Ngành than đá Mỹ nhìn vào tương lai sau thời hoàng kim

PostWed Nov 09, 2016 5:00 pm

VOA - Economy


Tại miền đông tiểu bang West Virginia, kho tàng nhiều thế hệ thợ mỏ tìm thấy được lâu nay không phải là vàng hay bạc mà là những mạch than đá chìm sâu bên dưới những dãy núi hiểm trở của bang. Than đá giúp tài trợ cho quân đội Liên bang trong suốt cuộc Nội chiến Mỹ cách đây hơn một thế kỷ rưỡi.


Than đá cũng thu hút các thợ mỏ di dân từ châu Âu đến và giúp các ngành công nghiệp khác hoạt động. Tuy nhiên với sự phát triển của dầu mỏ, khí đốt và các loại năng lượng tái tạo khác cùng với sự kiểm soát khắc khe về khí thải, than đá giờ đây không còn là nguồn lợi của nhiều địa phương nữa.

Vào đầu tháng 6 năm nay, bà Tammy Mondrage, một y tá tại Trường Trung học Ridgeview vùng tây nam Virginia, mất việc khi Hội đồng Giáo dục cắt giảm hơn 40 việc làm vì lý do ngân sách.


Bà Mondrage, gần 50 tuổi là người làm việc chính để nuôi sống gia đình gồm 4 người và tin này làm bà choáng váng nhưng bà không thực sự ngạc nhiên.


Bà nói:


“Cắt giảm ngân sách xảy ra khi công nghiệp than đá suy thoái. Trong quận hạt này, nó cũng ảnh hưởng đến hệ thống giáo dục nữa và do đó ảnh hưởng đến tôi.”


Bà Mondrage hiện cư ngụ tại ấp Steinman. Ấp này được đặt theo tên của Anh em Steinman, người đã điều hành một mỏ than trong khu vực này cách đây một thế kỷ.


Nhờ công nghiệp than đá, cư dân trong vùng trước kia hầu như không bị ảnh hưởng vì ngân sách thiếu hụt hay thất nghiệp.


Tuy nhiên mọi việc bắt đầu trở nên khó khăn cách đây một năm khi ông David, chồng bà Tammy mất việc tại Công ty Than đá Paramont.

Than đá là một thành phần thiết yếu trong nền kinh tế Mỹ kể từ cuối thế kỷ 19 và là nguồn năng lượng chính. Tại vùng Appalachian, những người như gia đình bà Mondrage dựa vào công nghiệp than đá để mưu sinh trong nhiều thế hệ.

Tuy nhiên do những qui định chặt chẽ về khí thải các-bon, giá dầu hạ và nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng sạch, sản xuất than đá đã sụt giảm trong vài năm qua. Theo như Cơ quan Quản trị Thông tin Năng lượng Mỹ EIA, chỉ trong hai năm 2014 và 2015 không thôi, sản xuất than đá trong nước giảm 10%.


Điều này gây thiệt hại cho những cộng đồng phụ thuộc vào than đá, nhiều nơi thuộc vùng Núi Appalachian.


Ông Earl Gohl, đồng chủ tịch liên bang của Uỷ ban Vùng Appalachian ARC nói “Trong 100 năm qua hay hơn nữa, nhiều cộng đồng chỉ có một nguồn làm việc, một nguồn lợi tức và khi than đá sụt giảm trầm trọng thì hiện nay điều quan trọng là có bước kế tiếp và làm việc với các quận hạt để thực hiện việc chuyển đổi này.”

Những cộng đồng địa phương trong vùng Núi Appalachian đã bắt đầu, dù vẫn còn chần chừ, nghĩ đến việc đa dạng hóa nền kinh tế địa phương. Một số quận tại Virginia, với sự giúp đỡ của các đối tác chính phủ đang thực hiện những dự án để thu hút du khách và những người ưa mạo hiểm.

Nằm giữa những dãy núi xanh, thị trấn nhỏ Cleveland tại Quận Russel, tiểu bang Virginia vào giữa thế kỷ qua từng có 4 cửa hàng thực phẩm, một vài ngân hàng, một khách sạn và một nhà ga xe lửa.

Tuy nhiên dân số Cleveland đã sụt giảm chỉ còn khoảng một phần tư so với những năm 1950. Không còn những cửa hàng, khách sạn như thế nữa, và Thị trưởng David Sutherland cho biết tất cả các trường học đều đóng cửa vì thiếu ngân sách.


“Trường cấp 3 đóng cửa, rồi trường cấp 2 đóng cửa, trường tiểu học còn lại cũng đóng cửa cách đây 3 năm. Do đó vào lúc này, chúng tôi không còn trường học nào cả.”


Tuy nhiên Cleveland có những điều mà ngành than đá suy thoái không thể ảnh hưởng đến đó là những đường mòn đẹp đẽ trên núi và con sông Clinch, chảy xuyên qua thị trấn. Cộng đồng địa phương cùng với các đối tác địa phương và tiểu bang, đang thực hiện một dự án hành động để phát triển du lịch trong khu vực. Và mới đây, một doanh nhân đã mở một cửa hàng gần tòa thị chính cho thuê thuyền bè.

Thị trấn Haysi gần đó cũng cải thiện hạ tầng cơ sở với hy vọng thu hút du khách và các doanh nhân.


Thị trưởng Larry Yates nói:


“Chúng tôi đã làm nhiều việc để cải thiện mặt tiền của các tòa nhà. Chúng tôi đã thay cửa sổ và cửa ra vào mới và sơn lại mới, lắp đặt hệ thống đèn mới, hệ thống bảng hiệu mới, đại loại như thế, cho các tòa nhà. Chúng tôi cũng chỉnh trang lại các lối đi trên hè phố.”


Tại Quận Tazewell, Đường mòn Spearhead được phát triển và mở thêm con đường nhỏ dài 37 dặm dùng cho loại Xe chạy được mọi Địa thế ATV gần một mỏ than để những người thích phiêu lưu sử dụng.


Những nỗ lực trong vùng cũng đang được tiến hành để giáo dục người trẻ địa phương về những lãnh vực chưa bao giờ được xem xét trước đây vì đời sống trong vùng chỉ trông cậy vào ‘vàng đen.’


Với nhu cầu than đá sụt giảm, một số quận tại Virginia hiện đang tiến hành những những dự án để thu hút du khách và những người thích phiêu lưu.

Bà Tammy Mondrage nói:


“Khi tôi lớn lên mọi người đều là con của thợ mỏ. Bạn biết đó quận này là như vậy. Cộng đồng này là như vậy, ai cũng biết, lớn lắm.”


Vào thời kỳ thịnh hành nhất của kỷ nguyên than đá, các cậu bé 15, 16 tuổi thường có việc làm trong mỏ than đá và không thấy cần thiết theo học đại học.


Anh Zachary Mondrage, 24 tuổi, con trai của bà Mondrage cũng làm như vậy. Tuy nhiên sau khi mất việc tại Công ty Than đá Paramont, nơi cha anh làm việc, anh đang nghiên cứu để bước vào lãnh vực phiêu lưu và du lịch.


“Lý do tại sao tôi quyết định đi vào lãnh vực này vì tôi luôn luôn thích săn bắn, câu cá và hưởng thụ những sinh hoạt ngoài trời. Và tôi nghĩ đây là một cơ hội nghề nghiệp to lớn để dấn thân vào.”


Dù các hoạt động kinh tế đang tiến triển mạnh tại quận có mỏ than, nhưng với một số người, không dễ để nhận ra rằng cũng như thuốc lá, ngành than đá sẽ sớm lùi vào lịch sử. Tuy nhiên phải mất vài thế hệ để thay đổi nền kinh tế trong vùng.


Bà Tammy có thể không còn nhiều thời gian, kiên nhẫn, hay nguồn lực để chờ đợi nhưng anh Zachary có thể có nhiều sự lựa chọn khi những nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế bắt đầu cho thấy kết quả.

NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Kinh Tế

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 824 guests

cron