Từ Myanmar: Trông đợi ‘Thein Sein’ nhưng hãy coi chừng ‘Puti
“Làm gì có Thein Sein ở Việt Nam! Mấy ông lãnh đạo bây giờ mê nhất là mô hình kiểu Putin”
Báo chí Việt làm cách mạng ở… Myanmar
Sau vài phong trào xã hội đột biến trong nửa đầu năm 2015 như phản đối chặn hạ cây xanh Hà Nội, người lao động phải được nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần…, cuộc cách mạng dân chủ ở đất nước láng giềng Myanmar cuối năm nay đã tạo nên một không khí hưng phấn đáng được xem là hiện tượng trong xã hội và báo giới Việt Nam - một đồng điệu hiếm có giữa truyền thông “lề đảng” và “lề dân”.
Giáo dục Việt Nam, Đất Việt, Vietnamnet, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Người Lao Động, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, … vẫn là những cái tên đi đầu trong hành trình cổ súy cho Aung San Suu Kyi và cả Thein Sein. Nếu cả những tờ báo đảng như Nhân Dân và Quân Đội Nhân Dân cũng không thể né tránh được nhiệm vụ chuyển tải những tin tức nóng hổi về chiến thắng ngoạn mục của đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ của Aung San Suu Kyi, Ban Tuyên giáo Trung ương dường như đành nhắm mắt làm ngơ cho những tờ báo ngày càng xa cách với “cơ quan ngôn luận của đảng” tuyên truyền cho dân chủ Myanmar.
Không quá khó để nhận ra ý tứ sâu xa của những tờ báo nhà nước có tính phản biện và mang tư tưởng cải cách trong hiện tình khốn khổ và bế tắc ở Việt Nam. Không chỉ thể hiện tình cảm ủng hộ Aung San Suu Kyi, khá nhiều bài báo đã tập trung phân tích vai trò của Thein Sein.
Không chỉ ca ngợi Aung San Suu Kyi và Thein Sein, tờ Giáo dục Việt Nam còn rút một cái tít rất đáng chú ý “Buông đao thành Phật” khi nói về thái độ của tướng Than Swe ủng hộ bà Aung San Suu Kyi. Bài viết khá dài này hầu như bỏ qua quá khứ đàn áp nhân dân đẫm máu của Than Swe, mà chỉ tập trung vào công tích của viên tướng này từ khi chọn Thein Sein làm người kế nhiệm, để cuối cùng Thein Sein chính là mắt xích tháo gỡ dân chủ cho Myanmar.
Thein Sein cũng là mấu chốt mà báo giới nhà nước - trong cơn vùng vẫy chỉ còn xao động đôi chút hy vọng - hướng đến như một kỳ vọng chẳng biết đâu là cơ sở cho trường hợp Việt Nam.
Một luồng ý kiến cho rằng không thể có Aung San Suu Kyi nếu không có Thein Sein. Sau tất cả, ẩn ý của luồng ý kiến này đang muốn hướng tới giới lãnh đạo đương thời của Việt Nam - chế độ “16 ông vua tập thể” vẫn chưa chịu động đậy để mang lại dân chủ cho nhân dân.
Vừa phản ứng với tình trạng mất dân chủ ở Việt Nam, những tờ báo nhà nước còn như muốn xoáy vào nguồn cơn chính yếu là thể chế độc tài đã khiến dân chủ bị suy kiệt đến thế nào.
Tuy nhiên, đó là tất cả những gì mà những tờ báo có độ phản biện cao nhất ở Việt Nam có thể biểu đạt. Bức tường tuyên giáo vẫn còn gần như nguyên vẹn mà không một tổng biên tập nào đủ can đảm để húc đổ nó.
Vẫn còn nguyên chế độ chỉ đạo hàng tuần và hàng tháng của Ban Tuyên giáo Trung ương cho các báo về từng chuyện “có thể đăng”, “thận trọng khi đăng” và “không được đăng”.
Tận dụng thời đại kỹ thuật số, cán bộ giới tuyên giáo còn siêng năng nhắn tin qua hệ thống SMS miễn phí tới điện thoại di động của các tổng biên tập như một cách cầm tay chỉ việc về những lĩnh vực và chủ đề “nhạy cảm chính trị”.
Myanmar đương nhiên là một vấn đề quá nhạy cảm như thế. Không quá cần thiết phải diễn tả chi tiết về chuyện 70 mùa xuân của đảng Cộng sản Việt Nam đang sợ hãi đến thế nào về Mùa xuân Ả rập năm 2011 và mới đây là Mùa thu Myanmar.
Tâm thế tự kỷ chính thể đã kéo theo thể trạng trầm cảm của đa số báo giới. Ngược dòng với không khí phấn khích của một số ít báo chí nhà nước, số đông còn lại đã tỏ ra bàng quan theo truyền thống vô cảm ngày càng ăn sâu vào não trạng và cả con tim. Rất ít hoặc không đề cập đến sự kiện Cách mạng dân chủ Myanmar, các báo này chỉ thuần túy đưa tin về Myanmar như một trong rất nhiều sự kiện trên thế giới. Tình trạng này thêm một lần nữa cho thấy quá trình chuyển đổi dân chủ hóa ở Việt Nam đang diễn ra khá chậm chạp, để nếu còn khá lâu nữa mới xuất hiện một Aung San Suu Kyi của Việt Nam, ngay cả “Thein Sein” cũng mờ mịt nốt.
‘Mê nhất Putin’
“Làm gì có Thein Sein ở Việt Nam! Mấy ông lãnh đạo bây giờ mê nhất là mô hình kiểu Putin” - một chuyên viên nghiên cứu kỳ cựu bật ra trước không khí phấn khích của báo giới về thắng lợi hầu như tuyệt đối của Phong trào Aung San Suu Kyi tại Myanmar cuối năm 2015.
Vài nhà báo nhổm lên định phản bác nhận định trên. Nhưng họ chợt im bặt khi nhớ ra vị chuyên viên này luôn có mối quan hệ tay chân với hàng ngũ cao cấp. Sự thật là khó có gì giữ kín mãi ở Hà Nội. Sự thật là mới vào năm 2014, vị chuyên viên này là một trong những người ủng hộ hầu như vô điều kiện bản thông điệp đầu năm đó của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Và sự thật là trong tình cảnh trái khoáy của chính trị Việt Nam, nhiều lúc người ta cần phải biết chấp nhận những sự thật cực kỳ chua chát.
Cái sự thật đó đã được mổ xẻ về con người thật của Vladimir Putin: nhân vật KGB đã giữ an toàn tuyệt đối cho cựu tổng thống nát rượu Yeltsin và gia đình ông ta, cũng chính là nhân vật đã duy trì một cách bán công khai chính sách bảo vệ cho tầng lớp “thái tử đỏ” trong nền triều chính hậu Sa hoàng. Trong khi dân chúng được hít thở một ít oxy tự do ngôn luận so với thời Xô viết, gần hết báo chí lại cúm rúm nối đuôi nhau tiến vào con đường một chiều.
Rất ít hoặc không có ai chống lại Putin. Một hình ảnh Nga hoàng mới cũng vì thế đang lộ diện không cần che giấu.
Trong khi đó vào năm 2014, một chiến dịch truyền thông ở cấp độ vừa phải đã diễn ra ở khu vực báo chí nhà nước và cả trên vài trang mạng xã hội về “Lãnh đạo Việt Nam nào có thể làm được như Putin?”. Vài ba gương mặt quen thuộc được nêu ra. Nhưng cuối cùng, trong khi gạt bỏ phương án Trương Tấn Sang, những bài báo chủ động đặt ra vấn đề này cũng chủ động kết luận: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Thậm chí, những bài báo trên còn so sánh quá khứ thứ trưởng Bộ công an của ông Dũng với dĩ vãng tình báo của Putin.
Song ở thì hiện tại, Thủ tướng Dũng với ba người con đậm sắc “thái tử đỏ” còn nổi tiếng hơn cả Putin.
Nhưng không chỉ ông Dũng, mà một tỷ lệ đáng nể trong giới quan chức cao cấp cũng đang tìm đường tiến bước theo ông: tầng lớp con cái “hót hay nhảy giỏi” đang được nâng đỡ tối đa về hậu vận và tài sản.
Tất cả vẫn chưa chạm đáy. Ngay cả sau khi lớp lãnh đạo đã thể nghiệm vượt trội vở kịch Dưới đáy của Maxim Gorki phải về hưu, vẫn chẳng nhiều nhặn hy vọng về một Thein Sein ở Việt Nam bằng vào tương lai “thế tử đang lên”.
Hy vọng khả dĩ trong 3 năm tới - hóa ra chỉ còn là một kẻ nào đó trong lớp thái tử đỏ ấy sẽ phải thúc thủ trước triết lý “Kiếm tiền là cả một nghệ thuật chính trị; giữ tiền là cả một nghệ thuật nhân văn”.
*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.