Page 1 of 1

Một nghiên cứu mới tìm ra các điểm nóng của dịch cúm gia cầm

PostPosted: Mon Nov 23, 2015 12:06 pm
by NewsReporter
VOA - Economy

Vietnam Birdflu Study

Dịch cúm gia cầm bắt đầu từ cuối năm 2003 và vẫn đang tiếp tục ảnh hưởng tới nhiều quốc gia, nhất là các nước Đông Nam Á. Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch bệnh này. Tại sao vậy? Văn hóa, lối sống và tập quán canh tác được cho là những nguyên nhân của sự lây lan bệnh dịch này.


Một nghiên cứu gần đây của Trung Tâm Nghiên Cứu Đông Tây có trụ sở chính ở Hawaii đã khẳng định những nghi ngờ rằng các khu vực “cận thị” ở các vùng rìa thành phố là những điểm nóng đặc biệt cho sự bùng phát các căn bệnh lây nhiễm từ động vật sang người.


Nghiên cứu này tập trung vào những sự bùng phát của bệnh cúm gia cầm thể động lực cao (HPAI) chủng H5N1 ở Việt Nam trong thời gian từ 2003 đến 2005 đã làm 45 triệu gia cầm chết và lây nhiễm cho 106 người, trong đó có gần 1 nửa số người thiệt mạng. Nghiên cứu này kết luận rằng những đợt bùng phát phần lớn xuất phát từ sự hội tụ của những yếu tố môi trường và xã hội phát sinh trong quá trình phát triển của các khu vực chuyển đổi từ nông thôn sang thành thị này. Điều này khẳng định cái mà trước đây được biết đến như là “mô hình hội tụ” của sự xuất hiện căn bệnh truyền từ động vật sang người.


Nhà nghiên cứu chính của nghiên cứu này, ông Sumeet Saksena, nói với VOA.


"Các nhà khoa học tin rằng sự đa dạng về sử dụng đất có thể quan trọng nhưng không ai có dữ liệu để chứng minh điều đó và chúng tôi đã có được dữ liệu từ Tổng Cục Thống Kê Việt Nam (GSO). Chúng tôi đã có thể chứng minh được rằng sự đa dạng hóa sử dụng đất ảnh hưởng đến sự bùng phát. Sự đa dạng sử dụng đất rất cao ở các khu vực cận đô thị. Khi việc sử dụng đất thay đổi, sự tương tác và tiếp xúc giữa con người và gia cầm trở nên thường xuyên hơn và do đó nó là một tình trạng nguy hiểm."


Ông Sumeet nói rằng phương thức nghiên cứu được sử dụng lần đầu tiên này cung cấp bằng chứng dựa trên những dữ liệu cho một quan điểm chung rằng quá trình đô thị hóa kết hợp các yếu tố rủi ro để tạo ra các quang cảnh cận đô thị với tiềm năng cao hơn nhiều cho sự xuất hiện của bệnh truyền nhiễm.


"Việt Nam là nước có tỷ lệ đô thị hóa cực kỳ cao. Trong quá trình này điều gì sẽ xảy ra với đất nông nghiệp? Nó được chuyển đổi thành những khu dân cư, đặc biệt là bên ngoài thành phố. Những khu vực này, chúng tôi gọi là các vùng cận thị - có các đặc tính tổng hợp. Chúng 1 phần là nông thôn, một phần là thành thị. Chúng có nông nghiệp. Chúng có khu dân cư. Tất cả trong một chỗ. Tất cả những nơi này là điểm nóng cho cúm gia cầm."



Người bán gia cầm ở 1 chợ ở Yên Ninh, Việt Nam. - Ảnh do tiến sỹ Sumeet Saksena cung cấp


x

Người bán gia cầm ở 1 chợ ở Yên Ninh, Việt Nam. - Ảnh do tiến sỹ Sumeet Saksena cung cấp

Người bán gia cầm ở 1 chợ ở Yên Ninh, Việt Nam. - Ảnh do tiến sỹ Sumeet Saksena cung cấp


Tiến sỹ Trịnh Đình Thâu của khoa Thú Y của Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam, người cùng tham gia cộng tác trong nghiên cứu này, giải thích thêm về các điểm nóng này.


"Đó là những vùng chuyển đổi – là nơi người ta không canh tác gia cầm nhưng có nhiều sự giết mổ, buôn bán gia cầm. Đó là những khu có nhu cầu mua sản phẩm cao. Đó cũng là những nơi đông dân cư nhất."


Tiến sỹ Thâu cho biết có hàng nghìn hộ dân được điều tra cho nghiên cứu này, chủ yếu tập trung ở các tỉnh phía bắc bao gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Hưng, Hưng Yên… Mục tiêu của nghiên cứu này là tìm ra những yếu tố về hệ thống nông nghiệp, việc sử dụng đất và các yếu tố xã hội khác ảnh hưởng đến cúm gia cầm.


Theo số liệu của nghiên cứu này, hơn 7% đất của Việt Nam được coi là “cận thị” và khoảng 13% dân số - tức 11 triệu người – sống ở những khu vực cận thị này.


Dự án được tiến hành trong vòng 5 năm, từ 2009 đến 2014, trong đó các các nhà nghiên cứu xem xét các dữ liệu về Việt Nam trong giai đoạn diễn ra dịch cúm gia cầm H5N1 từ 2003 đến 2006.


Nghiên cứu trước đây cho thấy rằng những sự bùng phát của căn bệnh này có thể có liên quan tới những thay đổi về môi trường khi các xã hội phát triển, nhưng đây là nghiên cứu đầu tiên thuộc loại này xem xét sự đa dạng trong sử dụng đất như một yếu tố tiềm ẩn cho H5N1.


Kể từ năm 2003, loại vi rút này đã giết chết hàng triệu gia cầm ở nhiều nước trên toàn châu Á, châu Âu và châu Phi. Theo dữ liệu của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), cho tới tháng 1 năm 2015, căn bệnh này cũng đã giết chết 402 người tại 16 quốc gia. Chỉ trong năm nay ở trung tây nước Mỹ, gần 49 triệu gia cầm ở 21 tiểu bang đã bị ảnh hưởng bởi một chủng vi rút HPAI – mặc dù chủng vi rút này không lây sang người.


"Vào thời điểm này, khi mùa thu tới và thời tiết trở nên lạnh hơn, những người sản xuất gia cầm và bộ Nông Nghiệp (Mỹ) đang rất lo lắng về việc dịch bệnh tiếp theo sẽ bùng phát. Đang có rất nhiều lo sợ ở Mỹ. Liên hệ đến Việt Nam. Vi rút này không bắt nguồn từ Mỹ mà bắt nguồn từ Đông Nam Á như Việt Nam và Trung Quốc qua các yếu tố di cư," theo ông Sumeet.


Trong đợt bùng phát cúm gia cầm được biết tới nhiều nhất trong lịch sử của Mỹ, 2 tiểu bang Iowa và Minnesota có nhiều đàn gia cầm bị ảnh hưởng nhất và các nhà sản xuất gia cầm ở đây đang thi nhau tiến hành các biện pháp an ninh sinh học.


Tiến sỹ Sumeet nói: "các đợt bùng phát tiếp theo có thể xảy ra trong vài tháng hoặc vài năm. Nếu nó xảy ra trong vòng vài năm, vi rút này có thể đã biến đổi sang những dạng mới mà chúng ta không thể biết rõ chính xác những biện pháp an ninh sinh học nào để những người nông dân nên áp dụng."


Nhưng các nhà nghiên cứu nói rằng nghiên cứu của Trung Tâm Đông Tây gợi ý sự cần thiết phải có các biện pháp an ninh sinh học vượt qua mức cơ sở. Họ cũng nói rằng các nhà lập kế hoạch cần phát triển và tiến hành các biện pháp an ninh sinh học ở cấp cảnh quan để cải thiện sự phòng ngừa và kiểm soát bệnh truyền nhiễm đang xuất hiện bằng cách kết hợp sự theo dõi về địa lý của các yếu tố nguy cơ cùng với các chương trình giám sát nguồn bệnh./.