Mỹ phát động chiến dịch ‘Ngày không phụ nữ’
Phụ nữ Mỹ được khuyến khích nghỉ làm, không tham gia các sinh hoạt xã hội, không mua sắm trong ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 năm nay để cho thấy sức mạnh kinh tế và tác động của nữ giới trong xã hội Hoa Kỳ.
‘Ngày không phụ nữ’ được phát động bởi những người từng đứng lên tổ chức Cuộc tuần hành của Phụ nữ thu hút hàng triệu người xuống đường phản đối bất bình đẳng giới tính, phân biệt đối xử, và o ép phụ nữ hôm 21/1, một ngày sau khi tân Tổng thống Donald Trump tuyên thệ nhậm chức.
Ban tổ chức nói ‘Ngày không phụ nữ’ diễn ra ngay trong dịp Quốc tế Phụ nữ nhằm tỏ tình đoàn kết với các phụ nữ trên khắp thế giới, tô đậm sức ảnh hưởng của nữ giới đối với hệ thống kinh tế xã hội, và cho thấy những việc làm có lương hay không lương của phụ nữ góp phần vận hành các ‘guồng máy’ từ trong nhà ra xã hội như thế nào. Ý tưởng này bắt nguồn từ chiến dịch tại Mỹ mang tên ‘Ngày không di dân’ hồi tháng trước.
Những người khởi xướng ‘Ngày không phụ nữ’ nói nữ giới làm tất cả mọi việc ngang bằng hoặc có thể là hơn cả nam giới, nhưng lại bị đối xử bất công, là mục tiêu bị sách nhiễu tình dục, được trả lương thấp hơn các nam đồng nghiệp, có ít cơ may tiến thân trong xã hội so với nam giới cũng như ít cơ hội chen chân vào chính trường hay giữ vị trí lãnh đạo so với các đấng mày râu.
Phụ nữ đóng góp rất nhiều cho gia đình, cho xã hội, nhưng chưa được nhận những quyền lợi tương xứng, thỏa đáng, ban vận động nói.
Cô Susan Tenney, nữ nhân viên của một công ty tư nhân tại bang Virginia, cho VOA Việt ngữ biết cô hoàn toàn tán thành ý tưởng ‘Ngày không phụ nữ’ để nhấn mạnh rằng mọi con người trên trái đất này phải được bình đẳng với nhau, bất kể giới tính.
“Tôi ủng hộ chiến dịch này. Tiếc là tôi không thể xin nghỉ để tham gia, nhưng tôi nhất định ủng hộ tất cả chị em phụ nữ có hành động vì ‘Ngày không phụ nữ,’" cô Tenney nói.
Bà Kierra Jones là quản lý một tiệm Starbucks ngay tại trung tâm thủ đô Washington DC, chuỗi doanh nghiệp cà phê thành công và nổi tiếng nhất của Mỹ. Bà cho biết số nhân công nữ trong chi nhánh bà tương đương với số nam nhân viên và được đối xử ngang bằng vì đặc tính ‘đa dạng’ của công ty Starbucks với đội ngũ nhân viên đủ mọi lứa tuổi, giới tính, và màu da. Tuy nhiên, ‘Ngày không phụ nữ’ khiến bà hơi lo âu cho doanh thu của công ty.
“Một ngày vắng phụ nữ mang lại tác động tích cực cho thông điệp muốn được lan tỏa, nhưng ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường lao động, đến công việc mua bán, sản xuất, dịch vụ,” bà chia sẻ với VOA Việt ngữ.
Trái với quan ngại của bà Jones, Tiến sĩ Ông Thụy Như Ngọc, Chủ nhiệm Tuần báo Việt Tide tại miền Nam California, bày tỏ tâm trạng phấn khởi với ‘Ngày không phụ nữ.’
“Cũng vui thôi vì cái đó là quyền tự do của mỗi người vì mình khuyến khích mọi người bày tỏ ý kiến của mình, nhất là trong thời hiện tại này, càng cần phải có ý kiến chính trị, cho nên ai làm được bất cứ điều gì thì mình hoan nghênh,” chị Ngọc nói.
‘Ngày không phụ nữ’ không chỉ kêu gọi nữ giới vắng mặt trong công sở, tham gia các cuộc tuần hành do địa phương hay các tổ chức trong cộng đồng tổ chức, mặc áo đỏ biểu trưng cho sự hy sinh và tình yêu thương, mà còn khuyến khích phụ nữ ‘bãi công’ không mua sắm dù là ra tiệm hay lên mạng.
“Phụ nữ mua sắm nhiều hơn bất cứ ai trên hành tinh này. Cho nên, một khi họ ngưng mua sắm, mọi người sẽ hiểu và trân trọng sự có mặt của họ hơn vì họ chính là nguồn mang lại thu nhập cho nhiều người trong xã hội,” cô Tenney khẳng định.
Ngay cả nơi mà phụ nữ được coi trọng hàng đầu với tiêu chí ‘Lady First’ như tại Mỹ, không ít phụ nữ vẫn cảm nhận nhiều thách thức, khó khăn đối với họ trong xã hội mà nguyên nhân chủ yếu đôi khi chỉ là vấn đề giới tính hay sắc tộc.
“Là một phụ nữ, nhất là phụ nữ da màu, trong xã hội này, tôi cảm thấy hết sức khó khăn vì nhiều khi mình bị hạ giá trị chỉ bởi màu da của mình, vì cách người ta phác họa về màu da của mình. Tôi ước gì không có thực trạng này, nhưng chúng ta không thể thay đổi cách nhìn của người khác dù là chúng ta có cố gắng đến đâu đi nữa. Cách duy nhất là phải phấn đấu không ngừng,” quản lý Kierra Jones của tiệm Starbucks nói với VOA Việt ngữ.
Nữ lãnh đạo của tuần báo Việt ngữ có tiếng trong cộng đồng người Việt hải ngoại cho rằng trong bất kỳ xã hội nào, người phụ nữ cũng phải tìm mọi cách để có tiếng nói và trách nhiệm này đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ thuộc sắc dân thiểu số như phụ nữ gốc Việt trong xã hội Mỹ. Không những cất lên tiếng nói cho cộng đồng của mình mà các phụ nữ Mỹ gốc Việt cũng cần phải liên kết với các cộng đồng khác để củng cố vị thế mạnh mẽ hơn trong xã hội Mỹ, chị Ngọc nói.
“Chúng ta đều phải có tiếng nói của mình để dành lấy những quyền lợi. Cho dù mình mang căn cước phụ nữ hay là người thiểu số, khi mình nói lên tiếng nói của mình thì thật sự mình cũng đóng góp cho xã hội rộng lớn hơn,” Tiến sĩ Ngọc chia sẻ.
Về mặt chính trị, sự góp mặt của nữ giới cũng còn ‘lép vế’ so với nam giới tại Hoa Kỳ, theo cảm nhận của nữ Tiến sĩ tốt nghiệp ngành Chính trị học từ đại học Cal State Irvine.
“Cũng mong những biến chuyển về chính trị sau kỳ bầu cử Tổng thống vừa rồi sẽ khiến nhiều phụ nữ có động lực để tham gia vào chính trị nhiều hơn. Và hy vọng sẽ có nhiều phụ nữ ra tranh cử trong kỳ sắp tới,” chị Ngọc tiếp lời.
Trước ngày 8/3, một số học khu như toàn bộ trường công của thành phố Alexandria, bang Virginia, hay tất cả trường học trong vùng Chapel Hill-Carrboro ở bang North Carolina đều loan báo hủy lớp, bãi trường vì dự kiến sẽ có nhiều nhân viên sẽ tham gia ‘Ngày không phụ nữ.’
Một số doanh nghiệp cũng hoặc là đóng cửa tiệm hoặc cho nhân viên nữ nghỉ làm trong ngày này.
Chưa rõ số lượng tham gia cuộc vận động ‘Ngày không phụ nữ’ đông đảo đến đâu nhưng trước đó một ngày đã có hàng chục ngàn lượt nhấp chuột vào mẫu email ‘nghỉ làm’ được soạn sẵn trên website của ban vận động.
“Lâu lâu có một dịp phụ nữ được nghỉ xả hơi một ngày như thế này cũng là một dịp tốt. Hãy để thử xem có những ảnh hưởng thế nào đối với xung quanh. Thật ra, chỉ là một ngày. Nếu nói chuyện lâu dài phải có chiến lược xa hơn, rộng hơn là chỉ một ngày nghỉ không tham gia vào guồng máy của xã hội,” Tiến sĩ Ngọc kêu gọi.
Ban tổ chức cho biết theo con số đăng ký trước, cứ 4 người từng góp mặt trong Cuộc tuần hành của Phụ nữ hôm 21/1 thì có 1 người tham gia chiến dịch ‘Ngày không phụ nữ’ lần này.
Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong xã hội Mỹ. Theo thống kê, nữ giới chiếm hơn 47% lực lượng lao động tại Hoa Kỳ và chiếm ưu thế trong các nghề như y tá, phụ tá nha sĩ, thu ngân, kế toán, và dược sĩ. Phụ nữ cũng chiếm ít nhất 1/3 số y bác sĩ và chuyên gia phẫu thuật, luật sư và thẩm phán của Mỹ. Trong số sinh viên đại học, nữ giới chiếm hơn phân nửa, hiện ở tỷ lệ 55%.
Tuy nhiên, lương của phụ nữ tại Mỹ vẫn thua nam giới, một tám một mười. Dữ liệu thống kê cho thấy thu nhập trung bình của phụ nữ Mỹ trong năm 2015 ở mức 40.742 đô la/năm so với mức 51.212 đô la/năm của nam giới.