Di dân sợ bị trục xuất sang Thổ Nhĩ Kỳ
Hôm thứ Ba, Hy Lạp tạm thời ngưng chỉ những vụ trục xuất di dân bất hợp pháp vì các viên chức di trú của họ phải dành thời giờ để ứng phó với sự tăng mạnh của số đơn xin di dân hợp pháp. Một ngày trước đó, những chiếc tàu đầu tiên đã chở khoảng 200 người về Thổ Nhĩ Kỳ dựa theo một kế hoạch gây tranh cãi của Liên hiệp Âu Châu nhằm ngăn người di dân vượt biển bất hợp pháp với sự giúp đỡ của những kẻ đưa lậu người. Những người di dân tại Hy Lạp chống đối kế hoạch và cho biết họ không được thông báo kỹ càng về những thủ tục mới. Thông tín viên Zlatica Hoke của đài VOA tường thuật.
Bất chấp những vụ trục xuất bắt đầu được thực hiện hôm thứ hai, những chiếc thuyền chở người di dân tiếp tục tới Hy Lạp từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Firaz Kassem, một người Syria tị nạn, nói rằng ông nhất quyết không trở lại Thổ Nhĩ Kỳ.
"Chúng tôi không muốn tới Thổ Nhĩ Kỳ nữa. Chúng tôi đã phải chịu rất nhiều khổ sở ở đó. Chúng tôi không muốn tới đó nữa. Bất cứ chỗ nào cũng tốt hơn Thổ Nhĩ Kỳ."
Dựa theo thoả thuận với Liên hiệp Âu Châu, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu nhận lại những người di dân nhập cảnh Hy Lạp bất hợp pháp sau ngày 20 tháng 3 để đổi lấy viện trợ và những lợi ích khác. Những người tranh đấu nhân quyền đã chỉ trích những vụ trục xuất.
Ông Wenzel Michalski, giám đốc văn phòng tại Đức của tổ chức Human Rights Watch, cho biết như sau.
"Họ đang bị cưỡng bức trở về Thổ Nhĩ Kỳ mà Thổ Nhĩ Kỳ không phải là một nước an toàn. Thổ Nhĩ Kỳ chưa ký kết Công ước Geneve một cách đầy đủ. Chỉ có người Syria là nhận được một số sự bảo vệ ở Thổ Nhĩ Kỳ, còn tất cả những người di dân và những người tị nạn khác không hề được bảo vệ gì cả ở Thổ Nhĩ Kỳ."
Hầu hết những người bị trục xuất hôm thứ hai từ đảo Lesbos của Hy Lạp là người Bangladesh và Pakistan. Hai nước này cùng với Iran, Afghanistan và một số nước khác được xem là an toàn để trở về, bất chấp những vụ bạo động đang tiếp diễn.
Liên hiệp Âu Châu đồng ý tiếp nhận những người Syria xin tị nạn – với số người được tái định cư tương đương với số người di dân bị trả về Thổ Nhĩ Kỳ. Điều đó làm cho một số khá đông những người xin tị nạn đến từ nhiều nước ở Phi Châu và Nam Á không được tái định cư ở Âu Châu. Hôm thứ Ba, những người Iran và Afghanistan lo sợ bị trục xuất đã tổ chức một cuộc biểu tình phản đối tại một trung tâm tạm giam trên đảo Lesbos.
Tình trạng những người di dân ồ ạt nộp đơn xin tị nạn đã làm cho hệ thống di trú của Hy Lạp bị quá tải và khiến cho những người di dân cảm thấy bối rối.
Một người Syria tên Ashour cho biết như sau.
"Tôi không hiểu tại sao mà tôi xin được tái định cư ở Đức nhưng họ lại muốn đưa tôi tới Hà Lan hay Thuỵ Điển. Họ nói với chúng tôi là họ chọn quốc gia mà chúng tôi sẽ tới. Chúng tôi không muốn như vậy."
Kế hoạch trục xuất có phần chắc sẽ không làm cho vụ khủng hoảng người tị nạn ở Hy Lạp chấm dứt trong nay mai, bởi vì khoảng 50.000 người đã tới nước này trước thời hạn chót của tháng 3 và tiếp tục bị mắc kẹt tại biên giới giáp với Macedonia sau khi nước này đóng cửa biên giới với Hy Lạp.