Trung Quốc điều chỉnh sách giáo khoa môn sử
Bắt đầu từ học kỳ xuân năm nay, Trung Quốc sẽ đưa cụm từ ‘cuộc kháng chiến 14 năm của nhân dân Trung Quốc chống lại ách xâm lăng của Nhật’ vào sách giáo khoa, Tân Hoa xã ngày 10/1 dẫn nguồn tin từ Bộ Giáo dục cho hay.
Trung Quốc là nước đầu tiên chống lại các lực lượng phát xít khi quân đội Nhật bắt đầu xâm chiếm Đông Bắc Trung Quốc vào ngày 18/9/1931.
Sách giáo khoa hiện nay của Trung Quốc ghi ‘cuộc kháng chiến 8 năm của nhân dân Trung Quốc chống lại ách xâm lăng của Nhật’, phản ánh thời điểm khởi sự cuộc xâm chiếm toàn diện của Nhật tại Trung Quốc vào ngày 7/7/1937.
Tân Hoa xã nói việc điều chỉnh này phản ánh toàn bộ các tội ác do binh sĩ Nhật gây ra thời chiến, nêu rõ 14 năm nhân dân Trung Quốc liên tục chiến đấu chống lại Nhật xâm lược bắt đầu từ năm 1931.
Sách giáo khoa sửa đổi áp dụng cho tất cả các trường và đại học trên cả nước.
Thông cáo của Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết sách cải cách phải nhấn mạnh ‘Trung Quốc là mặt trận Đông Á chủ yếu trong cuộc chiến chống lại phát xít thế giới’.
Bộ nói đã tham khảo cẩn thận ý kiến các sử gia về việc sửa đổi này.
Quyết định vừa kể đang gây ‘bão mạng’ với nhiều ý kiến đa chiều. Có người nói rằng họ vui mừng vì cuối cùng lịch sử cũng ghi nhận công bằng xương máu mà cha ông họ đã đổ xuống. Tuy nhiên, có người bày tỏ hoài nghi, cho rằng không chỉ giai đoạn lịch sử cụ thể này mà toàn bộ lịch đương đại của Trung Quốc đều mang tính hư cấu.