Tổ chức Y tế Thế giới cho biết cách tốt nhất để tránh bị nhiễm virus Zika là không để bị muỗi cắn, vì có thể mất nhiều thời gian mới có thể phát triển một loại thuốc chủng. Khuyến cáo được đưa ra trong lúc các giới chức y tế của Mỹ, Brazil và các nước bị ảnh hưởng khác nói với Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên Hiệp Quốc rằng nỗ lực toàn cầu nên tập trung vào việc theo dõi, ứng phó và nghiên cứu. Thông tín viên Zlatica Hoke của đài VOA gửi về bài tường thuật.
Các giới chức y tế nói Zika không phải là một loại virus mới. Virus này được khám phá năm 1947 tại Uganda và không ảnh hưởng tới con người cho tới thập niên 1960. Những triệu chứng mà nó gây ra thường bị nhầm lẫn với sốt dangue và sốt đi khòm lưng. Nhưng nhiều vụ lây nhiễm từ năm ngoái cho thấy virus này tạo ra những hậu quả rất tai hại.
Ông Patrick Kachur, một chuyên gia của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), cho biết:
"Tình hình đang biển đổi rất nhanh, như mọi người có lẽ đã biết, và kết quả là chúng tôi nghe nói tới Zika hầu như mỗi ngày."
Các chuyên gia cho biết cần thực hiện thêm những cuộc nghiên cứu để xác định phải chăng Zika gây ra những dị tật bẩm sinh, như bệnh teo não hay đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Họ cũng cho biết hiện nay giới hữu trách đang dồn nỗ lực vào việc diệt muỗi và dạy cho công chúng biết cách tự bảo vệ.
Ông Moura Wahba, đại biểu của Haiti tại hội nghị hôm 17/2 của Liên Hiệp Quốc bày tỏ lo ngại là virus Zika có thể có ảnh hưởng vô cùng tai hại cho quốc gia nghèo khó của ông.
Ông Wahba nói: "Về vấn đề tài trợ, chúng tôi xem đó là một việc khá cấp bách vì chúng tôi đang ở vào giai đoạn cuối của mùa khô, và mặc dù không có nhiều báo cáo về những vụ lây nhiễm, chúng tôi tin rằng khi mùa mưa bắt đầu vào đầu tháng sau chúng tôi có thể có rất nhiều những vụ lây nhiễm virus Zika và những chứng bệnh khác do muỗi lan truyền."
Một người lính phân phát những cuốn sách chứa những thông tin về muỗi Aedes aegypti tại các bãi biển ở Copacabana, Rio de Janeiro, 13/2/2016.
Tổ chức Y tế Thế giới ước tính họ cần có 53 triệu đô la để ứng phó với tình hình.
Bác sĩ Natela Mennabde, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Ấn Độ, cho biết: "Về công tác nghiên cứu phát triển, có một số chiều hướng mà chúng tôi đang theo đuổi. Về việc Phát triển thuốc chủng, chúng tôi đang kiểm điểm những nỗ lực hiện nay về việc phát triển những loại thuốc chủng có thể có tác dụng. Sẽ phải mất vài tháng trước khi chúng ta có thuốc chủng, nhưng công việc đã tiến triển khá tốt tại hai nhà sản xuất."
Công tác nghiên cứu cũng đang được xúc tiến để tạo ra một loài muỗi đực được biến đổi gien để làm cho muỗi cái trong môi trường tự nhiên sản xuất ấu trùng yếu khi giao phối với loài muỗi này. Nếu thành công, cách thức này sẽ làm cho số muỗi trong thiên nhiên giảm đi rất nhiều.