Giới hoạt động vận động chữ ký cho yêu sách về quyền đất đai
Hơn 10 nhóm xã hội dân sự và gần 100 nhà hoạt động hiện đang vận động chữ ký cho một yêu sách đòi chính quyền Việt Nam “khẩn cấp cải cách chính sách đất đai”.
Hai điểm hàng đầu trong bản yêu sách là yêu cầu quốc hội, chính phủ và Đảng Cộng sản Việt Nam “công nhận và bảo hộ quyền tư hữu đất đai, nhà ở”; cũng như “phải bồi thường đúng giá trị” khi chính quyền lấy đất của dân để xây dựng các cơ sở an ninh, quốc phòng, hạ tầng công cộng quan trọng.
Những người soạn yêu sách đòi hỏi rằng nếu xảy ra tranh chấp khi nhà nước lấy đất mà không thỏa hiệp được, phải có công tác “giám định độc lập” và tranh chấp phải do tòa án giải quyết.
Bản yêu sách nhấn mạnh các doanh nghiệp trong hay ngoài nước phải thoả thuận với dân khi cần đất để làm các dự án vì mục đích sinh lợi.
Đối với các dự án vì lợi ích công cộng như trường học, bệnh viện, chợ, v.v…, bản yêu sách đặt ra yêu cầu các dự án đó vừa phải có mức đền bù thỏa đáng cho người dân bị lấy đấy, vừa phải cân nhắc xem chúng có mang lại lợi ích lớn hơn so với việc người dân phải di dời. Những người vận động cũng yêu cầu việc này phải được đồng thuận từ đa số người dân trong diện bị ảnh hưởng.
Một điểm đáng chú ý là bản yêu sách đòi “nghiêm cấm các lực lượng vũ trang nhân dân tham gia thu hồi đất”. Yêu sách cũng đề nghị “xử lý nghiêm minh công chức vi phạm chính sách đất đai”.
Người dân Dương Nội cũng sẵn sàng tuyên bố rằng nếu các biện pháp hòa bình như kêu gọi quốc tế lên tiếng hay các phương pháp đấu tranh ôn hòa, đấu tranh pháp lý mà không đem lại kết quả, thì phương án cuối cùng của người dân sẽ buộc phải nổ súng để giữ đất.
Anh Trịnh Bá Phương, đại diện cho nhóm Dân oan Dương Nội ở Hà Nội, một trong những nhóm ký yêu sách, nói với VOA rằng văn bản này là một cách truyền đi thông điệp của những người dân mất đất vì chính sách đất đai bất công.
Anh Phương, người có mẹ là một nhà tranh đấu vì quyền đất đai đang bị bỏ tù, nói anh tin rằng Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ đọc yêu sách này nhưng khó dự đoán đảng sẽ hồi đáp hay có hành động gì.
Trong nhiều năm qua, nhất là một thập niên gần đây, hàng loạt vụ tranh chấp đất đai nổ ra khi nhà nước và nhiều doanh nghiệp lấy đất của dân với mức đền bù thấp xa so với giá thị trường để làm các dự án công ích hoặc kinh tế.
Theo luật Việt Nam, nhà nước đặt ra các mức giá đất chính thức, thường thấp hơn nhiều so với giá thị trường, để tính thuế hoặc bồi thường. Cũng theo luật, người dân chỉ có quyền sử dụng đất, không có quyền sở hữu, dẫn đến nhiều bất lợi cho họ khi xảy ra tranh chấp.
Bị đẩy đến hoàn cảnh khốn cùng vì mất đất đai, người dân ở một số địa phương đã chống trả nhà chức trách hoặc những bên liên qua để giữ đất, như vụ việc mới đây ở xã Đồng Tâm, Hà Nội, hay đã vụ nổ súng chết người ở tỉnh Đắc Nông hồi năm ngoái.
Người đại diện của nhóm Dân oan Dương Nội, những người đã mất một phần lớn đất đai vì một dự án phát triển đô thị, cho rằng sẽ là hành động sáng suốt nếu đảng cộng sản cải cách luật đất đai, công nhận quyền tư hữu đất của người dân.
Dẫn ra tình hình của chính Dương Nội, anh Trịnh Bá Phương cảnh báo nếu không cải cách, nguy cơ người dân đi đến bạo lực để bảo vệ quyền lợi sẽ ngày càng tăng:
“Người dân Dương Nội cũng sẵn sàng tuyên bố rằng nếu các biện pháp hòa bình như kêu gọi quốc tế lên tiếng hay các phương pháp đấu tranh ôn hòa, đấu tranh pháp lý mà không đem lại kết quả, thì phương án cuối cùng của người dân sẽ buộc phải nổ súng để giữ đất. Người dân Dương Nội cũng đã tuyên bố rằng nếu như phía Đảng Cộng sản Việt Nam không lắng nghe người dân thì người dân Dương Nội sẽ tái hiện cả trăm vụ Đắc Nông. Đó là phương án cuối cùng vì mảnh đất Dương Nội gắn liền với máu thịt của người nông dân”.
Anh Phương nói trong thời gian qua chính phủ Việt Nam đã sử dụng “vũ lực và nhà tù” để trấn áp người dân đấu tranh vì quyền lợi đất đai ở Dương Nội và nhiều nơi khác ở Việt Nam, nhưng cho đến nay người dân vẫn không bị khuất phục và tiếp tục kiên quyết đấu tranh để giữ và giành lại tư liệu sản xuất.