Page 1 of 1

Human Rights Watch chỉ trích chính sách tị nạn Nam Triều Tiê

PostPosted: Fri Aug 05, 2016 10:58 am
by NewsReporter
VOA - Economy


Giữa lúc các nước Âu châu chật vật đối phó với hơn một triệu người di dân chạy đi lánh nạn để tránh bạo lực đang tiếp diễn ở Trung Đông thì một số ít người Syria đang tìm sự bảo vệ tại Nam Triều Tiên. Nhưng trong nhóm này, chỉ có một vài người được chính thức công nhận là người tị nạn.


Đa số những người di dân đến Hàn quốc đều nhận “thị thực nhập cảnh vì lý do nhân đạo”, cho phép họ lưu lại nước này, nhưng không được hỗ trợ về tài chính, nhà ở hay chăm sóc sức khỏe.


Các số liệu của chính phủ Nam Triều Tiên cho thấy là từ năm 1994, đã có 1.144 người Syria yêu cầu xin được tị nạn ở Nam Triều Tiên, nhưng chỉ có ba người được cấp quy chế tị nạn.


Một trong những người Syria mà đơn xin tị nạn bị bác tới 3 lần là anh Ahmed Lababidi, 23 tuổi, đang tạm trú trên đảo Jeju, cách Seoul một giờ bay về hướng nam. Anh và người em trai đã trốn khỏi Aleppo, quê của họ hồi năm 2012 và sau đó đã vào Nam Triều Tiên bằng giấy thị thực tạm dành cho doanh nhân.


Khi Lababidi nộp đơn xin tị nạn tại một văn phòng di trú địa phương, anh nói anh được thông báo rằng chạy trốn chiến tranh tự nó không phải là lý do để xin cấp quy chế tị nạn tại Nam Triều Tiên.


Anh Lababidi thuật lại: "Họ chỉ nói anh không phải là một người tị nạn". Theo giới chức Nam Triều Tiên, thì "vì Syria đang trong tình trạng chiến tranh, anh có thể ở lại đây, nhưng không phải trong tư cách một người tị nạn."


Lababidi nói thêm rằng nhân viên di trú cho biết một điều kiện cần thiết để xin tị nạn là chứng cớ cho thấy nếu anh trở về Syria thì sẽ nguy hiểm tới tính mạng.


Anh nói tiếp: "Tôi nói với họ rằng tôi đã từng tham gia hoạt động chống chính phủ trên trang Facebook, họ biết tên tôi", nhưng câu trả lời của anh chỉ vô ích, chẳng thuyết phục được giới chức di trú Nam Triều Tiên.


Công ước Liên Hiệp Quốc về Người Tị nạn


Một số nhà quan sát cáo buộc Nam Triều Tiên đã không thực hiện cam kết trong tư cách một bên đã ký vào Công ước Liên Hiệp Quốc về Quy chế Tị nạn, một hiệp định quốc tế xác định ai được coi là người tị nạn, và trách nhiệm của nước chủ nhà trong việc hỗ trợ cá nhân người mang quy chế tị nạn.


Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc bộ phận châu Á của Human Rights Watch nói: "Rõ ràng là Seoul tỏ ra miễn cưỡng trong việc thực thi các nghĩa vụ của mình, ngoại trừ các trường hợp rõ rệt nhất ".


Ông Robertson cho rằng giấy thị thực nhập cảnh vì lý do nhân đạo của Nam Triều Tiên là một cách "phân loại giả tạo" để "giảm thiểu các quyền" của những người xin tỵ nạn. Ông lưu ý rằng Nhật Bản cũng đã từng vấp phải những chỉ trích tương tự liên quan đến chính sách tị nạn của nước này.


Ông Robertson chỉ ra rằng các chính sách của Nam Triều Tiên đối với người tị nạn Syria hoặc những người tị nạn khác tương phản hoàn toàn với chương trình tái định cư rất hào phóng dành cho người đào tị đến từ Bắc Triều Tiên. Ông nói thật là đạo đức giả khi Seoul kêu gọi các quốc gia khác bảo vệ những người đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên trong khi chính họ không áp dụng cách đối xử tương tự với những người tị nạn bên trong biên giới của chính họ.


Người Triều Tiên chống người bên ngoài


Hiến pháp Nam Triều Tiên trao cho người dân miền Bắc đầy đủ quyền công dân khi họ bước chân lên đất Nam Triều Tiên, bởi vì Seoul về mặt nguyên tắc, không công nhận thẩm quyền của chế độ tại Bình Nhưỡng.


Thêm vào đó, nhiều người Nam Triều Tiên không coi những người ở miền Bắc là người nước ngoài, bởi vì đối với họ, dân của hai miền Nam-Bắc Triều Tiên đều "thuộc cùng một chủng tộc," theo bà Chung Shin-young, một luật sư di trú tại Seoul.


Luật sư Chung nói Nam Triều Tiên khó chấp nhận những người tị nạn không phải là người Triều Tiên, bởi vì họ "khác màu da và khác văn hóa."


Thành kiến này đặc biệt đầy thách thức đối với những người Hồi giáo xin tị nạn.


Một quan chức tại Bộ Tư pháp Nam Triều Tiên, yêu cầu xin giấu tên theo quy định của văn phòng mình, nói rằng tất cả các đơn xin tị nạn đều được "cứu xét một cách công bằng" và quyết định được đưa ra dựa trên các tình huống tại quê hương của họ, cũng như các bằng chứng rằng họ bị đàn áp.