Page 1 of 1

TQ bị lên án về vụ bắt giữ nhân viên NGO người Thuỵ Điển

PostPosted: Wed Jan 20, 2016 11:44 am
by NewsReporter
VOA - Economy

Ảnh minh họa: Cảnh sát và nhân viên an ninh mặc thường phục đứng gác gần tòa án ở Bắc Kinh, ngày 22 tháng 12, 2015.

Giới hữu trách Trung Quốc đã bắt giữ một người Thuỵ Điển mà họ tố cáo là điều hành một tổ chức phi chính phủ bất hợp pháp ở Trung Quốc. Vụ bắt giữ đã gặp phải sự chỉ trích kịch liệt từ các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền.


Ông Peter Dablin đã bị bắt tại phi trường Bắc Kinh ngày 3 tháng 1 trong lúc chuẩn bị đáp máy bay đi Thái Lan và bị truy tố về tội gọi là “gây nguy hại cho an ninh quốc gia.”


Người đàn ông Thuỵ Điển 35 tuổi này là người đồng sáng lập của Nhóm Công tác Hành động Khẩn cấp, một tổ chức phi chính phủ được thành lập ở Trung Quốc năm 2009 để thúc đẩy cho thể chế pháp trị và nhân quyền thông qua những chương trình huấn luyện và cung cấp sự hỗ trợ cho những vụ kiện vì lợi ích của công chúng.


Một thông cáo của tổ chức cho biết họ đã thực hiện những khoá huấn luyện cho những người bảo vệ nhân quyền và hỗ trợ cho các luật sư “chân đất”, là những người cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho nạn nhân của nhiều vụ vi phạm nhân quyền, từ cưỡng chế di dời cho tới bắt giữ tuỳ tiện.


Giới hữu trách Trung Quốc tố cáo nhóm này đại diện cho “thế lực chống Trung Quốc” và “xúi giục người khác can thiệp vào những vụ án nhạy cảm.”


Các tổ chức nhân quyền cho rằng nhà chức trách Trung Quốc lợi dụng vụ án này để cảnh cáo những người tranh đấu nhân quyền, kể cả nhân viên của những tổ chức phi chính phủ.


Sau gần hai tuần bí mật giam giữ ông Dablin, giới hữu trách Trung Quốc mới cho phép ông tiếp xúc với sứ quán Thuỵ Điển ở Bắc Kinh. Nhân viên sứ quán đã đến thăm ông ngày 16 tháng 1.


Ông Sebastian Magnusson, tuỳ viên báo chí của sứ quán Thuỵ Điển cho biết như sau.


"Ông ấy cảm thấy khoẻ, tuy lâm vào tình cảnh này. Ông ấy có được những loại thuốc men mà ông ấy cần."


Ông Magnusson cho biết thêm là sứ quan đang ra sức làm việc để bảo vệ quyền lợi của công dân này.


Ông Hans Dietmar Schweisgut, Đại sứ Liên hiệp Âu châu tại Liên Hiệp Quốc, hôm thứ tư cho biết liên hiệp sẽ tiếp tục nêu lên những mối quan tâm về tình cảnh của những công dân của mình, kể cả những người bán sách bị biệt tích ở Hồng Kông.


"Chúng tôi không thể và sẽ không giữ im lặng. Đây là vấn đề mà chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận và sẽ không hy sinh các giá trị của mình để đạt thoả hiệp."


Đài truyền hình Trung ương của nhà nước Trung Quốc hôm thứ ba đã tường thuật khá dài về vụ án ông Dablin. Họ cho chiếu cảnh ông Dablin và hai nhân viên khác của tổ chức ông thừa nhận là đã làm sai.


"Tôi đã vi phạm luật pháp Trung Quốc qua những hoạt động của tôi ở đây. Tôi đã gây thương tổn cho chính phủ Trung Quốc. Tôi đã xúc phạm tình cảm của nhân dân Trung Quốc. Tôi thành thật xin lỗi và cảm thấy hối tiếc là việc này đã xảy ra."


Ông Dablin nói rằng tổ chức của ông đã trả tiền và hỗ trợ cho luật sư nhân quyền Vương Toàn Chương và nhà tranh đấu nhân quyền Tân Thanh Hiền. Ông Hiền đã giúp con trai của bà Vương Vũ, một luật sư nhân quyền bị cầm tù, vượt biên ra nước ngoài. Hai thành viên khác của nhóm này tố cáo nhóm này “thuê mướn và huấn luyện người khác để thu thập, ngụy tạo và bóp méo thông tin về tình hình nhân quyền Trung Quốc cho các thế lực chống quốc tế ở Tây phương.”


Hiện chưa rõ phát biểu của hai người đó có phải là tự nguyện hay không và họ có luật sư đại diện hay không.


Ông Michael Caster, phát ngôn viên của Nhóm Công tác Hành động Khẩn cấp, nói rằng tất cả những cáo buộc nhắm vào ông Dablin là “vô căn cứ.”

Ông Caster nói rằng vụ bắt giữ ông Dablin “đi ngược với tuyên bố công khai của ông Tập Cận Bình về việc tăng cường thể chế pháp trị,” và diễn ra trong cuộc đàn áp kéo dài 6 tháng nhắm vào hơn 300 luật sư nhân quyền ở Trung Quốc.


Bà Vương Tùng Liên, một nhà nghiên cứu của Human Rights Watch ở Hồng Kông, nói rằng vụ bắt giữ ông Dablin phản ánh ý đồ của Trung Quốc là hình sự hoá mọi hoạt động bảo vệ nhân quyền.


"Dán nhãn hiệu âm mưu lật đổ chính quyền cho một nhóm luật sư nhân quyền và những người hỗ trợ họ trên cơ bản là nói rằng những ai sử dụng khí cụ luật pháp để bảo vệ quyền lợi của những người dân bình thường là phạm tội âm mưu lật đổ chính quyền."


Trung Quốc đang soạn thảo Luật Quản lý NGO Nước ngoài, trong đó có qui định là sự quản lý NGO nước ngoài thuộc về cảnh sát, thay vì thuộc về các cơ quan dân chính.