Triển vọng trái chiều sau khi đàm phán TPP kết thúc
Không có sự đồng thuận hôm nay về thời điểm có thể phục hồi các cuộc đàm phán nhằm ký kết hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương sau khi 12 bên tham gia không đạt được thỏa thuận về nội dung theo dự kiến sẽ là vòng kết thúc hồi tuần trước ở Hawaii.
Giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại châu Á Deborah Elms nói với đài VOA qua Skype: “Xác định thời điểm quả là một thách thức vào lúc này, và thực sự bị thúc đẩy bởi chính trị bầu cử.”
Một cuộc tổng tuyển cử ở Canada dự trù sẽ diễn ra vào ngày 19 tháng 10 và cuộc vận động đã khởi sự hôm chủ nhật vừa qua.
Theo bà Elms, đối với người Canada, “nhượng bộ về mặt hàng sữa vào lúc cận kề bầu cử như thế này sẽ còn khó khăn hơn.”
Các cuộc bầu cử Tổng thống sơ bộ ở Hoa Kỳ bắt đầu vào tháng 1 năm 2016.
Vì các quy định về thương mại của Quốc hội có tính ràng buộc pháp lý, ngay cả nếu như các nhà thương nghị có thể đạt được thỏa thuận vào cuối tháng này, thì bà Elms tiên đoán các nhà lập pháp Hoa Kỳ chỉ còn có ít ngày trước khi họ đi nghỉ lễ Giáng Sinh.
Bà nói, “Khi trở lại thì họ đã ở vào tư thế bầu cử toàn diện và không có ai muốn biểu quyết về thương mại trong một chu kỳ bầu cử cả.”
Bộ trưởng thương mại Úc, ông Andrew Robb, nói với Công ty Truyền thanh Truyền hình Úc rằng các nước tham gia TPP đã đồng ý họp lại trong vài tuần nữa sau khi thất bại không đạt được một thỏa thuận tại các cuộc đàm phán ở Hawaii mà ông mô tả là “khá căng thẳng” và “đôi khi đầy căm phẫn.”
Thủ tướng John Key nêu nhận định tại một cuộc họp báo hôm nay tiếp theo một cuộc họp nội các ở Wellington: “Tôi tin tưởng chúng ta sẽ đạt được một thỏa thuận đem lại lợi ích tốt nhất cho New Zealand trong những tuần lễ sắp tới.”
Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản, ông Akira Amari nói với các phóng viên ông cũng muốn thấy các cuộc thảo luận mới diễn ra trước cuối tháng này.
Các cuộc thương nghị tuần trước đã trở nên rắc rối, nhất là về thời gian bảo vệ dữ liệu sẽ dành cho các công ty phát triển dược phẩm và giữ bản quyền các dược phẩm này, theo nhật báo với số phát hành lớn nhất Nhật Bản là tờ Yomiuri.
Trong một bài xã luận kêu gọi sớm nối lại các cuộc thương nghị, tờ báo này của Nhật Bản đã đổ một phần trách nhiệm cho Hoa Kỳ, là nơi hoạt động của những công ty dược phẩm lớn, vì nhất mực đòi thời gian bảo vệ dữ liệu đó là 12 năm, trong khi Australia và New Zealand nóng lòng muốn sử dụng các loại thuốc cùng loại sớm hơn, và kêu gọi thời gian bảo vệ là 5 năm hoặc ít hơn trong khi Nhật Bản đề nghị một thời gian trung dung là 8 năm.
Một vấn đề khác gây trì hoãn các cuộc đàm phán bí mật là khu vực ô tô.
Một bất đồng trễ bùng ra giữa Mexico, một nước vừa trỗi dậy trong địa hạt sản xuất xe hơi, và Nhật Bản, là nước thường đưa nguồn sản xuất linh kiện ra nước ngoài như Thái Lan, là bên không tham gia các cuộc đàm phán TPP.
Tất cả sự kiện này làm cho tiến trình rơi vào tình trạng “rắc rối to,” thoe bà Elms, trừ phi các ngôi sao liên kết một cách toàn hảo để đạt được một thỏa thuận trong tháng này, thì không thể đạt được gì cho đến năm 2017 là lúc “sẽ có một loạt các nhà lãnh đạo mới tại bàn hội nghị” và rất lâu sau khi các nhà thương thuyết hiện thời không còn làm việc nữa.
Các bên tham gia TPP tiêu biểu cho 40 phần trăm thương mại toàn cầu.
Các nước tham gia thương thuyết là Australia, Bruniei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia,, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam.
Các nước khác, như Colombia, Philippines, Nam Triều Tiên, Đài Loan và Thái Lan, từ năm 2010, đã loan báo sự quan tâm và có thể tham gia một đợt mở rộng thứ nhì nếu đạt được thỏa thuận sơ khởi.