Page 1 of 1

Bảo vệ môi trường: dùng dê diệt cỏ dại

PostPosted: Wed Aug 10, 2016 3:38 pm
by NewsReporter
VOA - Economy


Có một câu ngạn ngữ xưa rằng những nơi suy thoái “được dành cho chó.” Giờ đây, một phần của khu Brooklyn, New York, đang được dành cho dê, một đàn dê nhỏ. Không như những thiết bị cắt cỏ chạy bằng xăng, đàn dê xử lý cỏ dại một cách thầm lặng và không gây ô nhiễm không khí. Nếu chương trình dê làm vườn này thành công, nó sẽ được mở rộng sang các nơi khác trong tiểu bang.


Tại công viên Cầu Brooklyn, 4 con dê giống Nubian đang bận rộn làm công việc mà chúng được thuê mướn trong mùa hè này: đó là dọn sạch cỏ dại trong công viên.


Bà Rebecca McMackin, giám đốc về thảo mộc của công viên Cầu Brooklyn, cho biết 4 con dê này tên là Eyebrows, Hector, Horatio và Minnie.


Bà nói: “Đây là những con dê non, chúng vừa mới trưởng thành và chúng luôn luôn háu đói, do đó chúng là những con dê thích hợp cho dự án này. Chúng chọn cỏ dại để ăn. Chúng không thích ăn loại cỏ thông thường. Chúng thích cỏ dại.”


Các chú dê này cũng giúp bón phân thiên nhiên cho công viên. Công viên này được thành lập để làm vùng độn giữa khu vực dân cư và Đường Cao tốc Brooklyn Queens.


Bà McMackin nói: “Đây là một công viên hữu cơ. Chúng tôi không dùng chất diệt cỏ tổng hợp. Cho nên, dê thật sự là một giải pháp hợp lý nhất và được ưa chuộng nhất đối với chúng tôi.”


Những người sống gần công viên cho rằng đây là một giải pháp hợp lý, trong số này có ông Jason Mullings. Ông nói:“Nhìn chung thành phố New York có vấn đề về chì và nhiều ô nhiễm trong đất. Do đó tìm một phương cách tự nhiên để dọn dẹp rác rưởi luôn luôn là một bước đi đúng hướng.”


Bà Christine Schehl, một cư dân khác của Brooklyn tán đồng:“Đây có lẽ là một việc bất bình thường, nhưng tốt. Đây là một ý kiến hay vì thân thiện với môi trường sinh thái, có ý nghĩa.”


Mỗi con dê tiêu thụ khoảng 23 kilôgram cỏ dại mỗi ngày, cho nên chúng chính là ‘những nhà quản lý cảnh quan’ hữu hiệu.


Dù có nhiều người muốn cho dê ăn vì chúng dễ thương, nhưng cư dân được yêu cầu không cho dê ăn, để chúng đói bụng và làm công việc của chúng.


Việc dùng dê để dọn cỏ dại cũng được áp dụng tại Nghĩa trang Quốc hội Mỹ.


Nghĩa trang nằm gần Điện Capitol là “nghĩa trang tưởng niệm quốc gia” duy nhất được thành lập trước thời nội chiến. Trong số những người được mai táng tại đây có giám đốc FBI huyền thoại J. Edgar Hoover, nhiếp ảnh gia nổi tiếng thời Nội Chiến Mathew Brady và nhiều dân biểu, Thượng nghị sĩ Mỹ.


Những năm gần đây, nghĩa trang bị cỏ dại lấn áp, nhưng các giới chức không muốn dùng thuốc diệt cỏ vì không muốn làm ô nhiễm dòng sông Anacostia bên cạnh.


Thay vào đó nghĩa trang áp dụng một phương pháp mới diệt cỏ dại, vừa rẻ vừa thân thiện với môi trường.


Bà Lauren Maloy Giám đốc Chương trình Nghĩa trang Quốc hội cho biết: “Nghĩa trang này rất gần con sông, cho nên chúng tôi luôn tìm cách để đảm bảo bền vững, chúng tôi không sử dụng thuốc diệt cỏ dại vì có thể tổn hại đến môi trường. Là một nghĩa trang xanh-sạch đúng nghĩa, chúng tôi nghĩ đến sáng kiến ‘thuê mướn’ dê.”


Và nghĩa trang này đã làm như thế. Các con dê được chè chén say sưa, không ngừng nghỉ, như thể trong một nhà hàng buffet. Dê được giữ trong phạm vi nghĩa trang bằng một hàng rào điện tử.


Bà Mary Bowen, chủ nhân trang trại điều hành một công ty có tên là Browsing Green Goats, cũng chính là chủ nhân của những chú dê này. Giá để dọn sạch các loại cỏ dại là 4.500 đôla nửa hec-ta. Nghe có vẻ mắc nhưng bà Bowen nói giá này chỉ bằng một nửa tiền làm sạch bằng thuốc diệt cỏ dại.


Bà Bowen nói:“Lợi ích to lớn khi dùng dê là không cần phải chỉ dẫn gì cả, chúng không cần giờ nghỉ giải lao, không có công đoàn. Dê cũng không cần nghỉ chiều Chủ nhật. Chúng chỉ thích ăn. Thời điểm duy nhất chúng nghỉ ngơi là nằm xuống để cỏ dại được nghiền lại trong bộ máy tiêu hóa. Ngoài ra chúng chỉ ăn và ăn.”


Cư dân cũng có thể thuê những con dê này. Bà Diana Davis và những người láng giềng thuê 35 con dê để làm sạch sân sau trong xóm cảng Heritage ở Annapolis, Maryland.


Bà Davis nói: “Ồ! chúng làm việc rất tuyệt vời. Mọi người đều rất hài lòng. Trước khi chúng tới, nơi đây đầy cỏ dại. Và dĩ nhiên những người láng giềng cứ ghé qua xem chúng làm việc và họ rất thích thú.”


Đó cũng chính là điều bà Bowen kỳ vọng khi bắt đầu dự án này. Bà nói: “Những con dê này, theo tôi, mang lại tinh thần cộng đồng và kết nối mọi người với nhau vì một điều tốt chung. Và điều này làm tôi cảm thấy rất vui khi mở dịch vụ này.”


Mỗi ngày bà Bowen đều kiểm tra để đảm bảo là hàng rào điện tử hoạt động tốt. Bà cho biết chưa hề mất con dê nào trong 5 năm qua. Bà hy vọng qua phương thức này, sẽ có thêm nhiều người tích cực góp phần vào việc bảo vệ môi trường trong khi vẫn giữ được nhà cửa, vườn tược sạch sẽ và không có cỏ dại.