Quốc hội Mỹ yêu cầu TT Obama đặt vấn đề nhân quyền khi thăm
Hàng chục dân biểu ở Hạ viện Hoa Kỳ gửi thư cho Tổng thống Barack Obama yêu cầu đặt vấn đề nhân quyền với Hà Nội nhân chuyến công du Việt Nam vào tuần tới.
Thư ngỏ của 20 nhà lập pháp Mỹ đề ngày 17/5 đề nghị ông Obama nêu quan ngại về các vi phạm nhân quyền tiếp diễn tại Việt Nam và thúc đẩy phóng thích tất cả tù nhân lương tâm đang bị giam cầm vì các hoạt động cổ xúy dân chủ.
Lá thư được khởi xướng bởi dân biểu Loretta Sanchez, thành viên cao cấp trong Ủy ban An ninh Nội địa và Ủy ban Quân vụ Hạ viện, đồng chủ tịch và cũng là sáng lập viên Nhóm Làm việc về Việt Nam tại Hạ viện Mỹ (Vietnam Caucus).
Giới lập pháp Mỹ bày tỏ hy vọng Tổng thống Obama sẽ biến chuyến thăm sắp tới thành cơ hội giao lưu trực tiếp với người dân Việt Nam để gửi ra thông điệp rõ ràng rằng người Mỹ sát cánh với những người Việt yêu chuộng và tranh đấu cho tự do.
Thư nói ‘Chúng tôi kêu gọi Tổng thống chuyển tải mối quan ngại sâu sắc của chúng tôi về việc chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục tùy tiện tống giam các nhà hoạt động nhân quyền và đàn áp quyền tự do bày tỏ quan điểm của công dân.’
Thư đính kèm danh sách hơn 100 nhà hoạt động, ký giả, blogger đang bị Hà Nội giam cầm chỉ vì thực thi ôn hòa các nhân quyền căn bản mà Việt Nam đã cam kết tôn trọng trong các Công ước quốc tế, đồng thời yêu cầu Tổng thống áp lực Hà Nội trả tự do ngay lập tức, vô điều kiện cho tất cả tù nhân lương tâm.
Thư có đoạn viết ‘Chúng tôi đặc biệt hối thúc Tổng thống ưu tiên kêu gọi phóng thích những người bảo vệ nhân quyền can đảm đang gánh chịu các bản án dài hạn và bất công như linh mục Nguyễn Văn Lý (8 năm tù) cùng các nhà hoạt động Nguyễn Đặng Minh Mẫn (8 năm tù), Hồ Đức Hòa (13 năm tù), Đặng Xuân Diệu (13 năm tù), và Trần Huỳnh Duy Thức (16 năm tù).
Trao đổi với VOA Việt ngữ, em của nhà hoạt động Trần Huỳnh Duy Thức nói gia đình ông kỳ vọng Mỹ và cộng đồng thế giới, trong các hoạt động tăng cường giao tiếp với Việt Nam như chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Obama, sẽ giúp đẩy mạnh nhân quyền để Việt Nam có thể theo chân Miến Điện phóng thích vô điều kiện hàng loạt tù nhân lương tâm bị giam cầm phi pháp và phi nhân quyền. Ông Trần Huỳnh Duy Tân nói:
“Anh Thức không chấp nhận sự bất công hoặc không bình đẳng. Anh sẵn sàng tranh đấu tới cùng để chỉ ra sự sai trái, bất công, lạm quyền. Anh vận dụng luật pháp, các điều luật của Việt Nam và quốc tế để tranh đấu cho lẽ phải. Anh không lật đổ chính quyền, mà anh chỉ chống cường quyền. Gia đình rất mong muốn chính quyền lắng nghe, hiểu anh Thức, trả tự do cho anh và cho tất cả tù nhân lương tâm đấu tranh giống như anh. Chúng tôi cũng mong thế giới và những người dân trong và ngoài nước cùng lên tiếng áp lực chính quyền Việt Nam để họ hiểu điều đó và trả tự do cho những tù nhân lương tâm như anh Thức.”
Trong thư ngỏ gửi Tổng thống Obama hôm qua, các dân biểu Mỹ cũng đề nghị ông Obama khi tới Việt Nam dành thời gian thăm gặp trực tiếp giới bảo vệ nhân quyền và gia đình các nhà hoạt động đang bị giam cầm để gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ về cam kết của Hoa Kỳ trong việc cổ súy cho các quyền tự do của con người.
Ngoài ra, thư của các nhà lập pháp trong Hạ viện Mỹ còn lưu ý Tổng thống đảm bảo rằng Việt Nam phải chứng tỏ nghiêm túc cải thiện nhân quyền trước khi được Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận võ khí sát thương.
Áp lực dỡ bỏ lệnh cấm vận này và những chỉ trích về vi phạm nhân quyền Việt Nam được xem là hai gúc mắt lớn nhất đối với ông Obama trong chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam tuần sau.
Chính phủ Hà Nội kỳ vọng ông Obama sang thăm với món quà tuyên bố xóa bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận võ khí áp dụng từ thập niên 80. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất chính là những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam bị quốc tế lên án lâu nay.
Trong mấy tuần qua, Hoa Kỳ liên tục phái các đặc sứ tới Việt Nam để đánh giá tình hình.
Cuối thư ngỏ gửi Tổng thống Mỹ, giới lập pháp thuộc cả hai đảng ở Hạ viện nhấn mạnh yêu cầu Tổng thống Obama phải công khai rõ ràng điều kiện cần thiết cho mối quan hệ đối tác toàn diện thực thụ giữa hai nước Việt-Mỹ: một đất nước Việt Nam dựa trên các nguyên tắc dân chủ và tôn trọng nhân quyền.
Thư nói làm được điều đó không những đáp ứng được nguyện vọng tha thiết của nhân dân Việt Nam mà còn là yếu tố để lịch sử phán xét sự thành công của chính quyền Tổng thống Obama trong bang giao với Hà Nội.
Cùng với giới lập pháp Mỹ, các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế cũng đang thúc giục nhà lãnh đạo Hoa Kỳ thể hiện lập trường cứng rắn trong vấn đề nhân quyền khi đặt chân tới Hà Nội.
Bên cạnh lệnh cấm vận võ khí và vấn đề nhân quyền Việt Nam, thương mại Việt-Mỹ cũng là một đề tài quan trọng trong chuyến công du của Tổng thống Obama tới thăm nền kinh tế đang lên tại khu vực, một trong số 12 thành viên tham gia đàm phán thỏa thuận tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP do Mỹ dẫn đầu.
Tại Việt Nam, theo dự kiến, Tổng thống Obama sẽ ghé thăm Hà Nội và Sài Gòn trước khi lên đường dự thượng đỉnh kinh tế ở Nhật vào ngày 25/5.
Tòa Bạch Ốc nói chuyến công du Việt Nam của ông Obama nhằm ‘thăng tiến hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực bao gồm kinh tế, giao tiếp giữa nhân dân hai nước, an ninh, nhân quyền, cùng các vấn đề khu vực và toàn cầu.’
Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của chủ nhân Tòa Bạch Ốc kể từ chuyến công du năm 2006 của cựu Tổng thống George W. Bush.