Page 1 of 1

Nên áp dụng biện pháp kỷ luật như thế nào với cán bộ phạm lu

PostPosted: Thu Jun 16, 2016 8:50 am
by NewsReporter
VOA - Economy

Ảnh minh họa: Cảnh sát đứng canh gác trước tòa án nhân dân thành phố HCM.

Hôm vừa rồi báo chí Việt Nam đưa tin một trung tá ngành công an làm sai quy định bị  chuyển công tác. Theo dõi thông tin về vụ việc, tôi thấy rằng phải chăng cần có sự điều chỉnh về quy định xử phạt với những trường hợp như vị trung tá vi phạm nói trên.


Trước hết, cần nhìn lại toàn cảnh hành vị của trung tá Trần Hoàng Tuấn, người đã nhiều năm công tác trong ngành công an ở tỉnh Kiên Giang. Theo tin tức báo chí, khi còn công tác ở Công an huyện An Minh, trung tá Tấn lập doanh nghiệp tư nhân vận tải và kinh doanh thủy hải sản. Xe tải của doanh nghiệp do trung tá Tấn lập ra nhiều lần chở hàng quá tải, chèn ép doanh nghiệp vận tải khác. Đó là chưa kể bản thân ông Tấn đã có quan hệ nam nữ bất chính với một người phụ nữ sau đó (không may) bị cơ quan phát hiện. Dù trung tá Tấn đã cam kết chấm dứt nhưng mối quan hệ này đến nay vẫn được duy trì cho đến khi bị phát hiện. Ngoài ra, ông Tấn và bạn gái vay nợ của nhiều đối tác kinh doanh, và số tiền nợ chưa thanh toán lên tới trên 900 triệu đồng. Trong kê khai tài sản theo quy định, ông Tấn khai thiếu rất nhiều so với số tài sản thực có.


Tuy nhiên, theo kết luận của Thanh tra Công an tỉnh Kiên Giang, trung tá Tấn chỉ bị khép vào hành vi không chấp hành nghiêm các quy định của Đảng và của ngành công an. Vị trung tá này đã được chuyển từ công tác làm đội trưởng đội 2 Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46) qua Phòng cảnh sát điều tra phòng chống tội phạm về ma túy Công an tỉnh Kiên Giang. Theo Đại tá Phạm Trung Thành - trưởng phòng tham mưu tổng hợp kiêm người phát ngôn Công an tỉnh Kiên Giang, “việc kỷ luật như vậy là đúng quy trình và đúng theo quy định của Đảng và của ngành công an”.  Nhưng cho dù có hợp lý hay theo đúng quy trình như lời của ông Thành, thì quyết định này dường như chưa hợp lòng dân.


Trên các diễn đàn báo chí Việt Nam, thông tin về việc xử lý trung tá Tuấn mang lại nhiều ý kiến không đồng nhất. Cùng với rất nhiều độc giả của Việt Nam, tôi cho rằng việc xử lý cảnh cáo về mặt chính quyền, cảnh cáo về mặt Đảng và chuyển công tác đối với trung tá Trần Hoàng Tấn như đã thông báo là quá nhẹ. Dù theo đại tá Thành, “quy định kỷ luật rất rõ ràng, nội dung vi phạm tới đâu thì có hình thức kỷ luật phù hợp tới đó. Tập thể xử lý chứ không phải cá nhân, không thể tùy ý tăng nặng hay giảm nhẹ”, thì cá nhân tôi cho rằng nếu thấy việc xử lý đúng quy định mà vẫn còn gây bức xúc thì phải xem xét lại quy định ấy. Xã hội luôn phát triển, vận động liên tục, các quy định pháp luật nếu được cần được điều chỉnh, cập nhật cho phù hợp hơn, tránh việc gây mất lòng dân.


Đối với trường hợp của ông Tấn, việc điều tra hình sự là cần thiết. Các dấu hiệu liên quan đến cạnh tranh không lành mạnh; quan hệ thương mại vi phạm luật pháp ngành công an; việc báo cáo và kê khai tài sản thiếu minh bạch, thiếu trung thực... đều là các tình tiết gây nghiêm trọng hơn trong vụ này, chứ không nên đơn thuần nói đến việc vi phạm quy định Đảng và ngành. Cần lưu ý đến chức vụ lãnh đạo của ông Nhân để điều tra xem liệu có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện những hành vi ngoài chức năng, phạm pháp hay không. Ông Tấn là một người lãnh đạo, nếu không xử lý mạnh tay theo luật, hoặc tạo một tiền lệ pháp lý để răn đe, thì cũng không nên đưa ra một biện pháp nhẹ nhàng như thế.


Tại một số nước tiên tiến, ví dụ tại Mỹ hay châu Âu, một cán bộ lãnh đạo trong ngành công chức nếu chỉ vi phạm một trong những sai phạm như ông Tấn, ví dụ: làm công chức mà kinh doanh riêng, hay như khai báo sai thuế và thu nhập,... đều có thể bị mất chức, mất việc. Cơ quan quản lý không cần dân khởi kiện (như lời ông Thành nói), họ sẽ tự động điều tra các hành vi và mở rộng điều tra hình sự nếu có dấu hiệu vi phạm.


Việc xử lý nhẹ trường hợp của ông Tấn rất có thể là một tiền lệ xấu trong việc xử lý các trường hợp công chức cố tình “tạo sân sau” kinh doanh để trục lợi. Đó là chưa kể đến các trường hợp liên quan như quan hệ nam nữ bất chính, cạnh tranh không lành mạnh... Trường hợp có nhiều sai phạm như ông Tấn lẽ ra cần cân nhắc xử lý một cách thỏa đáng hơn để hợp lòng dân. Chẳng phải đã từng có người dân “hắt ly bia” vào mặt một cán bộ trong quán nhậu đã phải bị xử hình sự đó sao? Và nhiều trường hợp tương tự, tại sao với công chức, lại là một người làm ở chốn công quyền như ông Tấn lại chỉ chịu xử lý một cách nhẹ nhàng như vậy? Nếu vấn đề nằm ở chỗ pháp luật, thì phải có cải cách và điều chỉnh. Nếu vấn đề nằm ở đơn vị quản lý thì đơn vị cao hơn nên xem xét để điều chỉnh, tránh để lòng dân bức xúc.


Việc xử lý bằng cách chuyển cán bộ từ công tác này qua công tác khác vốn đã nhiều lần được báo chí Việt Nam mang ra bàn luận, nhưng quả thật vẫn còn tranh cãi. Riêng tôi nghĩ rằng biện pháp này nhất thiết cần được xem xét và điều chỉnh, nếu cần thì nên bỏ. Trong trường hợp của ông Tấn, tôi cho rằng biện pháp đưa ra không có nhiều giá trị răn đe, hoặc giá trị răn đe là không đáng kể. Ở các nước khác, tôi gần như chưa thấy việc phạt cán bộ có những hành vi nghiêm trọng bằng cách chuyển công tác, mà đuổi việc và truy tố hình sự thì lại rất phổ biến. Nhờ vậy mà cán bộ muốn vi phạm cũng phải cân nhắc vì cái giá phải trả không hề nhỏ.


* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.