Ấn Độ phản bác tố cáo của Mỹ về tự do tôn giáo
Ấn Độ đã mạnh mẽ phản bác những tố cáo của một ủy ban của Mỹ cho rằng tự do tôn giáo ở Ấn Độ "đang ở trong hướng đi tiêu cực". Từ New Delhi, thông tín viên Anjana Pasricha của đài VOA gởi về bài tường thuật.
Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) mới đây đã phổ biến một bản phúc trình, trong đó nói rằng trong năm 2015 "sự khoan dung tôn giáo đã xuống cấp và những vụ vi phạm tự do tôn giáo đã gia tăng ở Ấn Độ".
Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết họ hoàn toàn không thể chấp nhận tố cáo mà họ nói "không chứng tỏ một sự hiểu biết thích đáng về Ấn Độ, về xã hội và hiến pháp của nước này".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ, ông Vikas Swarup, cho biết: "Ấn Độ là một xã hội đa nguyên sinh động được xây dựng trên những nguyên tắc dân chủ mạnh mẽ. Hiến pháp Ấn Độ bảo đảm các quyền cơ bản của tất cả công dân, kể cả quyền tự do tôn giáo".
Báo cáo của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ cho biết các cộng đồng tôn giáo thiểu số ở Ấn Độ, nhất là Cơ đốc giáo, Hồi giáo và Sikhs, đã gặp phải nhiều vụ hăm doạ, sách nhiễu và bạo động, phần lớn là do các nhóm Ấn giáo theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan gây ra.
Văn kiện này cũng tố cáo các thành viên của đảng BJP đương quyền ngấm ngầm ủng hộ các nhóm cực đoan và sử dụng những ngôn từ gây chia rẽ tôn giáo để làm cho căng thẳng gia tăng thêm nữa.
Từ khi Thủ tướng Narendra Modi lên nắm quyền vào giữa năm 2014, nhiều người lo ngại là các chính khách hoặc những nhóm cứng rắn có liên hệ tới đảng của ông đang khích động thêm những mối căng thẳng giữa các cộng đồng tôn giáo.
Bà Neerja Chowdhury, một nhà phân tích chính trị độc lập ở New Dehli, cho biết mặc dù đảng BJP đã tìm cách tránh xa điều gọi là "những tiếng nói cực đoan", nhưng các nhóm tôn giáo thiểu số vẫn cảm thấy bất an.
Bà Chowdhury nói: "Những người thuộc dòng chính của BJP đã bác bỏ những tiếng nói cực đoan mà họ cho là không đại diện cho quan điểm chính mạch. Họ nói rằng đó là những quan điểm cá nhân, nhưng những người đó cũng là những người nằm trong chính phủ. Và những người đó khăng khăng cho rằng chúng ta nên ăn cái gì, chúng ta phải mặc như thế nào, chúng ta nên hô những khẩu hiệu gì. Gộp chung những thứ này lại thì chúng ta có một môi trường không mấy thuận lợi cho tự do tôn giáo".
Từ khi Thủ tướng Narendra Modi lên nắm quyền, nhiều người lo ngại là các chính khách hoặc những nhóm cứng rắn có liên hệ tới đảng của ông đang khích động thêm những mối căng thẳng giữa các cộng đồng tôn giáo.
Trong một năm rưỡi nay, một số tiểu bang đã ra lệnh cấm ăn thịt bò vì người Ấn Độ giáo thờ bò. Ngoài ra cũng đã xảy ra một số vụ ném đá vào những nhà thờ Cơ đốc giáo.
Trong một vụ việc khá nghiêm trọng, một người đàn ông theo đạo Hồi đã bị một đám đông giết chết hồi tháng 9 ở New Dehli vì bị nghi ăn thịt bò. Chính phủ mô tả những vụ việc như vậy là "những vụ việc đơn lẻ" và hứa sẽ có hành động cứng rắn.
Hồi đầu năm 2016, chính phủ Ấn Độ từ chối cấp visa cho phái đoàn của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ muốn tới Ấn Độ để tìm hiểu về tình hình tự do tôn giáo. New Dehli nói rằng Ủy ban này của Mỹ không có tư cách để phán xét tình hình của một nước mà quyền tự do tôn giáo được bảo đảm.
Đây không phải là lần đầu tiên một chuyến viếng thăm như vậy bị ngăn chặn -chính phủ trước ở Ấn Độ do đảng Quốc Đại lãnh đạo cũng đã từ chối cấp visa cho phái đoàn của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ.