Nhiều người ở Ấn Độ đang bàn tán về việc các thành phố lớn không ngừng mở rộng dễ bị thiệt hại vì những vụ thiên tại, sau trận lụt kinh hoàng tại thành phố Chennai ở miền nam. Từ New Dehli, thông tín viên Anjana Pasricha của đài chúng tôi gởi về bài tường thuật.
Những trận mưa lớn nhất trong vòng một thế kỷ đã làm cho thành phố Chennai chìm ngập trong làn nước. Hệ thống thoát nước tự nhiên của thành phố hầu như bị tắc nghẽn vì những công trình xây dựng không bị hạn chế dọc theo các bờ sông và tại những vùng đất ngập nước.
Các chuyên gia cho rằng những vấn đề về qui hoạch đô thị yếu kém và phát triển nhà đất bừa bãi không phải là những vấn đề riêng của Chennai, mà những vấn đề này là một sự cảnh báo đối với các thành phố khác trên cả nước.
Anh Prasanth Elango, 22 tuổi, thuật lại như sau về trận lụt hôm 1/12, khi một lượng mưa 345 mili mét trút xuống Chennai chỉ trong vòng 24 giờ đồng hồ.
Anh Elango nói: "Rác rưởi và nước cống tràn ngập mọi nơi. Khu nhà của bạn tôi có 3 hoặc 4 xác người trôi vào. Nước lũ tràn vào từ mọi nẻo đường."
Các chuyên gia không ngạc nhiên khi thấy thành phố lớn thứ tư của Ấn Độ biến thành những hòn đảo hồi tuần trước. Trong 15 năm qua, mấy mươi vùng đất ngập nước và hồ nước đã bị lấp để lấy đất xây thương xá, nhà cửa và các Công viên Công nghệ Thông tin ở Chennai, một trung tâm công nghiệp đang phát triển mạnh và là nơi có hơn 6 triệu cư dân.
Ông Natyanand Jayaraman, một nhà hoạt động xã hội ở Chennai, cho biết một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất là Velachery, một khu gia cư đông đúc đã mọc lên trên vùng đất từng là một cái hồ lớn.
Những trận mưa lớn nhất trong vòng một thế kỷ đã làm cho thành phố Chennai chìm ngập trong làn nước.
Ông Jayaraman nói: "Từ năm 2005 đến năm 2015, nơi này có một hệ thống giao thông công cộng, một ga xe lửa được xây trên vùng đất ngập nước. Vô số những toà nhà đã mọc lên để làm nơi cư ngụ cho các chuyên viên phần mềm tại những khu nhà hạng sang, và bây giờ chúng ta thấy hầu hết những thứ đó đang bị ngập nước, và phần lớn những nhân viên phần mềm giờ đây đã phải về quê."
Ông Jayaraman cho biết khu vực này cũng có những trận mưa lớn như vậy vào năm 2005, nhưng tình hình khi đó không tệ lắm vì dân cư còn thưa thớt.
Chennai không phải là thành phố duy nhất ở Ấn Độ bị lũ lụt gây khốn đốn. Cách nay 10 năm, thủ đô tài chánh Mumbai cũng gặp phải một thảm hoạ tương tự sau khi một lượng mưa 944 mili mét trút xuống.
Năm ngoái, thành phố Srinagar, thủ phủ mùa hè của vùng Kashmir thuộc Ấn, cũng bị chìm ngập dưới mấy mét nước sau những trận mưa to. Trong cả hai trận lụt này, các chuyên gia qui hoạch đô thị cho rằng bùn đất đọng lại trong các hệ thống thoát nước, những công trình xây dựng không kiểm soát và những vụ lấn chiếm sông, hồ đã làm cho nước tràn vào các khu dân cư.
Các chuyên gia thiết kế đô thị nói rằng làn sóng đô thị hoá ở Ấn Độ diễn ra tại nhiều nơi không thích hợp cho việc xây dựng nhà cửa, như những vùng đất bằng để phòng lụt.
Ông Kapil Gupta thuộc Viện Công nghệ Ấn Độ là người tổ chức cuộc hội thảo đầu tiên ở Ấn Độ về lụt lội ở đô thị sau trận lụt Mumbai. Ông cho biết như sau:
"Có những hoạt động xây dựng không được qui hoạch và hệ thống thoát nước tại những khu vực này chưa được qui hoạch. Các trung tâm đô thị của chúng ta cần phải được bảo vệ. Chúng ta đang chi tiêu rất nhiều cho cơ sở hạ tầng nhưng chúng ta cũng cần phải chi tiêu cho hệ thống thoát nước và đương nhiên là chúng ta phải chừa đủ chỗ cho nước mưa thoát đi ngõ để những hoạt động ở đô thị không bị tê liệt."
Các chuyên gia không ngạc nhiên khi thấy thành phố lớn thứ tư của Ấn Độ biến thành những hòn đảo hồi tuần trước.
Trong khi đó, các chuyên gia khí hậu cảnh báo rằng hiện tượng tăng nhiệt toàn cầu có phần chắc sẽ làm cho những trận mưa lớn hơn trút xuống trong một khoảng thời gian ngắn hơn. Những thành phố lớn ở Ấn Độ hiện là nơi cư ngụ của hàng trăm triệu người và dự kiến số người sinh sống ở các khu vực đô thị sẽ lên tới mức 1 tỉ người vào năm 2050. Mật độ cao như vậy làm cho hàng triệu người gặp rủi ro khi thành phố bị lụt.
Ông Shashidhar Reddy, cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thảm hoạ Quốc gia, cho biết các giới chức thành phố không chú trọng tới vấn đề thoát nước.
Ông Reddy nói: "Không giống như đường sá mà họ phải nới rộng để thích ứng với lượng xe cộ gia tăng, công suất của các hệ thống thoát nước bị sút giảm vì vấn đề lấn chiếm, bùn đọng và đó là tình trạng của tất cả các thành phố ở Ấn Độ hiện nay."
Ông cho rằng công suất thoát nước trung bình hiện nay cần phải được tăng hơn gấp đôi.
Sau khi bị thiệt hại nặng nề, cư dân ở Chennai đã bắt đầu hành động. Hơn 50.000 người đã ký thỉnh nguyện thư trên mạng để yêu cầu viên thị trưởng tăng cường hoạt động cứu trợ lũ lụt và bảo đảm là vấn đề thoát nước của thành phố được giải quyết.