Ngân hàng Thế giới hôm thứ Ba đã cùng chính phủ Việt Nam công bố bản báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ ”, trong đó nêu ra lộ trình để Việt Nam đạt được vị thế là nước có thu nhập trung bình cao sau 2 thập niên nữa.
Bản phúc trình đề nghị Việt Nam củng cố năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân, thúc đẩy phát triển bao quát về xã hội và tăng cường tính hiệu quả của nhà nước để đạt được vị trí cao hơn về mặt kinh tế. Nếu không thực hiện được, Việt Nam sẽ rất khó tránh “bẫy thu nhập trung bình” và sẽ không đạt được các tiềm năng của mình, phúc trình cảnh báo.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim đưa ra nhận xét: “Trong 30 năm gần đây, Việt Nam đã trở thành một trong những câu chuyện thành công tuyệt vời về mặt phát triển trên thế giới, vươn lên từ nhóm những nước nghèo nhất”. Ông nói thêm bản báo cáo với sự đóng góp của các chuyên gia Việt Nam và quốc tế phản ánh khát vọng của Việt Nam trở thành một nước hiện đại, công nghiệp hóa trong vòng một thế hệ.
Ngân hàng Thế giới lưu ý việc đạt được vị thế nước thu nhập trung bình cao đòi hỏi Việt Nam phải tăng trưởng ít nhất 7%/năm, nhằm nâng mức thu nhập trung bình lên trên 7.000 đôla (hay 18.000 đôla nếu quy ra sức mua tương đương) vào năm 2035 so với mức 2.052 (hay 5.370 đôla theo sức mua tương đương) của năm 2014. Ngân hàng Thế giới cho rằng đó là “một mục tiêu tham vọng”.
Việt Nam đã tăng tưởng khoảng 5,88% trong giai đoạn 2011-2015, mức chậm nhất kể từ năm 2010, theo phúc trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước Quốc hội cuối năm ngoái.
Trong lời công bố của mình, Ngân hàng Thế giới dẫn lời Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh phát biểu: “Đất nước chúng tôi đứng trước bước ngoặt cải cách và phát triển. Chúng tôi đối diện với những cơ hội và cả những thách thức lớn. Để đạt được mục tiêu thành một nước Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, chúng tôi chỉ có một sự lựa chọn là tiến hành cải cách như đề xuất trong báo cáo Việt Nam 2035”.
Bản phúc trình do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới và các chuyên gia khác của Việt Nam cùng soạn thảo.
Theo Channel News Asia, finchannel.com