Việt Nam tống giam thanh niên giúp ‘né cảnh sát’ trên Facebo
Tòa án mới kết án hai bạn trẻ 6 tháng tù giam vì lập trang “Tránh chốt cảnh sát giao thông Hải Phòng” và bị cáo buộc “bôi xấu, bôi nhọ” lực lượng làm nhiệm vụ ở thành phố cảng miền bắc.
Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng hôm 1/12 đã kết án Nguyễn Đức Hảo, 21 tuổi, và Hoàng Anh Thư, 23 tuổi, về tội danh “Đưa và sử dụng trái phép thông tin trên mạng Internet”, theo khoản 1, Điều 226 Bộ luật hình sự.
Theo cáo trạng do báo chí trong nước loan tải, “hai bị cáo đã đăng tải, lan truyền trên cộng đồng mạng những hình ảnh, bài viết có nội dung xuyên tạc, xúc phạm uy tín của lực lượng cảnh sát giao thông nói riêng và các lực lượng khác thuộc công an Hải Phòng nói chung”.
Nhận định về bản án này, luật sư Trần Thu Nam nói với VOA Việt Ngữ:
“Mạng xã hội là một mạng ảo, có máy chủ đặt ở nước ngoài. Facebook chỉ là một công cụ thôi. Người ta dùng nó để thể hiện các tư tưởng, quan điểm, lập trường của những người dùng Facebook thôi. Để mà xử lý việc đưa bài lên Facebook như này thì phải nói rằng là vấn đề nó liên quan tới quyền tự do ngôn luận, quyền tự do biểu đạt của mọi người, của công dân. Căn cứ những chứng cứ ở trên Facebook, về mức độ tổn hại cho những người bị hại rất khó đánh giá, không cân đo đong đếm được những thiệt hại do các bài viết ở trên Facebook gây ra. Việc kết án tù 6 tháng là một vấn đề khá nguy hiểm trong việc áp dụng pháp luật, và có thể xâm phạm tới quyền tự do biểu đạt, quyền tự do ngôn luận của người sử dụng.”
Luật sư Trần Thu Nam cho biết thêm rằng ở Việt Nam đã có nhiều vụ phạt tù vì Facebook liên quan tới các nhà bất đồng chính kiến về tội “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, xâm phạm quyền lợi của nhà nước và các tổ chức công dân” để “nói xấu đảng, nói xấu nhà nước.”
Trong khi tòa án và báo chí Việt Nam cho rằng hai thanh niên đã “hạ uy tín của lực lượng cảnh sát giao thông”, thì nhiều người dân ở Hải Phòng lại cho VOA Việt Ngữ biết rằng trang “Tránh chốt cảnh sát giao thông Hải Phòng” đã giúp họ "né" được những điểm được cho là có cảnh sát giao thông “núp”.
Một số cũng xác nhận tình trạng tiêu cực trong một số cảnh sát giao thông ở thành phố biển này. “Mình đang ở Hải Phòng và cam đoan mọi người, toàn bộ người dân đều ủng hộ page,” một bạn đọc tên Khương Thi viết.
Sau khi anh Hảo và Thư bị bắt hồi đầu tháng Tám, nhiều người sử dụng mạng xã hội Facebook vẫn công khai chia sẻ thông tin về các chốt cảnh sát giao thông ở nhiều nơi khắp Việt Nam để cảnh báo khả năng bị "làm tiền", bất chấp nguy cơ có thể bị bắt giữ.
Vụ kết án hai thanh niên diễn ra trong bối cảnh có nhiều diễn biến ở Việt Nam liên quan tới Facebook. Hôm 3/2, chính quyền Việt Nam cho biết đã xác định được 3 học sinh trung học “lợi dụng mạng xã hội Facebook mạo danh thành viên tổ chức Nhà nước Hồi giáo” để đe dọa, kích động khủng bố sau khi xảy ra các vụ tấn công đẫm máu ở Paris, Pháp.
Trước đó, ngành giáo dục An Giang thu hồi lệnh “nghiêm cấm cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trên địa bàn bình luận, thích (like), chia sẻ (share), đăng nội dung liên quan đến chế độ chính sách, chính trị, tôn giáo, làm ảnh hưởng uy tín đến cá nhân khác”, sau khi vấp phải phản ứng của dư luận.
Blogger Huỳnh Ngọc Chênh nhận định với VOA Việt Ngữ rằng Facebook là mạng xã hội “tác động rất lớn lên sinh hoạt, suy nghĩ và tư duy của người Việt Nam bởi nó cung cấp thông tin rất nhiều chiều”, và đặt ra một thách thức lớn cho chính quyền trong nước. Ông nói thêm:
“Có lẽ nhà nước, chính quyền đang rất lúng túng trước sự xuất hiện của Facebook. Ban đầu thì chưa nắm rõ để biết nó là cái gì để mà quản lý. Cho đến khi nhận ra được tầm quan trọng, tác động lớn lao của nó đối với xã hội thì không quản lý được nữa rồi. Rất nhiều cơ quan, nhiều vị lãnh đạo rất ớn sợ cái Facebook này và nhìn nó với quan điểm rất tiêu cực rồi tìm cách ngăn chặn, cấm đoán. Nhà nước thì muốn độc quyền thông tin, muốn độc quyền trong đường lối, quan điểm, và muốn cho tất cả mọi người đều nghe theo một hướng từ đảng chỉ đạo ra cho nên khi có những ý kiến nói lại như thế này thì người ta rất e ngại, rất lo sợ. Cho nên vừa rồi có hàng loạt các ý kiến đòi chặn Facebook, đòi cấm ‘like’ đòi này đòi khác đấy. Mạng xã hội, mạng Facebook có sức mạnh, sức sống của nó, cả hàng chục triệu người [ở Việt Nam] đang tham gia vào thì không thể nào ngăn chặn nổi.”
Hồi tháng Mười, chính phủ Việt Nam đã chính thức xuất hiện trên mạng xã hội lớn nhất thế giới nhằm truyền tải thông tin rộng rãi hơn, tới gần công chúng.
Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, dường như nhiều bình luận trái chiều trên trang có tên gọi “Thông tin chính phủ” đã bị kiểm duyệt.
Việt Nam từng bị tổ chức Phóng viên không biên giới coi là “kẻ thù của Internet”, nhưng Hà Nội bác bỏ cáo buộc này, đồng thời nhấn mạnh rằng quyền tự do ngôn luận của người dân “luôn được đảm bảo”.