Ngư dân bị ‘tàu lạ’ bắn muốn mang súng ra khơi
Một ngư dân tỉnh Quảng Ngãi, nạn nhân của một vụ bắn giết trên biển Đông tháng trước, cho biết ông muốn mang súng khi trở lại “bám biển, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”.
Ông Bùi Văn Cu cho VOA Việt Ngữ biết như vậy hôm nay, 16/12, ba tuần sau khi xảy ra vụ xả súng ở quần đảo Trường Sa làm một ngư dân thiệt mạng trên chiếc tàu đánh cá của ông.
Dù cuộc điều tra vẫn tiếp diễn, ông Cu cho biết ông nghĩ 8 kẻ tấn công mặc thường phục đi trên hai chiếc thuyền “là người Philippines”.
Ông nói: “Mỗi ghe (thuyền) mỗi nước nó khác cho nên là tôi khẳng định rằng đó là người dân Philippines. Nhưng mà họ giả, ví dụ Trung Quốc mà họ giả người dân Philippines, thì tôi không biết được”.
Ngư dân Trương Đình Bảy, 45 tuổi, hôm 26/11 bị bắn chết khi đang cùng với hơn 10 thuyền viên khác đánh bắt ở khu vực quần đảo Trường Sa.
Khi sự việc xảy ra, thuyền trưởng Bùi Văn Cu và ông Bảy đang ở trên boong tàu trong khi các ngư dân khác đang lặn bắt dưới biển.
Ông Cu cho biết ông “vẫn còn sợ sệt và hoang mang”. Tuy nhiên, ông nói ông vẫn sẽ tiếp tục ra khơi.
Ông nói thêm: “Hồi phục xong rồi tôi cũng phải đi lao động. Chứ mình là người dân lao động mà không đi lao động thì lấy gì mà sinh sống đây? Nếu đi lao động thì anh em tôi cũng đề nghị với cấp trên là phải làm sao, chứ với tình hình như vậy, anh em bọn tôi đi lao động cũng rất là lo sợ và hoang mang. Hoang mang vì là người dân của họ có súng, còn người dân của mình không có súng cho nên là họ uy hiếp mình để cướp đoạt tài sản của mình”.
Ít lâu sau khi xảy ra vụ bắn người trên biển, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình, cho biết rằng chính quyền Hà Nội đã “chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại những nước ven biển Đông khẩn trương làm rõ các vấn đề liên quan đến vụ việc nghiêm trọng này."
Người phát ngôn này nói thêm: “Trong bất kỳ trường hợp nào, chúng tôi lên án và phản đối mạnh mẽ hành vi đối xử vô nhân đạo, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với các ngư dân Việt Nam”.
"Giữ biển đảo"
Ông Cu cho biết ông đã đề xuất chính quyền phải bảo vệ ngư dân Việt Nam cũng như khả năng được mang súng ra biển.
Ông nói thêm: “Tôi cũng có đề nghị với cấp trên là làm sao giải quyết cho người dân để họ ra khơi để bám biển để giữ chủ quyền biển đảo. Chứ tình hình như hiện nay thì người dân rất là không dám. Họ sợ quá. Người dân với người dân cũng nghĩ là đi làm với nhau, nhưng người dân của Philippines có súng, còn người dân của Việt Nam không có súng. Tôi đề nghị với cấp trên đó nhưng hiện nay chưa nghe nói gì. Mang súng thì nhà nước có cho hay không? Nếu nhà nước mà họ cho thì tôi cũng làm như vậy để giữ tài sản, và cũng giữ biển đảo của Việt Nam. Sợ là cấp trên không cho mình làm như vậy”.
Hội Nghề cá Việt Nam, cơ quan bảo vệ quyền lợi của ngư dân Việt, từng tuyên bố không đẩy các ngư phủ vào chỗ nguy hiểm khi tiếp tục kêu gọi ngư dân ra khơi, bám biển Đông, dù Trung Quốc có những hành động mạnh mẽ nhằm khẳng định chủ quyền ở vùng biển tranh chấp này.
Ông Nguyễn Ngọc Đức, Chánh văn phòng Hội nghề cá Việt Nam, từng nói với VOA Việt Ngữ rằng “biển của Việt Nam thì ngư dân Việt Nam có quyền đánh bắt”.
Hồi đầu năm nay, báo chí Việt Nam đưa tin, lực lượng kiểm ngư sẽ được trang bị các loại súng dùng để bắn đạn nhựa, đạn cao su, hơi ngạt, hơi cay và các loại đạn sử dụng cho các loại súng này.
Lực lượng kiểm ngư còn được trang bị vũ khí quân dụng như súng ngắn, súng tiểu liên và đạn sử dụng cho các loại súng này.
Tin cho hay, người được giao sử dụng vũ khí quân dụng “phải có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khỏe phù hợp, được huấn luyện về chuyên môn, kiểm tra định kỳ về kỹ năng sử dụng vũ khí quân dụng và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận sử dụng vũ khí quân dụng”.
Theo báo chí Trung Quốc, quốc gia cũng có tranh chấp ở biển Đông, một quan chức ngư nghiệp hàng đầu của nước này đã đề nghị chính phủ cung cấp vũ khí và huấn luyện quân sự cho khoảng 100 nghìn ngư dân để bảo vệ chủ quyền trên biển Đông.