo những bác sĩ tài năng và đã hy sinh đời mình cho lý tưởng phụng sự ngành y trên quê hương Việt Nam.
Nhưng ngay sau khi chiếm Huế năm 1975, Việt Cộng đập bỏ bia tưởng niệm này, đem vất xuống hồ rau muống nằm giữa trường Y Khoa Huế và trường Cán Sự Ðiều Dưỡng.
Từ năm 1990 đến nay, những kẻ uống máu người không tanh, Võ Văn Kiệt (1993); Nông Ðức Mạnh (1993); Phan Văn Khải (2001); Nguyễn Tấn Dũng (2008), Phạm Gia Khiêm đã lần lượt đến Ðức, hết lời ca tụng mối “quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển tích cực, sâu rộng, hiệu quả và toàn diện,” để xin viện trợ trên 1 tỉ Euro cho các dự án ODA tại Việt Nam. Liệu họ có nhớ gì hình ảnh quý vị giáo sư người Đức bị trói thúc ké, với vết đạn “xử tử” qua thái dương và tấm bia bị vứt trong ao rau muống hay không?
Khi cuộc khởi nghĩa Việt Nam Quốc Dân Đảng thất bại, sau khi lãnh tụ Nguyễn Thái Học và 12 đảng viên lãnh đạo hy sinh tại Yên Báy năm 1930, phần lớn đảng viên bị bắt, bị giới cầm quyền Pháp tại Việt Nam lúc đó nhốt tù ở Côn Sơn, và tuyên án chung thân khổ sai biệt xứ và lưu đầy 525 chiến sĩ, trong đó có 325 Việt Quốc từ Côn Sơn sang French Guyana, vùng đất nằm giữa hai nước Venezuela và Brazil. Vào năm 2010, một phái đoàn Việt Nam Quốc Dân Đảng đích thân đến Guyane, tổ chức lễ dựng Bia Tưởng Niệm bằng đồng nặng để tưởng niệm các liệt sĩ. Nhưng năm 2016, một phái đoàn CSVN đã đến đây nhằm phá bỏ, đập đổ tấm bia tưởng niệm với mục đích xóa bỏ dấu tích chống Pháp của những đảng viên Quốc Dân Đảng.
Bộ Ngoại Giao Việt Nam khoe, cho đến nay tượng và tượng đài tưởng niệm Bác đã có mặt tại khoảng 20 nước trên thế giới ở cả châu Á, châu Âu, châu Mỹ và châu Phi. Xin thông tin rõ cho biết tượng “bác Hồ” hiện đặt ở những nơi nào, Singapore, Nam Vang, Thái Lan, Trung Quốc, Mã Lai, Indonesia… hay là ở Bến Ninh Kiều, Cần Thơ?
Cũng trong niềm hân hoan, Việt Nam nên hãnh diện hiện có khoảng 5.000 phụ nữ Việt Nam đang hoạt động mại dâm trá hình ở Malaysia. Đây không phải là tin bịa đặt, mà là thông tin của ông Nguyễn Minh Kiệm, phó trưởng phòng thường trực Chương Trình Phòng Chống Mua Bán Người, Cục Tham Mưu Cảnh Sát, Bộ Công An. 3.000 phụ nữ đang làm nghề “osin” ở Ả Rập Saudi. Tính đến 2011, Việt Nam có khoảng 500.000 lao động làm việc tại nước ngoài. Theo thông tin báo Thanh Niên đưa tin, những năm gần đây có khoảng 100.000 phụ nữ Việt lấy chồng ngoại quốc mỗi năm.
Ngư Dân Việt Nam từ nay không có quyền đánh cá trong vùng biển của mình, phải ra đi kiếm ăn ở các vùng biển nước khác, họ đã bị bắn chết, bắt cầm tù, tàu bị đốt, nộp phạt. Biển chết, đến đỗi dân miền Trung phải bỏ quê hương đi những xứ trước kia nghèo khổ hơn mình để làm thuê qua ngày.
Những điều mà người dân nghĩ về chính quyền của họ, khuôn mặt Việt Nam đẹp đẽ thế nào đối với thế giới mới là điều quan trọng. Dựng lên hàng nghìn tượng đài, phá bỏ, hủy diệt đi hàng trăm dấu tích tội ác của mình cũng không đi đến đâu, vì bia miệng mới là muôn đời, bia đá đâu có qua được cảnh mưa gió, đổi đời trăm năm!