Page 1 of 1

Nhà đầu tư Tây phương muốn tham gia 'cách mạng người máy' TQ

PostPosted: Mon May 02, 2016 8:06 am
by NewsReporter
VOA - Economy

Một người đàn ông bắt tay với robot có tên là "Dương Dương" tại Hội thảo Internet Di động Toàn cầu ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 29/4/2016.

Mấy mươi nhà đầu tư Mỹ và Châu Âu mới đây đã đến Trung Quốc để tìm cách tham gia điều được xem là một cuộc cách mạng người máy. Theo tường thuật của thông tín viên Saibal Dasgupta của đài VOA tại Bắc Kinh, Trung Quốc đã trở thành thị trường người máy công nghiệp lớn nhất thế giới, nhưng điều làm cho giới đầu tư cảm thấy hấp dẫn là Trung Quốc có khả năng chế tạo và sản xuất với giá thành thấp cho thị trường quốc tế.


Ông Benjamin Joffe, một nhà đầu tư thuộc công ty Hax 74 Mỹ, mới đây đã đến dự cuộc Hội thảo Internet Di động Toàn cầu tại Bắc Kinh. Ông cho đài VOA biết rằng hầu hết các nhà đầu tư và những công ty khởi nghiệp đến Trung Quốc để tìm kiếm cơ hội cho các thị trường Mỹ và Châu Âu.


Ông nói “Cũng có nhiều hoạt động sáng tạo đang diễn ra ở Trung Quốc, nhưng tôi nghĩ rằng cơ hội lớn hơn là dùng Trung Quốc để biến ý tưởng của mình thành hiện thực.”


Ông Joffe nói rằng Trung Quốc đã có sẵn một mạng lưới rộng lớn của các chuỗi cung ứng và sản xuất và những kỹ năng liên hệ để trở thành nhà cung ứng các sản phẩm điện tử lớn nhất thế giới.


Ông nói “ Đối với sản phẩm người máy, ưu thế của họ là làm ra nguyên mẫu nhanh chóng hơn, chẳng những có thể sản xuất với giá thành thấp hơn mà còn có thể sản xuất với bất kỳ qui mô nào, từ qui mô nhỏ cho tới qui mô rất lớn.”


Liên đoàn Kỹ thuật Người máy Quốc tế mới đây dự báo vào năm 2017 Trung Quốc sẽ có nhiều người máy hoạt động tại các công xưởng hơn bất kỳ quốc gia nào khác.


Các nhà phân tích khác cho rằng năm tới Nhật Bản sẽ bị mất vị thế của quốc gia sử dụng người máy công nghiệp nhiều nhất.


Thị trường người máy Trung Quốc, trị giá khoảng 9,5 tỉ đô la, là một trong những thị trường lớn nhất thế giới. Theo ước tính của Liên đoàn Quốc tế Ngành người máy, trong số 240.000 người máy bán ra trên thế giới có một phần tư được sản xuất ở Trung Quốc.


Nhưng Trung Quốc cũng có tiềm năng tăng trưởng lớn nhất vì tỉ lệ sử dụng người máy ở nước này khá thấp. Tỉ lệ người máy-công nhân tại các công xưởng ở Trung Quốc là 30 người máy trên 10.000 công nhân, so với con số 437 ở Nam Triều Tiên, 323 ở Nhật Bản, 282 ở Đức và 152 ở Mỹ.


Cũng tương tự như tình trạng của hầu hết các sản phẩm khác, các nhà sản xuất người máy ở Trung Quốc đang tìm cách dựa vào giá rẻ để cạnh tranh với các công ty lớn trên thế giới. Thí dụ, công ty E-Deodar – một công ty con của công ty Ningbo Techmation ở Thượng Hải, đang sản xuất người máy với giá thấp hơn từ 20 đến 30% so với ba công ty người máy lớn nhất thế giới là ABB ở Thuỵ Sĩ, Kuka ở Đức và Kawasaki của Nhật.



Cả công nghiệp lẫn chính phủ Trung Quốc đang tìm cách khắc phục vấn đề giá thành cao và nguồn cung ứng không thoả đáng của lao động có kỹ năng bằng cách sử dụng những cánh tay người máy khổng lồ.

Cả công nghiệp lẫn chính phủ Trung Quốc đang tìm cách khắc phục vấn đề giá thành cao và nguồn cung ứng không thoả đáng của lao động có kỹ năng bằng cách sử dụng những cánh tay người máy khổng lồ.

Lý do chính khiến các công ty Trung Quốc lựa chọn những cánh tay người máy khổng lồ và có hiệu suất cao là lấy lại một số thị trường xuất khẩu bị mất. Các chuyên gia nêu ra 3 lý do quan trọng dẫn tới sự giảm thiểu trong kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng điện tử và cơ khí nặng trong vài năm qua. Đó là các thị trường Tây phương tăng trưởng chậm lại, những sự than phiền về phẩm chất của một số sản phẩm của Trung Quốc và sự gia tăng giá thành lao động ở Trung Quốc.


Cả công nghiệp lẫn chính phủ Trung Quốc đang tìm cách khắc phục vấn đề giá thành cao và nguồn cung ứng không thoả đáng của lao động có kỹ năng bằng cách sử dụng những cánh tay người máy khổng lồ và hiệu suất cao trong hoạt động sản xuất. Độ chính xác cao của những cánh tay điện tử này cũng giúp nâng cao tiêu chuẩn chất lượng và giảm thiểu tới mức tối đa những sản phẩm có khuyết điểm.


Ông Lý Lập Quần, chủ tịch Công ty Kỹ thuật Người máy Từ tinh ở thành phố Ninh Ba, nói “Chi phí lao động đã gia tăng quá nhiều. Cho nên chúng tôi dự kiến thị trường sẽ trở nên rất lớn trong những năm tới đây. Cũng có một nhu cầu hết sức to lớn đối với các giải pháp kỹ thuật liên quan tới sản xuất và chất lượng mà công ty của chúng tôi cung cấp.”


Ông Lý cho biết các công ty sản xuất giày dép tại các tỉnh Chiết Giang và Phúc Kiến đang dần dần dùng người máy thay cho công nhân để cải thiện hoạt động sản xuất và phẩm chất của sản phẩm. Ông nói rằng đây là một sự thay đổi quan trọng vì nhiều người vẫn còn tin rằng việc sử dụng người máy chỉ hạn chế trong các công nghiệp sản xuất các mặt hàng điện tử kỹ thuật cao và những loại máy móc phức tạp.


Ông nói “Trong ngành sản xuất giày dép, một dây chuyền lắp ráp có thể dùng tới 26 nhân công. Một hệ thống người máy có thể vận hành dây chuyền đó với hai nhân công. Vẫn còn cần hai nhân công vì con người có thể làm tốt hơn những công việc phức tạp và tinh xảo, nhưng nhu cầu về những công nhân chuyên biệt như vậy sẽ giảm đi rất nhiều.”


Tuy nhiên, vấn đề hạ thấp giá thành tiếp tục là thách thức lớn nhất, ngay cả đối với các nhà sản xuất ở Trung Quốc – là những người vẫn thường tìm đủ mọi cách để cắt giảm chi phí. Một hệ thống người máy, ở mức cơ bản, có thể thay thế 20 hoặc 30 công nhân , được bán với giá 100.000 đô la. Nhưng các công ty sản xuất người máy nói rằng giá cả có thể giảm xuống chỉ còn một phần ba khi thị trường được nới rộng và họ có thể nâng cao qui mô sản xuất