Page 1 of 1

Vụ xả súng ở Orlando: Người Việt lên tiếng

PostPosted: Sun Jun 26, 2016 6:41 am
by NewsReporter
VOA - Economy


Vụ thảm sát hàng loạt lớn nhất lịch sử nước Mỹ tại Orlando, Florida, hôm 12/6, khiến công luận bàng hoàng, chấn động khi Omar Mateen, công dân Mỹ gốc Afghanistan, xả súng tại một hộp đêm của người đồng tính, giết chết 49 người và làm bị thương hàng chục người khác với lời tuyên bố trung thành cùng tổ chức Nhà nước Hồi giáo.


Vụ việc đã khơi dậy những tranh cãi về quyền sử dụng súng, vấn đề an ninh nội địa, chính sách di dân, và các mối đe dọa khủng bố đối với Hoa Kỳ, đất nước có đông di dân nhất nhì thế giới.


Ý kiến của cộng đồng người Việt ở đây ra sao? Họ bị ảnh hưởng tác động thế nào sau vụ thảm sát? Tạp chí Thanh Niên VOA hôm nay chia sẻ với các bạn thông điệp và phản hồi của họ qua cuộc trao đổi với 4 cư dân trẻ ở thành phố Orlando sống gần trung tâm xảy ra vụ nổ súng: Kim Tân, MC hoạt động trong ngành âm nhạc-giải trí; Lê Huy, tư vấn tài chánh, Phó Tổng thư ký phụ trách Ngoại vụ trong Ban Chấp hành cộng đồng người Việt tại Orlando; Nguyễn Quốc Hùng, cố vấn công nghệ thông tin, tân Chủ tịch cộng đồng Việt tại Florida; Phúc Đặng hoạt động trong ngành địa ốc.



Kim Tân: Tân sống rất gần hộp đêm Pulse vì mình ở ngay downtown thành phố Orlando, từ nhà đến nightclub đó chỉ 10 phút thôi.


Trà Mi: Sinh hoạt văn nghệ ở địa phương, anh thấy khu vực hộp đêm này có thân quen với cộng đồng người Việt tại đây không?


Kim Tân: Downtown là nơi tập trung nhiều người Mỹ và du khách. Đúng ra hộp đêm này cũng không quen thuộc lắm với cộng đồng người Việt mình.


Trà Mi: Hộp đêm này không phải địa điểm thường lui tới của người Việt, nhưng có nhiều người Việt sinh sống, buôn bán gần đó không?


Kim Tân: Trung tâm của người Việt mình sinh hoạt, sinh sống và làm việc cũng không xa địa điểm xảy ra vụ thảm sát cho lắm, cách khoảng 10 phút thôi. Thành phố Orlando là vùng đất du lịch hiền hòa, tập trung rất nhiều du khách, có rất nhiều địa điểm vui chơi – giải trí nổi tiếng thế giới như Disney World, Universal, Sea World…Người Việt làm việc tại những địa điểm đó rất nhiều, nhất là Disney World. Vì là thành phố du lịch nên người Việt ở đây thường mở nhà hàng và một số rất đông làm trong các khách sạn. Sau này khi ngành nail bật lên, người Việt cũng tham gia vô rất nhiều.


Trà Mi: Vụ thảm sát hàng loạt lớn nhất lịch sử Mỹ vừa xảy ra tại Orlando nơi các anh sinh sống. Các anh, những cư dân gốc Việt, có cảm giác thế nào?


Phúc Đặng: Mình thấy có ảnh hưởng ngắn hạn. Mọi người đều sợ hãi.


Trà Mi: Vụ này ảnh hưởng ra sao đến đời sống sinh hoạt của cư dân thành phố, đặc biệt là cộng đồng người Mỹ gốc Việt?


Lê Huy: Thoạt đầu đây là sự việc rất kinh hãi vì thành phố này là vùng nắng ấm, hiền hòa, hiếu khách. Việc này xảy ra gây chấn động cộng đồng người Việt ở đây, cảm thấy rất hoang mang. Các gia đình về đây sinh sống cảm nhận đây là nơi con cái họ sẽ có một tuổi thơ vui tươi với những hình ảnh của Disney World, nhưng bây giờ họ cảm thấy giống như không an toàn nữa. Buổi tối con cái mà đi hộp đêm cũng là một vấn đề lo ngại đối với các bậc phụ huynh ở đây. Không bao giờ có thể nghĩ là có thể xảy ra khủng bố tại thành phố hiền hòa như thế này.


Trà Mi: Mảnh đất hiền hòa nay bỗng xảy ra thảm sát làm rúng động nước Mỹ và công luận thế giới như vậy, từ vụ việc này cộng đồng người Việt nghĩ ngay tới vấn đề gì?


Lê Huy: Sau vụ này em cảm thấy rất sợ, cũng lo cho các con. Đây cũng là kinh nghiệm cho Orlando và cho FBI. Đáng lẽ thủ phạm đã phải nằm dưới sự theo dõi điều tra của FBI. Vậy mà không biết vì lý do gì để anh ấy tự do mới xảy ra vụ việc. Hy vọng mọi việc sau này sẽ khắt khe hơn nhiều.


Trà Mi: Làm việc trong ngành truyền thông Việt ngữ ở địa phương, anh Kim Tân ghi nhận phản ứng dư luận ở đó ra sao?


Kim Tân: Mình có cơ hội làm việc, tiếp xúc với rất nhiều người Việt trong cộng đồng ở đây. Sau vụ thảm sát, người Việt đi đến đâu cũng nhắc tới vụ này. Tuy có kinh hoàng, lo lắng nhưng người Việt không biểu lộ sự sợ hãi. Ví dụ, sau vụ việc, người Mỹ tổ chức các buổi hiến máu. Người Việt mình cũng đứng xếp hàng hiến máu để giúp các nạn nhân đang được cứu chữa trong bệnh viện, chứng tỏ sự đồng lòng. Hơn thế, ngày 17/6 vừa qua, tôi có tham dự buổi thắp nến của cộng đồng Việt Nam vùng trung tâm Florida, tưởng niệm, cầu nguyện và chia sẻ nỗi đau thương của nước Mỹ nói chung và gia đình các nạn nhân nói riêng.


Trà Mi: Ngoài mặt tâm lý, vụ này cũng ảnh hưởng nhiều mặt khác như giáo dục con cái và nhận thức của giới trẻ liên quan đến bạo lực súng ống hay sở hữu súng. Các anh ghi nhận thế nào?


Phúc Đặng: Nên cảnh giác, tìm hiểu những nơi con cái mình đến. Về sự an toàn, bây giờ khủng bố xảy ra gần như khắp mọi nơi, một cách dễ dàng, kể cả trường học.


Trà Mi: Nổ súng bừa bãi đã lan tới những môi trường mà người ta không hề ngờ tới, kể cả trường học hay nhà thờ. Sau vụ này, anh Huy có thấy vấn đề an toàn, an ninh của nước Mỹ khiến anh lo lắng?


Lê Huy: Bạo lực và súng đạn là vấn đề người dân Mỹ tranh luận rất sôi nổi. Bảo vệ, tự vệ, hay lợi dụng súng ống như con dao hai mặt? Florida cũng như toàn nước Mỹ cũng đang suy nghĩ làm sao giảm bớt đi những vụ thảm sát kinh hoàng như vậy. Về vấn đề giáo dục con cái, những bậc cha mẹ phải dạy con cái tránh lối sống cực đoan , hướng con cái nhìn mọi người với ánh mắt vị tha, yêu thương hơn để những việc đó không xảy ra.


Trà Mi: Đó là về khía cạnh giáo dục, còn về khía cạnh xã hội anh Hùng thấy thế nào? Nhiều khi mình dạy con như thế, nhưng ra xã hội với đầy rẫy những điều kiện dễ xảy ra bạo lực thì làm thế nào?


Quốc Hùng: Câu hỏi rất hay. Vấn đề an ninh quốc gia, ai cũng phải lo lắng. Florida còn đang muốn ra luật cho phép ai cũng có thể cầm súng để tự vệ. Điều này như con dao hai lưỡi. Nếu biết điều khiển súng tỉnh táo thì không sao, nhưng nếu cực đoan hay bị stress nổi đóa thì có thể làm những chuyện nguy hiểm cho cộng đồng. Cho nên, em nghĩ không nên thông qua luật để mọi người có thể tự cầm súng muốn đi đâu thì đi, rất nguy hiểm.


Trà Mi: Nhiều người cũng cùng quan điểm như anh cho rằng xảy ra thảm sát là do thiếu kiểm soát súng ống. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng nếu cho mỗi người quyền có súng tự vệ thì đã không xảy ra những vụ thảm sát như thế, vì khi kẻ chủ mưu ra tay thì những người khác đã có thể ngăn chặn vì có võ khí phòng thân. Giữa hai luồng ý kiến như vậy, anh Tân thấy thế nào?


Kim Tân: Chuyện thiện-ác trên đời này chắc chắn không bao giờ hết được. Từ trước đây, nước Mỹ đã ra chính sách cho dân mang súng, nhưng không phải tất cả đều được, phải đi học để được mua súng tự bảo vệ mình. Thế nhưng kẻ gian, một khi đã rắp tâm, thì bằng mọi cách họ cũng làm sao cho có được võ khí để giết người. Cho nên, việc sử dụng súng sai là do suy nghĩ của từng cá nhân con người. Bản thân Tân trước đây cũng từng bị cướp có súng. Sau đó, cảnh sát khuyên Tân đi học để mua súng thủ trong nhà. Từ đó về sau, Tân có đời sống bình yên hơn. Cho nên, mình cũng không biết đâu là đúng, đâu là sai. Nhưng cần thiết nhất bây giờ là kêu gọi những người có trách nhiệm như ngành an ninh hãy kiểm soát kỹ lưỡng, chọn lọc những người nào nên mang súng và chuẩn bị những hàng rào lá chắn để bạo lực khó thể xảy ra.


Trà Mi: Anh nói sử dụng súng đúng hay sai tùy lý trí mỗi người. Nhưng khi người ta muốn dùng sai mà có luật pháp ngăn chặn thì cũng đỡ phần nào. Cho nên, vấn đề luật pháp cũng quan trọng phải không? Ý kiến anh Huy thế nào?


Lê Huy: Ở đây cho dân dùng súng quá dễ dãi đi. Trước khi cho mua súng, nên có thẩm định về tâm thần coi họ có phải là người bình thường hay không. Mình phải có sự lựa chọn, chọn lọc chặt chẽ hơn đối với các đối tượng được mang súng. Như vậy mới có thể giảm bớt những sơ sót có thể xảy ra.


Quốc Hùng: Nếu đại trà, ai xin phép cũng có thể mang súng thì sẽ rất loạn chứ không phải là bảo vệ gì được đâu. Phải có luật pháp chế tài về vấn đề ai được quyền cầm súng. Phải giới hạn thôi. Nên hạn chế vấn đề cho phép dùng súng càng nhiều càng tốt, như chỉ có an ninh mới được có súng hoặc chỉ được để súng ở nhà..vv…


Trà Mi: Nước Mỹ có nhiều mặt tốt hơn rất nhiều nước khác từ đời sống, kinh tế, văn minh, tiến bộ, đến nhân quyền. Duy chỉ có vấn đề súng ống là đáng lo ngại nhất nhì thế giới. Nguyên nhân vì sao? Đề xuất và những đóng góp của cộng đồng người Việt tại Mỹ liên quan vấn đề kiểm soát súng ống như thế nào? Mời các bạn đón theo dõi phần thảo luận tiếp theo của Tạp chí Thanh Niên VOA trong buổi phát thanh trực tuyến từ 10h đến 11h tối thứ sáu 1/7/2016 trên voatiengviet.com.