Mưa lớn ở Ấn Độ khơi lên cuộc tranh luận về biến đổi khí hậu
Những trận mưa lớn nhất trong hơn một thế kỷ tại thành phố Chennai ở miền nam Ấn Độ đang thu hút sự chú ý của nhiều người tới tình trạng dễ bị tổn thương vì thời tiết của tiểu lục địa này trong lúc các nhà lãnh đạo thế giới nhóm họp tại Paris để tìm cách ứng phó với nạn biến đổi khí hậu.
Những trận mưa như trút ở Chennai đã ngưng hôm thứ 5, nhưng nhiều người ở thành phố ven biển này vẫn còn bị mắc kẹt trên nóc nhà và hàng vạn người lâm cảnh màn trời chiếu đất trong lúc cả thành phố chìm ngập trong làn nước.
Cơn mưa trút xuống từ tối thứ ba đã làm cho thành phố có 4,6 triệu dân này trở thành một hồ nước khổng lồ, phi trường phải đóng cửa và hệ thống cung ứng điện bị cúp.
Bộ trưởng Nội vụ, ông Rajnath Singh, báo cáo như sau với quốc hội về tình hình Chennai: "Chennai có lượng mưa 330mm trong vòng 24 giờ đồng hồ -- cao hơn 252mm so với lượng mưa của cả tháng 12".
Tình hình còn trở nên tệ hại hơn nữa vì giới hữu trách đã phải xả nước của một cái hồ ở ngoại ô Chennai sau khi mực nước ở hồ này lên cao tới mức nguy hiểm.
Hàng ngàn binh sĩ, cảnh sát và các toán nhân viên ứng phó thiên tai đã tham gia công tác cứu hộ, trong đó họ dùng máy bay trực thăng và tàu bè để đến cứu những người bị mắc kẹt trong làn nước lũ. Máy bay của không quân cũng thả dù lương thực xuống những khu vực bị cô lập.
Hàng ngàn người mắc kẹt tại phi trường bị đóng cửa đã được đưa tới một căn cứ hải quân ở kế bên. Dịch vụ xe lửa ra vào thành phố bị gián đoạn. 269 người đã thiệt mạng từ đầu tháng 11 vì lũ lụt.
Nỗi khốn khổ của thành phố này có phần chắc sẽ không chấm dứt trong nay mai vì cơ quan khí tượng dự báo sẽ có thêm mưa lớn trong những ngày sắp tới.
Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ, ông Prakash Javadekar, nói rằng trận mưa kinh hoàng ở Chennai không thể được liên kết một cách trực tiếp với biến đổi khí hậu.
Các chuyên gia khí hậu tán đồng nhận định đó, nhưng họ cũng nêu ra một sự kiện là nhiệt độ gia tăng trên toàn thế giới đã làm gia tăng cường độ của những trận mưa.
Bên lề hội nghị thượng đỉnh khí hậu đang diễn ra ở Paris, các đại biểu của những nước đang phát triển và các tổ chức xã hội dân sự đã nêu vụ lụt lội ở Chennai để làm thí dụ cho việc những nước như Ấn Độ trở nên dễ bị tổn thương bởi những sự kiện thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra như hạn hán và mưa to.
Ông Rakesh Kamal, một nhà nghiên cứu của Trung tâm Khoa học và Môi trường ở New Dehli, cho biết như sau:
"Nếu quí vị nhìn vào những xu thế trong quá khứ, từ những cơn mưa dữ dội ở Kashmir cho tới những sự kiện hồi tháng 3, khi chúng ta có mưa đá, cho tới cơn mưa bất thường hiện nay ở Chennai, quí vị có thể so sánh để thấy được biến đổi khí hậu cũng là một trong các nguyên do. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải hiểu rằng việc này không phải chỉ liên quan tới biến đổi khí hậu, mà còn liên quan tới vấn đề qui hoạch đô thị không thích đáng".
Trước khi đến dự hội nghị Paris hồi đầu tuần này, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, tuyên bố “Chúng tôi đang cảm nhận những tác động của sự biến đổi khí hậu diễn ra một cách nhanh chóng".
Tại Paris, nhà lãnh đạo Ấn Độ đã lên tiếng hô hào cho một thoả thuận mạnh mẽ về điều được gọi là “thất thoát và thiệt hại”. Đó là một điều khoản mà các nước đang phát triển muốn bao gồm trong hiệp ước chung cuộc về khí hậu để bảo đảm là các nước giàu bồi thường cho nạn nhân của biến đổi khí hậu về những thiệt hại môi trường mà các nước này đã gây ra trong nhiều thập niên khi họ công nghiệp hoá.
Lâu nay Ấn Độ vẫn cho rằng các nước giàu phải làm một lúc hai việc: (đó là) cung cấp trợ giúp tài chánh cho các nước nghèo để họ ứng phó với biến đổi khí hậu và đồng ý giảm thiểu nhiều hơn lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà họ thải ra.
Ông Aranabha Ghosh, Chủ tịch Hội đồng Năng lượng, Môi trường và Nước ở New Dehli, cho biết biến đổi khí hậu đã làm cho Ấn Độ thiệt hại nhiều tỉ đô la.
Ông Ghosh nói: "Trong 5 năm vừa qua, những sự kiện thời tiết cực độ đã làm cho Ấn Độ thiệt hại từ 25 tới 30 tỉ đô la. Trong tài khoá 2013-2014, Ấn Độ đã chi tiêu gần 92 tỉ đô la cho việc thích ứng và những hoạt động liên hệ và xây dựng năng lực. Khoản tiền đó sẽ tăng tới mức 360 tỉ đô la vào năm 2030. Trên thực tế, chỉ riêng các hoạt động thích ứng, chúng ta cũng đã cần phải đầu tư gần 1 ngàn tỉ đô la từ nay cho đến năm 2030. Đây là một tình huống mà chúng ta phải đối mặt".
Các nước phát triển muốn Ấn Độ giảm bớt sự lệ thuộc vào năng lượng sản xuất từ than đá, trong lúc lượng tiêu thụ than đá ở quốc gia này dự kiến sẽ tiếp tục gia một cách nhanh chóng.